banner 728x90

Đình làng - thiết chế văn hóa tín ngưỡng

18/04/2024 Lượt xem: 2552

Đình làng có vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, nhất là vùng đồng bằng Bắc bộ. Đình làng được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ra đời vào thời Lê –Mạc, là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, một biểu tượng của tính cộng đồng, trung tâm văn hóa, hành chính của làng xã truyền thống.

Đình Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh)

Có một số tài liệu nói đến từ “đình” xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỉ II, thế kỉ III, tuy nhiên vai trò của nó không giống như sau này, đình lúc đầu được nhắc tới chỉ là trạm nghỉ chân dọc đường. Đến thời nhà hậu Lê, đình làng đã phát triển ở nhiều vùng trong cả nước với nhiều chức năng. Đình có bia xưa nhất là đình Thanh Hà (Hà Nội), vốn xưa thuộc làng Thanh Hà cổ, nay thuộc phố ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm. Về nguồn gốc, đình làng cũng có nhiều ý kiến khác nhau và cũng chưa có giải đáp chắc chắn. Có ý kiến cho rằng, đình vốn là hành cung của vua, được xây dựng dành cho vua khi đi tuần thú, sau mới thành đình làng. Có ý kiến khác cho rằng, vào thời Lý ở Thăng Long, người ta xây dựng những phương đình để dán các thông báo của chính quyền, hoặc là nơi người ta tuyên đọc các văn kiện của nhà vua. Sau đó, kiến trúc loại này tỏa về làng với chức năng như trụ sở hành chính của làng.

Đình Cổ Loa ( Tp. Hà Nội)

Một vài ý kiến khác cho rằng đình làng có thể bắt nguồn từ các kiến trúc thờ thần đất và thần nước mà cư dân Việt cổ trong tín ngưỡng bản địa, sùng bái thần đất và thần nước. Trong tiến trình lịch sử tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng phồn thực, thờ mẫu, thờ sức mạnh tự nhiên, và có phần ảnh hưởng không lớn lắm của đạo Phật, đạo Nho đã được bổ sung tạo ra những biến thể phong phú của Thành Hoàng làng Việt Nam.

Đình làng là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng tổng hợp, có ba chức năng chính là: Tín ngưỡng, hành chính và văn hóa. Trong các đình làng Việt Nam, vị thần được thờ cúng là Thành Hoàng làng, vị vua tinh thần, thần hộ mệnh của làng. Khi tín ngưỡng Thành Hoàng du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc cũng nảy sinh ra một số Thành Hoàng mà chức năng cũng giống như ở Trung Quốc… Các vua triều Nguyễn còn lập miếu thờ Thành Hoàng làng ở tỉnh và huyện. Nhưng khi tín ngưỡng Thành Hoàng về làng, xã thì nó đã biến đổi khác với tín ngưỡng Thành Hoàng ở Trung Quốc. Như vây, tín nguỡng Thành Hoàng Trung Quốc khi du nhập vào làng xã Việt Nam thì các yếu tố văn hóa Hán, hoặc hiện tượng Hán hóa khác bị cổng làng chặn lại thì nó lại tìm thấy các tín ngưỡng bản địa có tính tương đồng, nên hội nhập rất thuận lợi với hệ thống tín ngưỡng đa nguyên của Việt Nam.

Nguồn gốc của Thành Hoàng cũng rất đa dạng. Thứ nhất thần tự nhiên (thiên thần hay nhiên thần) được thờ ở rất nhiều đình làng. Các vị thần này đều được khoác áo nhân thần với các tiểu sử thế tục. Ngoài các vị thần, ở đình làng còn thờ những người có công khai phá đất mới, lập làng, như: Hai hoàng tử thời Lý là

Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Cư Trinh … Ở miền Bắc thường gặp ở các vùng ven biển dân làng thờ những người có công khai hoang lấn biển. Những người có công đóng góp cho làng sau khi chết được dân làng thờ làm “hậu thần”, hàng năm cúng giỗ ở đình. Có người khi còn sống đóng góp cho làng trên cơ sở có khoán ước với làng, được ghi thành văn bản, đôi khi được khắc vào bia đá. Ngoài ra, ở một số làng nghề thủ công người ta còn thờ tổ nghề gọi là “tiên sư”. Trong miền Nam các “tiên sư” được thờ ở nhà hậu của đình làng, chỉ có một số ít “tiên sư” được thờ ở chánh điện.

Tóm lại, các thần được thờ ở làng Việt Nam biểu hiện một hệ thống tín ngưỡng đa nguyên. Đó là một hệ thống pha lẫn nhiều yếu tố tín ngưỡng sơ khai của cư dân nông nghiệp (tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ mẹ, các thần sức mạnh tự nhiên…) với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người anh hùng và có phần ảnh hưởng không nhiều của của đạo Phật và đạo Nho.

Đình làng thực sự là trụ sở hành chính - nơi mọi công việc về hành chính của làng đều được tiến hành ở đó. Từ việc xét xử các vụ tranh chấp, pham tội, phạt vạ, khao vọng, từ thu tô thuế đến việc bắt lính, bỏ các xuất phu đinh, tiếp khách, trạm nghỉ của quan trên. Ngoài ra, đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng xã truyền thống, các hoạt động văn hóa ở đình làng là lễ hội. Làng vào hội cũng được gọi là vào đám, là hoạt động có quy mô và gây ấn tượng nhất trong năm đối với dân làng. Ở các làng quê Việt Nam còn có hội chùa, hội đền nhưng phần lớn là hội làng được diễn ra ở đình làng gắn với đời sống của dân làng. Lễ hội bao gồm hai phần chính là: Phần lễ và phần hội: Lễ là các hoạt động có tính nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng. Hội là hoạt động mang tính giải trí, gắn liền với thế tục, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Nhưng trong một số trò chơi hội làng cũng có ý nghĩa tâm linh, gắn với mục đích cầu mưa, cầu mùa.

Lễ hội ở làng thường diễn ra “xuân thu, nhị kì” vào các dịp nông nhàn. Lễ hội phần lớn vào tháng Giêng, có nơi vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Lễ hội thu thường vào tháng bẩy, tháng tám. Đó là hai lễ hội lớn, còn trong năm người ta cúng lễ Thành Hoàng làng vào các dịp tuần tiết. Lễ cúng Thành Hoàng làng trong khi mở hội có quy trình như sau: Lễ trộc dục: Lễ tắm tượng hay thần vị; Lễ tế Gia quan tức là lễ mặc áo, đội mũ cho tượng (nếu chỉ có thần vị thì đặt áo, mũ lên ngai); Rước thần: Khi mở hội, người ta rước thần từ đền ra đình, khi kết thúc hội thì lại rước thần về đền, nhiều làng thờ Thành Hoàng làng ngay trong đình, ngày hội, người ta rước thần đi vòng quanh làng và quay về đình; Đại tế: Là lễ tế quan trọng nhất, có một người đứng chủ trì lễ, còn gọi là mạnh bái, ngoài ra còn có hai hoặc bốn người bồi tế, hai người đồng xướng, hai người nội tán, mười đến mười hai người chấp sự. Sau buổi đại tế, người ta coi thần luôn có mặt ở đình nên các chức sắc và bô lão phải thay nhau túc trực. Mở hội gọi là nhập tịch, hết hội gọi là ngày xuất tịch hay còn gọi là ngày dã đám.

Sau phần tế lễ là các hoạt động vui chơi, giải trí. Sân đình trở thành sân khấu diễn xướng, ca hát. Ở những hội làng Bắc Bộ, sân đình thường có chiếu chèo, vùng Bắc Ninh, Bắc Giang sân đình gắn với hội hát quan họ. Mỗi địa phương có trò chơi khác nhau, thỏa mãn con người với nhiều nhu cầu như: Nhu cầu tâm linh (các trò chơi gắn với cầu mưa, cầu mùa, cầu ngư...), nhu cầu cộng cảm, nhu cầu thể hiện sức mạnh, sự tài trí. Các trò chơi gắn liền với nghi lễ cầu mưa, cầu mùa, như: Cướp cầu, kéo co, đua thuyền…

Hiện nay, cúng đình và lễ hội vẫn là hình thức sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu ấn tượng nhất của làng xã. Trong sinh hoạt tín ngưỡng đó, người dân vẫn tin vào sự phù hộ của các vị thần trong mùa màng và đời sống. Hội làng ở đồng bằng Bắc Bộ sau một thời gian bị đứt đoạn nay đã có sự phục hồi nhanh chóng, chứng tỏ dân làng vẫn có nhu cầu về tâm linh. Điều đó cũng chứng tỏ sức sống bền bỉ của tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng.

Ban Nghiên cứu Phật giáo phía Nam

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top