Ngày 20/01/2024 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tham dự hội nghị về phía Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam có Thạc sĩ Trịnh Văn Khoa - Viện trưởng; các ông bà: Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Thị Xuân Nữ, Phùng Vương Khánh Yến, Nguyễn Thị Thìn - Phó Viện trưởng, cùng toàn thể cán bộ nhân viên của Viện.
Ông Vũ Công Hội - Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên Giáo Trung ương; ông Chúc Kim Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tê-Xã hội, Phó Tổng biên tập Tạp chí Sức Khỏe Việt và nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các Viện, các Trung tâm Nghiên cứu cũng có mặt tham gia hội nghị.
Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam được thành lập ngày 9/11/2018, với chức năng là cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng; văn hóa dân gian, phong tục tập quán, nghi thức lễ hội truyền thống. Tổ chức biên tập xuất bản các loại sách, báo, tác phẩm văn học nghệ thuật, các chương trình giao lưu, tọa đàm, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và tôn vinh các tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật…
Viện nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam là nơi hội tụ của nhiều giáo sư, nhà sử học, tiến sĩ và các bậc tiền bối dày dặn kinh nghiệm, các chuyên gia tinh thông sử sách, có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa nổi tiếng.
Từ khi thành lập đến nay, với sự góp sức của các GS, PGS, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực, các nghệ nhân, thanh đồng từ mọi miền của tổ quốc, Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc; quy mô và tổ chức của Viện ngày càng được mở rộng; Viện có mối quan hệ với nhiều cơ quan, tổ chức ở các tỉnh thành. Vai trò, vị trí và uy tín của Viện ngày càng được khẳng định và được Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á –Việt Nam, các đối tác, các đơn vị phối hợp đánh giá cao .
Năm 2023 mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng có sự chỉ đạo sát sao, đúng định hướng của lãnh đạo Viện, các bộ phận chuyên môn, hội viên đã đoàn kết, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời phối hợp cùng các tổ chức cơ quan trong và ngoài tỉnh, tổ chức các hoạt động giao lưu, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Xuân Nữ - Phó Viện trưởng đã tổng kết nêu bật những thuận lợi và khó khăn trong công tác quản lý và nghiên cứu khoa học của Viện trong năm 2023. Trong năm qua, Công tác tuyên truyền, quảng bá về Viện được tập thể lãnh đạo Viện thường xuyên thực hiện thông qua việc viết bài quảng bá về hoạt động của Viện trên trang mạng (Đạo Mẫu) và các trang thông tin điện tử, qua hội thảo, công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức, tổ chức Chương trình giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (qua hình thức hầu đồng) tại các Đền, Phủ để các thanh đồng, nghệ nhân trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam tham gia. Thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá, các hội viên cập nhật các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực, nâng cao tinh thần đoàn kết trong tập thể cơ quan viện và hội viên, quảng bá về hoạt động của Viện với các cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước.
Năm 2023 Viện đã hoàn thiện đủ cơ cấu tổ chức và chuyên môn để hoạt động gồm (Viện phó, Hội đồng tư vấn, Hội đồng thẩm định, Ban tài chính, và bộ phận chuyên viên…) đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Quy mô, phạm vi hoạt động của Viện ngày càng được mở rộng theo hưởng phát triển: Trong tháng 3-2023 Viện đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Văn hóa Truyền thống trực thuộc Viện Nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam.
Nhằm tư vấn, hỗ trợ việc đào tạo, nâng cao trình độ về thực hành tín ngưỡng dân gian, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức giữa các địa phương trong cả nước, tháng 7-2023 Viện thành lập văn phòng đại diện Viện Nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam tại Huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Vào tháng 11/2023 Viện thành lập Ban nghiên cứu Sử thuộc Viện Nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn, sử học, nhu cầu nghiên cứu bảo tồn, phát huy, tư vấn chính sách, quản lý đối với văn hóa tín ngưỡng và lịch sử dân tộc.
Trong tháng 12/2023 Viện đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và ứng dụng trực thuộc Viện Nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam. Văn hoá ứng dụng làm đồng bộ thông tin, môi trường, công nghệ số được áp dụng vào trong văn hoá và từng bước làm cho nền văn hoá tín ngưỡng Việt Nam trở nên đồng bộ xuyên suốt toàn bộ tổ chức.
Cũng trong tháng 12/2023, Viện thành lập văn phòng đại diện Viện Nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam tại Tỉnh Khánh Hòa.
Trong năm 2023, Văn phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành 129 văn bản các loại để điều hành và tổ chức các hoạt động của Viện, đã tổ chức được 3 hội thảo, tọa đàm, tổ chức nghiên cứu 5 công trình nghiên cứu khoa học cấp viện, tổ chức 1 buổi diễn xướng, trình diễn, liên hoan giao lưu Tín ngưỡng thờ Mẫu tháng 3 tại phủ Tây Mỗ, Hà Trung, Thanh Hóa.
Một số hình ảnh hoạt động của Hội Nghị:
Với kết quả đã đạt được, Ban Lãnh đạo Viện có cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2024. Viện tiếp tục khắc phục khó khăn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Cũng như tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Viện và các hoạt động của Viện; Thành lập câu lạc bộ, trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu, văn phòng đại diện viện (nếu đủ điều kiện);
Tiếp tục mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động; phát triển hội viên mới, nâng số hội viên lên 2 nghìn người. Năm 2024 Viện tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày nhằm nâng cao kiến thức cho hội viên hiểu và thực hiện đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ đó có ý thức, giữ gìn, bảo tồn sắp xếp bố trí điện phủ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đúng với quy định của pháp luật.
Cung cấp cho thành viên, hội viên về văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng trang web của Viện, phát hành tạp chí để giới thiệu nét đẹp về lễ hội, truyền thống văn hóa, sinh hoạt tiêu biểu của thành viên khắp các vùng miền trong cả nước về hoạt động tín ngưỡng, giới thiệu nghệ nhân, di tích, danh lam thắng cảnh…Cung cấp các kênh tư vấn, hỗ trợ tìm hiểu để phục vụ cộng đồng.
Đa dạng hóa các hoạt động của Viện như: Tổ chức giao lưu diễn xướng thờ Mẫu ở một số bản điện để tăng cường mối đoàn kết giữa các bản hội, hội viên…Tổ chức những chuyến đi về nguồn với Mẫu tại các di tích, điện thờ đã được nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Viện sẽ tổ chức đi thực tế tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Đền, Phủ trong cả nước nhằm tìm kiếm thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác chuyên môn của Viện về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.
Tổ chức trưng bày, triển lãm tranh Tứ phủ. Ứng dụng CNTT trong việc nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá, và phát huy giá trị di sản (như: số hóa dữ liệu, sử dụng mạng xã hội để truyền thông…). Cùng với đó Viện kết hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chuyên môn quản lý văn hóa, Ban quản lý di tích Đền, phủ ở khắp các vùng miền đất nước trong công tác nghiên cứu và tổ chức các chương trình giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm góp phần bảo tồn và giữ nguyên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Tổ chức thành lập chi bộ Đảng của Viện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, phát triển Đảng viên mới.
Ban lãnh đạo Viện cũng đã trao quyết định khen thưởng của Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho các cán bộ, nhân viên, hội viên có thành tích xuất sắc trong năm 2023. Nhằm kiện toàn và phát triển đội ngũ lãnh đạo Viện.
Cũng trong hội nghị, ông Trịnh Văn Khoa đã trao quyết định bổ nhiệm cho một số vị trí lãnh đạo Viện. Với tinh thần Đoàn kết, Quyết tâm, Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam đang chờ đón một năm 2024 với nhiều thành công mới.