Không thể không đề cập tới những quan niệm về màu sắc, hình thức trang trí và những bộ trang phục của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, nó cũng góp phần tạo nên những sắc thái riêng của thứ tín ngưỡng này trong bức tranh chung của văn hóa dân gian người Việt.
Ngũ sắc và biểu tượng về ngũ sắc không chỉ là của riêng tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, mà còn của nhiều tín ngưỡng dân gian khác của dân tộc ở Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, quan niệm và biểu tượng ngũ sắc được thể hiện một cách nhất quán, rõ nét nhất trong hệ thống tín ngưỡng này. Màu đỏ, trắng, xanh, vàng là màu tượng trưng của Tứ phủ, của thế giới trời, nước, rừng núi, là màu của các đồ lễ, màu sắc trang phục các Thánh, màu trang trí điện thờ… Đó là những màu nguyên, do vậy khi bước các đến phủ thờ Mẫu, ta đều có cảm giác tươi sáng, sặc sỡ, sống động.

Màu sắc trang phục giá hầu đồng biểu hiện ý nghĩa sâu sắc về ngũ hành và tứ phủ
Trong các đền, phủ thờ Mẫu Tứ phủ, từ tranh tượng đến các đồ thờ cúng đều mang tính trang trí rõ rệt. Để nhận biết hơn cả là trang trí hai con rắn thần từ hai bên chầu vào điện thờ Mẫu, các cột cạnh điện thờ sơn son thếp vàng hình rồng uốn khúc, các họa tiết trang trí trên các điện, khảm thờ đều sơn son thếp vàng. Ngoài ra, còn có các dãy nón thờ treo trên trần mỗi điện thờ mà số lượng nón theo từng loại đều tương ứng với số lượng các vị Thánh theo từng hàng. Các đồ mã, những giấy tiền, vàng, hương không lúc nào vắng mặt trên các bàn thờ Mẫu. Rồi các động Sơn Trang mà ngôi đền nào cũng có với cảnh hang động, các vị Thánh Thượng Ngàn, các Tiên đồng Ngọc nữ… tạo nên sắc thái riêng cho phủ Thượng Ngàn này.

Mang nét riêng hơn cả vẫn là các bộ trang phục dùng trong các buổi hầu đồng. Mỗi Ông đồng, bà đồng ít nhất cũng có một bộ đầy đủ với hàng chục loại áo, váy, quần, thắt lưng, khăn mũ, các đồ trang sức khác nhau tương ứng với số lượng các vị Thánh giáng đồng. Với những người giàu có thì giá trị mỗi bộ trang phục như vậy là rất cao, may từ các loại vải đắt tiền, có thêu và đính các đồ trang sức quý. Khi hầu bóng, mặc những bộ trang phục ấy vào đã thực sự tạo nên khung cảnh đầy màu sắc sặc sỡ.
Thực ra, cách phục sức và kiểu dáng may cắt trang phục là mô phỏng các bộ võ phục hay lễ phục của các quan trong triều đình. Tuy nhiên, trong khung cảnh tín ngưỡng, lại chịu sự chi phối màu sắc – ngũ sắc như kể trên, nên các bộ trang phục đạt tới độ chói rực, mà về phương diện nào đó góp phần tạo nên hiệu quả tâm lý đầy ảo giác cho không chỉ các con đồng mà cả các con nhang đệ tử khác. Trong trang phục, không chỉ thể hiện sắc thái cung đình mà còn thể hiện các sắc thái mang trang phục dân tộc, nhất là các bộ trang phục của Thánh hàng Chầu, hàng Cô gốc dân tộc.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam