banner 728x90

Lễ “mở cửa kho lúa” của người Rơ Măm

30/09/2024 Lượt xem: 2434

Người Rơ Măm là một trong số những dân tộc rất ít người ở tỉnh Kon Tum, chủ yếu quần tụ tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Trong đời sống của người Rơ Măm, cùng với nhiều lễ hội như: lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ mừng nhà rông mới và các nghi lễ gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp như trỉa lúa, lúa lên, thu hoạch lúa…, thì lễ mở cửa kho lúa là lễ hội lớn nhất, đánh dấu sự kết thúc của một chu kì sản xuất lúa rẫy.

Nghi thức cúng Yàng ở nhà rông

Theo già làng A Ren, vị chủ tế lễ mở cửa kho lúa của người Rơ Măm ở làng Le, lễ mở cửa kho lúa (hay còn gọi Tết cơm mới) chứa đựng những khát vọng, ước muốn chinh phục tự nhiên, mong có cuộc sống no đủ, tốt lành.

Hằng năm, vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, hạt lúa, hạt bắp đã được đem về cất kỹ trong kho, người Rơ Măm lại tổ chức lễ mở cửa kho lúa để cầu khấn và tạ ơn các thần linh đã ban cho dân làng có được một vụ mùa bội thu.

Trong lễ hội, người Rơ Măm phân công công việc cho từng người, từng gia đình. Nhóm thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm việc sửa chữa nhà rông, nhóm khéo tay hơn sẽ được phân công làm và trang trí cây nêu.

Trong lễ mở cửa kho lúa, người Rơ Măm sẽ làm ba cây nêu với kích thước dài, ngắn khác nhau tùy theo vật hiến sinh.

“Lễ mở cửa kho lúa được chia làm ba ngày với các lễ vật như: dê trắng, dê đen, gà trắng, gà đen, trâu trắng và trâu đen đem tới nhà rông truyền thống để làm vật hiến tế cho Yàng”, già làng A Ren cho biết.

Ngày thứ nhất, khi mặt trời vừa lên, các gia đình mang lễ vật gồm heo, gà, rượu lên rẫy để mở cửa kho lúa. Đến nơi, đàn bà nhóm lửa, đàn ông chuẩn bị các điều kiện và nghi lễ cần thiết.

Ông chủ làm cầu thang đưa hồn lúa về nhà, làm thịt heo, cắt tiết gà, đặt gan con vật lên tai ghè, gắn cây nến nhỏ bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng ghè và bắt đầu cầu khấn, xin được no đủ cùng những điều tốt lành.

Sau khi chủ nhà khấn xong, lấy rượu trong ghè tưới trước cửa kho lúa, lấy máu con vật hiến sinh vẩy lên cửa kho và mở cửa kho, người đàn bà lấy những gùi lúa đầu tiên. Sau đó, chủ nhà cài cành lá xanh lên cửa kho làm dấu và mọi người gùi lúa về làng.

Lúc này, tại nhà rông, già làng tiến hành nghi lễ cộng đồng với sự có mặt của tất cả các chủ gia đình. Khi già làng làm lễ xong, các chủ gia đình lấy ý thiêng từ “ngọn lửa thần” trên miệng ghè của cộng đồng về nhà mình để nhóm lửa từng bếp gia đình và chuẩn bị cho bữa cơm mới đầu năm.

Ngày thứ hai, già làng buộc con heo nhỏ vào cây nêu, cắm cần rượu nghi lễ xin phép Yàng: “Hôm nay dân làng làm lễ mở cửa kho lúa, làng có ăn trâu, đây là con trâu của Yàng. Xin Yàng hãy vui lòng nhận lấy và hãy giúp đỡ chúng con có nhiều trâu hơn, nhiều lúa nhiều bắp, để dân làng được no đủ...”.

Đến ngày cuối của lễ được gọi là ngày ăn đầu trâu, già làng làm lễ hạ Yàng. Đám rước Yàng và đầu trâu lên nhà rông, già làng làm lễ tại nhà rông. Lúc này, già làng tiến hành một cách cẩn thận nghi thức rất quan trọng là lễ rửa Yàng.

Dân làng lấy rượu ghè pha với các loại lá rừng, thành một thứ nước mầu, có mùi thơm để rửa vật tổ một cách cẩn thận trước khi đặt vào giỏ và gắn cây nến nhỏ làm bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng giỏ, bắt đầu lời khấn Yàng: “Xin Yàng giúp cho dân làng được nhiều lúa ở vụ sau, dân làng không đau ốm dịch bệnh, hẹn sang năm làng lại tiếp tục làm lễ mời Yàng cùng về tham dự…”.

Sau khi khấn xong, già làng đặt Yàng lên đúng vị trí trang trọng nhất trên nóc nhà rông trong niềm vui mãn nguyện của lòng thành đã được chứng giám. Dân làng sau khi tham gia lễ sẽ cảm thấy mình như được gột rửa toàn bộ những phàm tục của đời thường, những gian khổ và tội lỗi được tẩy trần. Sau phần nghi lễ trang trọng, dân làng tập trung ở sân nhà rông cùng hát múa, thưởng thức cơm lam, mời nhau ché rượu cần.

Lễ mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm ở làng Le mang hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu, có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính nhân văn cao. Lễ mở cửa kho lúa thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên, thần linh và con người; bày tỏ tri ân, cảm tạ của con người đối với vật hiến sinh và thần linh.

Nguồn: nhandan.vn

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top