banner 728x90

Đồng thầy - “nghệ nhân dân gian” giữ gìn và trao truyền các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

17/10/2024 Lượt xem: 2421

Mặc dù hiện nay còn có các ý kiến không đồng tình với quan niệm đồng thầy là nghệ nhân dân gian và phản đối việc trao danh hiệu nghệ nhân dân gian cho họ, song chúng tôi vẫn cho rằng, xét trên phương diện gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa dân gian cho các thế hệ mai sau thì đồng thầy đích thực là một nghệ nhân dân gian. Cũng giống như các nghệ nhân hát xoan, quan họ hay ví dặm… đồng thầy truyền lại những kiến thức và cả thực hành tín ngưỡng cho các tín đồ của mình, tất nhiên nội dung trao truyền và cách thức trao truyền của đồng thầy khác với các loại nghệ nhân.

Khi khảo sát bản hội thờ Mẫu ở một số tỉnh thành miền Bắc, chúng tôi luôn được nghe các thành viên nhắc tới một câu nói vần điệu “người đi trước rước kẻ đi sau” với ý nghĩa người đến với Mẫu trước dìu dắt và giúp đỡ người đến sau. Trong một bản hội, rõ ràng đồng thầy là người đến với Mẫu trước, người có nhiều trải nghiệm tâm linh, hiểu được cách thức lễ Mẫu, cách thức thực hành các nghi lễ thờ Mẫu hơn bất kỳ tín đồ nào. Do đó, đồng thầy “rước kẻ đi sau”, đưa họ đến với Thánh Mẫu và dẫn dắt, trao truyền cho họ cách thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, các tín đồ phải có những hiểu biết, kiến thức về đời sống tâm linh. Đồng thầy chính là người trao truyền những hiểu biết đó cho các đệ tử của mình. Trong thực tế, nhiều người Việt Nam bao gồm cả các tín đồ thờ Mẫu thường nặng về thực hành mà thiếu những hiểu biết mang tính lý thuyết về tôn giáo tín ngưỡng. Họ đến chùa lễ Phật nhưng dường như không biết đến các sự tích về Đức Phật, không hiểu những giáo lý, giáo luật của Phật giáo. Họ cũng ít hiểu ý nghĩa của các biểu tượng trong chùa. Họ thờ cúng tổ tiên tại gia nhưng ít hiểu vì sao lễ vật trên ban thờ phải có chén nước trắng, chiếc đèn dầu,… Các tín đồ thờ Mẫu cũng vậy, ban đầu đến với tín ngưỡng thờ Mẫu đa phần không hiểu biết hoặc mơ hồ về hệ thống điện thần với thần tích của các vị thánh, về các nghi lễ thờ Mẫu và chức năng của các nghi lễ đó, v.v… Khi gia nhập vào bản hội và trở thành tín đồ của đồng thầy, chính đồng thầy đã giúp họ bồi đắp lỗ hổng kiến thức. Khi chúng tôi đến một số bản hội, nhiều tín đồ kể với chúng tôi một cách chi tiết sự tích ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, chúa Thác Bờ, v.v… Khi chúng tôi xem hầu đồng, nhiều thành viên bản hội nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cách phân biệt các giá đồng căn cứ vào văn chầu, vào cách ra dấu tay của đồng thầy và vào màu sắc trang phục của người lên đồng. Họ cũng giải thích vì sao thánh này phải múa cờ múa kiếm trong khi thánh kia lại múa quạt múa mồi, v.v… Và họ cũng thừa nhận với chúng tôi rằng, khi mới vào bản hội, họ chưa hiểu hết ý nghĩa của các biểu tượng trong nghi lễ, chính đồng thầy đã giải thích cho họ như vậy. Không chỉ trao truyền những hiểu biết về các vị thánh, về các không gian thiêng thờ tự, đồng thầy còn giúp các tín đồ diễn giải những giấc mơ với nhiều nỗi lo và sợ hãi. Một trong những đặc điểm của các tín đồ thờ Mẫu là có đời sống tâm sinh lý đặc biệt. Nhiều người ốm đau bệnh tật đến mức điên loạn, chữa mãi không khỏi, hoặc đi bệnh viện nhưng không tìm ra bệnh, một thứ bệnh mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là “bệnh âm” đối lập với bệnh dương. Họ thường xuyên mơ thấy rắn, đỉa, hoặc ở trên thiên đình hay dưới địa ngục khiến họ mông lung, chênh vênh không biết mình là ai, không hiểu vì sao lại hay gặp những giấc mơ như vậy. Đồng thầy với những trải nghiệm đi trước của mình đã diễn giải ý nghĩa của những giấc mơ đó và làm yên lòng họ bằng các liệu pháp tâm linh.

Không chỉ trao truyền các kiến thức về đạo Mẫu nói riêng và về đời sống tâm linh nói chung, đồng thầy còn trao truyền cho các tín đồ của mình các cách thức thực hành nghi lễ. Nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu như đã nói ở trên rất phong phú và đa dạng. Phục vụ cho các nghi lễ đó là rất nhiều các mảng khác nhau, như: hầu đồng, hát văn, cúng, cầu xin, chuẩn bị lễ vật, viết sớ biểu, lên khăn áo, v.v… Mỗi mảng như vậy bao gồm nhiều khâu phức tạp. Chính đồng thầy trải qua thời gian đã chỉ bảo cho các đệ tử của mình. Chẳng hạn, về thực hành nghi lễ hầu đồng, có những tân đồng (người vừa mới được trình đồng mở phủ) là những “đồng trơ”, “đồng đá” khi ở trên chiếu hầu (theo cách gọi của các tín đồ thờ Mẫu) không biết múa đồng thế nào, bước chân, ra dấu thánh nhập ra sao. Qua quan sát, chúng tôi đã chứng kiến nhiều đồng thầy ngồi dưới đã chỉ bảo những điều đó cho con đồng của mình. Việc chuẩn bị lễ vật cũng không đơn giản. Một người đàn ông trung niên của một bản hội ở Hà Nội với thâm niên 14 năm làm nghề chấp tác cho biết, trước khi làm nghề này tại bản hội anh làm nghề bốc vác, rồi xe ôm… nên anh không hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và lễ vật cúng Mẫu nói riêng. Khi vào bản hội làm chấp tác, đồng thầy đã dạy cho anh làm lễ vật cúng Sơn Trang thì phải gồm những gì, lễ vật cho nghi lễ trình đồng mở phủ, di cung hoán số, trả nợ tào quan,… thì phải khác ra sao.

Không giống các nghệ nhân quan họ, hay hát xoan trao truyền các thực hành văn hóa thông qua các lớp học tập. Các tôn giáo như Công giáo và Phật giáo đều có các trường học đào tạo linh mục và tăng ni để thực hành các nghi lễ của các tôn giáo này, dẫn dắt các tín đồ hành lễ thể hiện niềm tin với Chúa, với Đức Phật. Trở thành một thanh đồng hay một tín đồ nói chung của tín ngưỡng thờ Mẫu thì không như vậy. Các thanh đồng và các tín đồ không được tập hợp thành một lớp để học về các vị thánh với công tích, công trạng của họ, cũng như học cách thực hành nghi lễ thờ Mẫu thế nào cho đúng. Thông thường đồng thầy trao truyền cho các tín đồ thông qua các thực hành cụ thể trực tiếp của mình.

Việc quan sát các đồng thầy thực hiện các vấn hầu, sắp lễ hay viết sớ cũng giúp các tín đồ học hỏi một cách trực quan sinh động. Cũng như vậy, đồng thầy dẫn các tân đồng đi trình cửa Cha cửa Mẹ, hay dẫn các đệ tử đi hành hương đến các đền phủ ở khắp nơi trên đất nước cũng giúp họ tận mục sở thị và tự mình rút ra những bài học. Sự phát triển của công nghệ số đã giúp các đồng thầy có thêm một kênh thông tin để trao truyền các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho các tín đồ một cách nhanh chóng mọi nơi mọi lúc dù họ ý thức về điều này hay không. Hầu hết các đồng thầy (thậm chí ngay cả các đồng cựu) đều có trang facebook của mình, ở đó họ cập nhật hàng ngày các công việc của bản hội, lịch các ngày làm lễ, lịch đi lễ xa,… Đồng thầy cũng không quên viết về ý nghĩa của các nghi lễ, giới thiệu về các giá hầu, các đền phủ,… Tín đồ là những người theo dõi (followers) trang facebook của đồng thầy sẽ học hỏi được nhiều điều và nếu không hiểu họ sẽ “comment” (bình luận) trực tiếp trên facebook và được đồng thầy giải đáp ngay các thắc mắc.

Có thể nói, vai trò trao truyền các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của đồng thầy cho các tín đồ trong bản hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian đậm đà bản sắc Việt Nam. Bởi chúng ta biết, các cách thức và ý nghĩa của việc thực hành các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu không được ghi chép trong kinh sách như các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam mà nó hoàn toàn là các thực hành mang tính truyền khẩu. Nếu không có những đồng thầy am tường kiến thức về đời sống tâm linh, nhiệt huyết trong thực hành các nghi lễ phụng thờ Thánh Mẫu và mong muốn trao truyền điều đó cho các tín đồ của mình thì các giá trị đó sẽ bị mai một theo thời gian. Với vai trò gìn giữ và trao truyền các thực hành tín ngưỡng của mình cho các thế hệ tín đồ (những người có thể sẽ trở thành đồng thầy sau này), đồng thầy đã góp phần quan trọng để các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được duy trì qua năm tháng và hiện nay được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top