Múa bóng rỗi ở Nam Bộ
Ở Nam Bộ, nếu nơi nào có tục thờ Nữ thần và Mẫu thần thì thường có diễn xướng hát bóng rỗi, còn nơi có đền phủ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì có diễn xuớng Hầu bóng. Về diễn xướng nghi lễ Hầu Bóng ở Bắc Bộ và Nam Bộ đã được nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới. Đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các thần linh vào thân xác các ông, bà đồng nhằm cầu sức khoẻ, tài lộc, đó là một dạng thức của Shaman giáo, tồn tại ở nhiều nước trên thế giới. Để thực hiện nghi lễ mang tính shaman này, nó đã sản sinh và tích hợp các hiện tượng văn hoá nghệ thuật, như hát văn và nhạc chầu văn, múa thiêng…tạo nên một thứ sân khấu tâm linh, tượng trưng cho sự tái sinh và hiện diện của thần linh Tam Phủ, Tứ phủ thông qua thân xác các ông đồng, bà đồng.
Đối với hát bóng rỗi Nam Bộ có lẽ chúng ta chưa có được những nghiên cứu đi sâu vào bản chất tín ngưỡng tôn giáo của nó. Nếu múa trong Hầu bóng là múa của thần linh, biểu tượng của sự tái hiện của thần linh trong thân xác các ông đồng, bà đồng, vậy múa bóng là múa của thần linh hay múa của con người dâng lễ trước thần linh? Có hay không hình thức nhập hồn hay thoát hồn trong hát – múa bóng rỗi? Nguồn gốc của tục hát bóng rỗi ở Nam Bộ? Trong hoàn cảnh xã hội nào mà Hát bóng Nam Bộ phát triển theo hướng giảm dần tính nghi lễ, tính thiêng để trở thành diễn xướng mang tính tạp kỹ? Những giá trị văn hoá nghệ thuật của hát bóng rỗi là gì?… Đó là những vấn đề đặt ra đòi hỏi chúng ta phải trả lời.
Hầu đồng - nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ
Nếu như Hầu bóng của Huế mang những sắc thái riêng địa phương thì Hầu bóng của Nam Bộ về cơ bản giống với Hầu bóng Bắc Bộ. Nhìn vào gốc tích các ngôi đền và những người Hầu bóng thì phần lớn đều có nguồn gốc từ Bắc Bộ. Tuy nhiên, khi du nhập vào vùng đất mới, đạo Mẫu và Hầu bóng ở Nam Bộ cũng có những sắc thái riêng, thể hiện qua điện thần đạo Mẫu có thêm các vị thần địa phương, như Lê văn Duyệt, các vị thánh hàng chầu, hàng quan nguồn gốc từ người Chăm, Khơ me, người Tây Nguyên…. Hình thức diễn xướng Hầu bóng có bớt phần quy chuẩn nghi lễ, tăng thêm chất giao lưu sinh hoạt văn hoá… Tất cả đó tạo nên sắc thái riêng của Hầu bóng Nam Bộ so với Hầu bóng ở Bắc Bộ và ở Huế.
Như vậy, trên miền đất Nam Bộ hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu hiện diện với cả ba tầng bậc: Thờ Nữ thần, Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tương đồng với thờ Mẫu ở miền Bắc, tuy nhiên, rõ ràng là nguồn gốc, con đường hình thành và sắc thái của chúng có nhiều nét khác biệt, trong đó thờ Mẫu ở Nam Bộ không phát triển tuần tự như ở miền Bắc, mà yếu tố giao lưu ảnh hưởng giữa các tộc người cùng chung sống giữ vai trò quan trọng. Và cũng do vậy, diễn xướng nghi lễ Hầu bóng và hát bóng rỗi của tục thờ Nữ thần và Mẫu thần cũng khác biệt nhau, khiến cho các hình thức tín ngưỡng – văn hoá này trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Ban Nghiên cứu Văn hóa