Chùa Bút Tháp tên chữ là Ninh Phúc tự, nằm bên bờ Nam sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ (thị xã Thuận Thành). Chùa được khởi dựng từ thời Trần Thánh Tông, từng nổi tiếng là danh lam cổ tự. Hiện chùa Bút Tháp còn lưu giữ được vẻ đẹp sơ khai, có kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều bảo vật có giá trị, sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách trải nghiệm du lịch tâm linh, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc.
Chùa Bút Tháp có kiến trúc độc đáo, lưu giữ được vẻ đẹp sơ khai.
Các tài liệu thư tịch cổ đều cho biết, chùa vốn được khởi dựng từ lâu đời với quy mô lớn. Sách “Bắc Ninh phong thổ tạp ký” được viết vào cuối thời Lê cho biết: Chùa Bút Tháp đã có từ lâu đời, vào thời Trần là nơi trụ trì của Thiền sư Huyền Quang (Tổ thứ ba của Thiền Phái Trúc Lâm). Trải thăng trầm lịch sử, đến thời Lê Trung Hưng (Thế kỷ XVII) được các quý tộc và triều đình cho trùng tu, xây dựng với quy mô lớn, đứng đầu là Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Công trình được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” với các toà như: Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Tích Thiện am, Nhà Trung, Phủ thờ, Hậu đường và hai dãy hành lang dài 26 gian ở hai bên. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi: Chùa Ninh Phúc ở xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại, hàng năm tiết Xuân nhiều trai gái đến xem hội. Một số văn bia như: “Trùng hưng Ninh Phúc tự bi ký”, khắc năm 1647; “Ninh Phúc Thiền tự tam bảo tế tự phúc điền bi ký”, khắc năm 1674; “Ninh Phúc Thiền tự bi ký”, khắc năm 1714; “Trùng tu Ninh Phúc tự bi”, khắc năm 1904; chuông đồng, hoành phi có niên đại thời Lê - Nguyễn đều cho biết tên chùa là Ninh Phúc tự.
Kiến trúc tổng thể của chùa là một khuôn mẫu về sự kết hợp hài hòa trong kiến trúc của các chất liệu gạch, gỗ, đá và sự hòa nhập giữa kiến trúc với môi trường thiên nhiên bao quanh. Kiến trúc xây dựng chính của chùa quay về hướng Nam. Theo đạo Phật đây là hướng thể hiện trí tuệ. Chùa được xây dựng theo bày trí cân xứng chặt chẽ. Khu trung tâm của tháp được xây dựng bao gồm 8 nếp nhà chạy song hành với một trục dọc theo mô hình đường thần đạo. Khu vực ngoài cùng tháp bút là Tam Quan, rồi đến Gác Chuông và các tòa thờ khác. Bên trái của chùa là nơi thờ tự Chiết Chuyết và tháp đá Báo Nghiêm bao gồm 8 mặt và 5 tầng cao đến 13m. Dọc hai bên tòa Tiền Đường là hai nhà bia và hai dãy hành lang được xây dưng chạy dọc theo chiều dài của ngôi chùa.
Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm Bảo vật Quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2020. Các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ… Tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, có tuổi đời rất lâu năm được xác nhận điêu khắc vào năm 1656. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và hơn 900 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Bức tượng đặt trong Thượng điện được đánh giá là tuyệt phẩm điêu khắc. Với nghìn con mắt và nghìn cánh tay, Phật bà như nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm diệt tà, giúp đời, giúp đạo. Nằm cạnh bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là hệ thống ba pho tượng Tam thế, biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật Adiđà chủ trì quá khứ, phật Thích ca Mầu ni chủ trì hiện tại và phật Di lặc chủ trì tương lai. Bộ tượng mang ý nghĩa tâm linh to lớn, thể hiện sự phát triển nghệ thuật tạo hình điêu khắc Phật giáo ở vùng châu thổ Bắc bộ. Cửu phẩm liên hoa vừa độc, vừa lạ có hình tháp bát giác, cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen được đặt ở chính giữa lòng nhà tòa Tích thiện am, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. Chín tầng Cối kinh tạc hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niết bàn. Tòa Cửu phẩm liên hoa là tháp gỗ 8 mặt, 9 tầng, được đỡ bởi các hàng chấn song con tiện. Tám mặt của 9 tầng có gắn phù điêu gắn với Phật giáo. Ngoài ra, tại chùa Bút Tháp còn lưu giữ nhiều hương án cổ, có giá trị kiến trúc độc đáo, trong đó hương án đặt trong Thượng điện là tiêu biểu nhất, thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện và vô cùng tinh xảo của những nghệ nhân xưa. Nét độc đáo của hương án này không chỉ nằm ở sự đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí, đặc biệt là các chi tiết trang trí đề tài hình tượng rồng.
Một địa điểm mà du khách nhất định phải ghé đến khi thăm Chùa Bút Tháp đó là tháp Báo Nghiêm. Tháp được đặt nằm ngay bên trong khuôn viên của chùa. Đây chính là nơi thờ tự Hòa thượng Chuyết Chuyết. Tháp Báo Nghiêm được tiến hành xây dựng từ năm 1647 thời vua Lê Chân Tông. Đây cũng là công trình được công nhận có tuổi đời lâu năm. Cửa chính của tháp cũng được xây dựng quay về hướng Nam với dòng chữ “Báo Nghiêm Tháp” ngay tại thân của công trình. Tháp có kiến trúc tương đối độc đáo xây dựng nhỏ dần từ thấp đến cao. Nhìn từ trên cao trông tháp Báo Nghiêm như một chiếc bút khổng lồ giữa bầu trời xanh.
Với những giá trị tiêu biểu và kiến trúc độc đáo, chùa Bút Tháp được công nhận và cấp bằng di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013 và được chọn là 1 trong 14 điểm du lịch cấp tỉnh. Trải qua bao năm dài lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một di tích Phật giáo độc đáo của Việt Nam. Du khách đến với chùa Bút Tháp không chỉ được trải nghiệm du lịch tâm linh, tìm hiểu kiến trúc, nét văn hóa độc đáo của người Việt mà còn có cơ hội được hòa mình vào không gian yên bình, thơ mộng của miền quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Du khách cũng có liên kết, tham quan các di tích lịch sử tiêu biểu khác của Bắc Ninh như chùa Dâu, Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Phật Tích, ghé thăm làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ… và thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Thuận Thành.
Nguồn: baobacninh.com.vn