banner 728x90

Kinh thành Huế, công trình kiến trúc đồ sộ, quy mô

20/12/2024 Lượt xem: 2544

Toàn cảnh kinh thành Huế

Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, di tích Kinh thành Huế, nằm ngay trung tâm thành phố Huế là một toà thành cổ, thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Diện tích mặt bằng của Kinh thành Huế là 520ha. Trong suốt 143 năm kể từ năm 1803, đây là nơi đóng đô của triều đình nhà Nguyễn. Trải qua 2 thế kỷ với sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, Kinh thành Huế vẫn giữ được diện mạo ban đầu.

Kinh thành Huế bắt đầu được xây dựng từ mùa hè năm 1805, dưới thời vua Gia Long. Trước đó, từ năm 1803 việc quy hoạch kinh thành đã được diễn ra. Toàn bộ quá trình khảo sát thực địa do chính vua Gia Long và các đại thần triều Nguyễn đảm nhận.

Sau khi thống nhất thiên hạ, năm 1803 vua Gia Long đã sai người đi khảo sát, chọn địa điểm để xây dựng mở rộng Kinh thành. Trước khi vua Gia Long cho xây thành mới, ở Phú Xuân đã có thành cũ của các chúa Nguyễn để lại, rồi thành của Tây Sơn dựng lên. Nhưng thấy các thành cũ kia quá nhỏ hẹp, nên nhà vua đã nghiên cứu địa bàn để mở rộng phạm vị cho kiến trúc mới.

Trước đó, để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng kinh thành, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã phái quân mở đường sá, làm đất cát, sai Phạm Văn Nhân, Lê Chất và Nguyễn Văn Khiêm đốc trách, trông coi công việc. Việc mở rộng Kinh thành có ảnh hưởng đến đất ở và đất ruộng của nhân dân nên nhà vua đã phải thực hiện chính sách đền bù nhà cửa, ruộng vườn chu đáo, giữ yên lòng dân để bắt tay xây dựng Kinh thành.

Cổng chính vào kinh thành Huế

Tháng 4 năm Ất Sửu (1805), sau khi sắc cho bộ Lễ chọn ngày tốt làm lễ tế trời đất và nhận thấy mọi sự chuẩn bị đã xong, vua Gia Long đã  cho khởi công xây đắp Kinh thành. Hơn 3 vạn lính và dân phu chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quy Nhơn đã được huy động đến Huế làm việc. Theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 13 thì Kinh thành Huế được xây dựng với quy mô như sau: “Ngày Quý Mùi, xây đắp Kinh thành. Suốt bốn mặt thành dài 2.487 trượng 4 thước 7 tấc, suốt bốn mặt hào dài 2.503 trượng, 4 thước 7 tấc; có 10 cửa, mặt trước là cửa Thể Nguyên, cửa Quảng Ðức, cửa Chính Nam, cửa Ðông Nam, bên tả là cửa Chính Ðông, cửa Ðông Bắc, bên hữu là cửa Chính Tây, cửa Tây Nam, phía sau là cửa Chính Bắc, cửa Tây Bắc; ở góc đông bắc đắp đài Thái Bình, thành (của đài) mở một cửa gọi là cửa Thái Bình, cửa đài gọi là cửa Trường Ðịnh; thân thành đài dài suốt 246 trượng 7 thước 4 tấc. Kỳ đài cao 4 trượng, 4 thước. Cửa Thể Nguyên sau đổi làm cửa Thể Nhân, cửa Thái Bình sau đổi làm cửa Trấn Bình”.

Như vậy đợt thi công đầu tiên vào năm 1805, triều đình phải huy động khoảng 30 nghìn dân và lính phục vụ cho việc ngăn sông, đào hào. 10 cửa xung quanh kinh thành bắt đầu được xây dựng từ năm 1809.  

Đến năm 1818, số người huy động xây dựng thành lên đến 80 nghìn người, tập trung xây gạch ốp ở 4 mặt Đông - Tây - Nam - Bắc. Đến năm 1831-1832, vua Minh Mạng cho xây dựng thêm tường bắn ở mặt ngoài của vòng thành, hoàn thiện kiến trúc của kinh thành.

Một cảnh phía trong kinh thành Huế 4

Mới đầu thành được đắp bằng đất, bằng gỗ ván bọc mặt ngoài nên từ tháng 4 đến tháng 8, đã hoàn tất. Đến năm 1818, nhà vua mới bắt đầu cho xây gạch: “Xây gạch Kinh thành. Vua sai bọn Hoàng Công Lý, Trương Phúc Đặng, Nguyễn Đức Sĩ, trông coi công việc. Làm 24 đài ở trên thành, phía trước là các đài Nam Minh, Nam Hưng, Nam Thắng, Nam Chính, Nam Xương và Nam Hanh; ở bên tả là các đài Đông Thái, Đông Trương, Đông Hoa (nay là Đông Gia), Đông Phụ, Đông Vĩnh, Đông Bình; phía sau là các đài Bắc Cung (nay là Bắc Định), Bắc Hòa, Bắc Thanh, Bắc Trung, Bắc Thuận, Bắc Điện; bên hữu là các đài Tây Thành, Tây Tuy, Tây Tĩnh, Tây Dực, Tây An và Tây Trinh”.

Vua Gia Long thực hiện công việc xây dựng kinh thành dở thì lâm bệnh nặng mà mất, vua Minh Mạng lên nối ngôi tiếp tục sứ mệnh mà vua cha để lại. Ông cho tiến hành xây dựng và hoàn chỉnh thêm các hạng mục lớn nhỏ trong ngoài Kinh thành. Năm 1831, cho tu sửa lại kỳ đài. Trên đài đường rãnh nước, bốn bên xung quanh chỗ nào thấm nước nứt vỡ thì tu bổ lại, hai bên bậc cửa xây thêm lan can, mặt nền tầng trên thì lát gạch vuông. Rồi sau, xây gạch tầng thành thứ ba phía trong và mặt trước. Đồng thời, vua Minh Mạng cũng cho xây bó phía mặt trong bên hữu, phía sau Kinh thành.  Đến năm 1832, công việc xây đắp Kinh thành đã xong.

Điện Trung Hòa trong khu Tử cấm thành Huế

Kinh thành Huế có tất cả 13 cửa thành. Trong đó, 10 cửa thành sẽ thông ra bên ngoài, 1 cửa thành nội bộ, 2 cửa thành đường thủy. Bao gồm: 

Cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ): Cửa thành nằm góc Đông của Đông Nam Kinh Thành. Vòm cửa được xây dựng từ năm 1809, vọng lâu xây năm 1829. Triều đình nhà Nguyễn lập Viện Thượng Tứ chuyên trông coi ngựa cho vua ở đây nơi cửa thành gọi là cửa Thượng Tứ.

Cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn): Cửa thành nằm ở phía Nam, bên trái Kỳ Đài của Kinh thành. Vòm cửa được xây dựng từ năm 1809, vọng lâu được xây năm 1829. Tên lúc đầu là Thể Nguyên, sau vua Minh Mạng đổi thành Thể Nhơn. Dân gian gọi là cửa Ngăn do dân bị ngăn lại tại đây khi vua hoặc cung phi đi ra Phu Văn Lâu hoặc nhà Lương Tạ để hóng mát, tắm sông. Cửa đặt 4 khẩu súng thần công gọi là Tả đại tướng quân.

Cửa Quảng Đức (cửa Sập): Cửa nằm ở phía Nam của Kinh thành. Tên được đặt theo chữ dinh Quảng Đức. Vòm cửa thành được xây dựng năm 1809, vọng lâu được xây năm 1829. Trong trận lụt năm 1953, cả vòm và vọng lâu đều sụp hoàn toàn nên dân gọi là cửa Sập. Cửa được phục chế lại năm 1998 sau thời gian bị chiến sự năm 1968 phá hoại nặng nề. Cửa đặt 5 khẩu súng thần công gọi là Hữu đại tướng quân.

Cửa Chánh Nam (cửa Nhà Đồ): Cửa cũng nằm ở phía Nam của Kinh thành. Dân gian thường gọi là cửa Nhà Đồ do bên ngoài cửa có cục Thượng Ty (Đồ Gia), dịch ra là Nhà Đồ. Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu được xây năm 1829. Cửa bị sụp năm 1953 do lũ lụt, sau này mới được phục dựng lại.

Cửa Tây Nam (cửa Hữu): Cửa nằm ở phía Tây Nam của Kinh thành. Vòm cửa xây dựng năm 1809, vọng lâu xây năm 1829. Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất thành ra chiến khu ngoài Quảng Trị từ cửa này. Trong chiến tranh cửa thành bị sập và sau này mới được phục dựng lại.

Cửa Chánh Tây: Cửa nằm ở phía Tây của Kinh thành, trên đường Thái Phiên. Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu xây năm 1829. Đây là nơi giao tranh ác liệt trong chiến sự năm 1968 nên bị tàn phá nặng nề. Sau này, cửa đã được phục hồi.

Cửa Tây Bắc (cửa An Hòa): Cửa nằm ở góc Tây Bắc của Kinh thành nối đường Tăng Bạt Hổ và Nguyễn Trãi. Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu được xây dựng năm 1831. Dân gian gọi là cửa An Hòa vì trước cửa thành là làng và chợ An Hòa.

Cửa Chánh Bắc (cửa Hậu): Cửa nằm ở mặt sau của Kinh thành nên được gọi là cửa Hậu. Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu xây năm 1831. Sau chiến tranh, cửa bị tàn phá nặng nề và bị đóng kín suốt 120 năm. Năm 2004 cửa được khai thông sau khi thi công sửa chữa.

Cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài): Cửa nằm ở góc Đông Bắc của Kinh thành, tọa lạc bên bờ sông Đông Ba. Vòm cửa xây dựng năm 1809, vọng lâu xây năm 1824 và là một trong 2 cửa được xây dựng vọng lâu sớm nhất. Dân bản địa gọi là cửa Kẻ Trài do xưa có xóm Kẻ Trài trước cửa thành.

Cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba): Cửa thành ở phía chính Đông. Dân còn gọi là cửa Đông Ba do có pháo đài Đông Hoa từ thời Gia Long. Vòm cửa được xây dựng năm 1809, vọng lâu xây năm 1824. Năm 1885, chiến sự giữa Pháp và quân Triều đình do Tôn Thất Thuyết chỉ huy diễn ra ác liệt tại đây. Cửa bị sập phần vọng lâu và hư hại cửa vòm sau chiến sự năm 1968.

Trấn Bình Môn: Cửa này không thông ra ngoài mà dẫn đến Trấn Bình đài - pháo đài phòng thủ của Kinh thành, nối 2 pháo đài Đông Bình và Bắc Định với nhau.

Tây thành thủy quan: Cửa dẫn nước từ sông Kẻ Vạn vào sông Ngự Hà đảm nhận nhiệm vụ thoát nước nội thành, là đường thủy để các ghe thuyền chở hàng về kinh thương. Cửa được xây dựng năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng.

Đông thành thủy quan: Đây là cửa dẫn nước từ Ngự Hà đổ ra sông Đông Ba. Cửa được xây dựng năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng.

Như vậy, công cuộc xây dựng kinh thành được bắt đầu từ mùa hè năm 1805 và hoàn thành cơ bản vào năm 1832; trải dài suốt gần 30 năm, có năm làm, có năm nghỉ, có năm tu bổ vì bị lũ lụt phá hỏng. Cuối cùng thì bên trong và bên ngoài kinh thành là hàng trăm công trình kiến trúc lớn 200 năm, khu kinh thành hiện nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam thời cận đại công trình xây dựng Kinh thành Huế có lẽ là một công trình đồ sộ, bề thế và quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu khối mét đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ đắp thành…

Đào Quốc Thịnh (biên soạn)

 

Tags:

Bài viết khác

Mối quan hệ giữa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

Sự tập trung vào di sản văn hóa vật thể trong luật pháp và chính sách thường phải trả giá cho những mối quan hệ liên kết và không thể tách rời của các yếu tố vật thể và phi vật thể. Chẳng hạn, đối với việc xây dựng một ngôi nhà và bảo vệ một hiện vật nghi lễ cụ thể thì dễ dàng hơn nhiều so với việc nhận biết và nhận diện một ý tưởng, hay một hệ thống tri thức. Với di sản văn hóa vật thể, một cách dễ dàng hơn để nhận biết cái mất đi, hay sẽ bị hư hỏng.

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Theo Công ước 2003, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này (Khoản 3, Điều 2).

Di sản văn hóa phi vật thể là gì?

Di sản văn hóa nói chung bao gồm các sản phẩm và các quá trình của văn hóa được sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền qua các thế hệ. Các di sản được coi như là tài sản văn hóa bao gồm vật thể như nhà cửa, công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật; phi vật thể như nhà cửa, công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật; phi vật thể như bài hát, âm nhạc, ca kịch, kỹ năng và tri thức truyền thống, tri thức về nấu ăn, về thủ công mỹ nghệ, lễ hội, thực hành nghi lễ dân gian…

8 di sản thế giới tại Việt Nam

Tính đến nay, Việt Nam đã được UNESCO công nhận 18 di sản thế giới, trong đó có 2 di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng), 5 di sản văn hóa (khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, thành nhà Hồ, quần thể di tích cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn), 1 di sản hỗn hợp (quần thể danh thắng Tràng An) và các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu.

Chợ Tết, nét văn hóa của người Việt

Những phiên chợ Tết đã trở thành văn hóa đặc trưng của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Càng thấy ý nghĩa hơn đó là phiên chợ vào chiều 30 Tết bởi lẽ đây là thời điểm cuối cùng để mỗi gia đình sắm sửa chuẩn bị những vật dụng cần thiết cuối cùng chuẩn bị cho 3 ngày Tết. Những phiên chợ ấy luôn là nét văn hoá tinh thần vô giá của mỗi người dân đất Việt và tô thắm thêm nét đẹp trong văn hoá truyền thống của mỗi vùng quê Việt Nam.

Nét tinh túy trong ẩm thực Tết Việt

Tết Nguyên Đán truyền thống của người Việt là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, được người Việt đón chào từ Tết Táo Quân (23 tháng chạp ÂL) và kéo dài đến ngày cúng Đất đai (Mồng 9 tháng Giêng). Giữa những ngày Tết có bao nhiêu lễ cúng khác, từ Tất niên (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch), lễ rước ông bà, cúng Giao thừa, đến lễ Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng)…

Ẩm thực ngày Tết, nét văn hóa của người Việt

Nhìn từ bức tranh di sản văn hoá ẩm thực người Việt, chúng ta có thể thấy món ăn Việt có ba thời kỳ phá triển. Trong quần cư cùng các dân tộc anh em, người Việt đã có một bảng danh mục ẩm thực bản địa mang đậm dấu ấn vùng châu thổ sông Hồng.

Độc đáo điệu múa Vêr guông của dân tộc Khơ Mú

Điệu múa Vêr guông (Vêlr guông) là một phần nổi bật của lễ hội, là sản phẩm văn hóa tinh thần tâm linh có nguồn gốc cổ truyền từ xa xưa, tên gọi tuy mộc mạc, cổ xưa, nhưng ít dân tộc nào còn giữ được đúng với bản chất của người sống bằng nghề nương rẫy lâu đời. Lễ hội Mah grợ và điệu múa Vêr guông là di sản văn hóa dân gian đặc sắc, được dân tộc Khơ Mú gìn giữ lâu bền qua nhiều thế hệ.
Top