Lễ rước thần trong lễ hội Trần Hưng Đạo - Quảng Yên
Trong nghi thức thờ phụng Thành hoàng trong hội làng, người ta thường chú ý tới nhiều các tục hèm, coi đó là yếu tố cốt yếu của thờ cúng Thành hoàng ở đình.
Hèm của tiếng Việt có nghĩa là những điều “tránh”, “kiêng”, “cái không được vi phạm”, giống như từ “ta bu”trong thuật ngữ khoa học quốc tế và có phần nào tương ứng với từ “húy”, “kỵ” trong tiếng Hán Việt. Do vậy, nó có ý nghĩa rất rộng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, hèm chỉ là một khía cạnh của ta bu – cấm kỵ, tồn tại dưới hình thức một nghi lễ hay phong tục trong thờ cúng Thành hoàng, nhằm “nhớ lại”, “tái hiện” những nét riêng, đặc trưng, thậm chí là sở thích của vị thần linh được tôn thờ.
Có nhiều dạng hèm: Hèm – kiêng kỵ nhắc tới tên húy của thần; Hèm liên quan tới sở thích của thần (ăn món gì, thích nhìn gì?), một hành động đặc biệt của thần (úp nón lên đầu gậy trong tục thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung); Hèm – nghi lễ, một yếu tố bắt buộc cấu thành nghi lễ thờ Thành hoàng.
Loại hèm – nghi lễ này rất phong phú và đa dạng, nên rất khó nhận dạng và phân loại chúng. Có thể có nhiều cách phân loại khác nhau. Ở đây, để tiện cho trình bày, chúng tôi phân chia các loại tục hèm theo nội dung mà nó phản ánh.
Hèm – nghi lễ liên quan tới chiến trận
Lễ hội đền Phù Đổng
Trong danh mục các Thành hoàng ở Việt Nam, những Thành hoàng vốn xưa là võ quan lập công trong chiến trận chiếm số lượng khá đông đảo. Bởi thế, trong nghi lễ thờ phụng, nhiều nơi còn giữ lại các tục hèm để tưởng nhớ, tái hiện các chiến công xưa. Tiêu biểu nhất cho loại hèm này là nghi lễ “Hội trận” trong lễ hội Gióng ở làng Phù Đổng vào mồng 8 tháng 4 âm lịch hằng năm tái hiện cuộc chiến đấu giữa Thánh Gióng thời Hùng Vương – An Dương Vương.
Các tục hèm tranh sào tre (mộc tất) ở làng Long Khám (Hà Bắc cũ) thờ vị tướng Lý Phú Quân thời Lý hèm ném pháo trong nhiều hội làng (Phù Lưu, Đồng Kỵ - Bắc Ninh…) cũng là tái hiện tiếng súng trong chiến trận: Hèm ném đá ở hội làng Đại Phùng (Hà Tây cũ), thờ vị Thành hoàng Vũ Hùng, một tướng tài thời Trần cũng là để tái hiện cảnh chiến trận, đổ máu. Cũng phải ghi nhận rằng, cách liên tưởng các hèm trên với cảnh chiến trận của các vị tướng cũng chỉ “lớp sau” theo kiểu lịch sử hóa, chứ nguyên gốc các tục hèm này lại có thể tìm kiếm ở các tục cổ hơn.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo