banner 728x90

Đặc sắc nét đẹp văn hóa đa dân tộc

25/07/2024 Lượt xem: 2457

Góp vào vườn hoa văn hóa đa sắc màu của 54 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước, 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Bạc Liêu cũng có những điểm nhấn riêng làm nên bản sắc Bạc Liêu. Đó là những nét đẹp riêng trong tổng thể văn hóa địa phương, góp phần làm nên sức hút cho kho tàng văn hóa các dân tộc anh em.

Biểu diễn nhạc ngũ âm phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer tại chùa Xiêm Cán.

Tích hợp tinh hoa

Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Văn hóa các dân tộc anh em như một vườn hoa đủ sắc màu của từng loài hoa. Sự phong phú, đa dạng, đa sắc thái của 54 dân tộc anh em đã điểm tô nên một Việt Nam mang chiều sâu văn hóa với vô vàn những phong tục, tập quán, di tích lịch sử - văn hóa trải dài đất nước.

Theo thống kê, cộng đồng 54 dân tộc anh em cư trú tại những địa bàn khác nhau với bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú cũng đã tích hợp nên một kho tàng tinh hoa văn hóa Việt Nam. Kho tàng ấy bao gồm 26 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 3.423 di tích quốc gia; hơn 10.000 di tích cấp tỉnh/thành phố và gần 69.000 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, trong đó có 288 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vượt khỏi phạm vi quốc gia, những Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, Ca trù, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Bài chòi Trung bộ, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ… là những đặc trưng văn hóa vùng miền khác nhau, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó giúp bè bạn trên trường quốc tế nhận ra một bản sắc văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú và đặc sắc!

Biểu diễn đờn ca tài tử tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Hòa hợp văn hóa

Bạc Liêu cũng đã góp phần mình trong hành trình hình thành nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ở Bạc Liêu, không chỉ người Kinh, mà người Khmer hay người Hoa đều biết, thậm chí có thể trình diễn Đờn ca tài tử - cho thấy sự hòa hợp, giao thoa văn hóa trên vùng đất này.

Chung vai sát cánh trong đời sống cũng như có sự giao thoa về văn hóa giữa 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, thế nhưng mỗi dân tộc đều giữ được những nét đẹp thuộc về bản sắc văn hóa trong phong tục, tập quán, phong cách ăn mặc, những món ẩm thực đặc trưng, hay qua kiến trúc riêng ở các di tích lịch sử - văn hóa. Nếu người Kinh chuộng vọng cổ, Đờn ca tài tử trong sinh hoạt tiệc tùng, đám tiệc, thì người Khmer lại chọn nhạc ngũ âm, sân khấu Dù kê, hay múa Lâm thôn, đặc biệt là đua ghe Ngo trong các sinh hoạt, hội hè, lễ tết; người Hoa thì có dàn nhạc “tùa lò cấu” trong ma chay, lễ hội…

Chùa chiền, đình thần, miếu mạo ở Bạc Liêu cũng ghi đậm dấu ấn nét đẹp văn hóa đặc trưng của 3 dân tộc anh em. Có thể kể đến những nét riêng của đình An Trạch, đình Tân Hưng, so với chùa Vĩnh Đức, chùa Giác Hoa, hay so với chùa Xiêm Cán, chùa Cái Giá… Mang nét đẹp tín ngưỡng của từng dân tộc khác nhau, nhưng dù mang trong mình dòng máu Kinh hay Hoa, Khmer thì tất cả đều xem đó là những nơi thờ phụng linh thiêng, với tinh thần hòa hợp về tín ngưỡng, phong tục tập quán.

Tách bạch rằng lễ Kỳ yên của người Hoa, hay Chôl-chnăm-thmây, Đôn-ta, của người Khmer; lễ Giỗ Tổ cổ nhạc của người Kinh sẽ là sự khập khiễng! Bởi từng nét đẹp trong văn hóa lễ hội vốn dĩ của 3 dân tộc anh em đã được chan hòa, giao thoa trong quá trình chung sống, để trở thành văn hóa Bạc Liêu, góp thêm sắc thái riêng trong vườn hoa văn hóa đa dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước. Tất cả chính là những vốn liếng, tài sản mà Bạc Liêu đang và sẽ gìn giữ, phát huy giá trị trong câu chuyện làm du lịch ở tương lai gần.

Nguồn Báo Bạc Liêu

 

 

Tags:

Bài viết khác

Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) – nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm

Làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm.

Cặp tượng voi đá lớn nhất trong nghệ thuật điêu khắc Champa

Hai tượng voi đá được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia đầu năm 2023, được giới thiệu cùng 12 bảo vật khác của tỉnh Bình Định hôm 21/11 . Hiện vật gồm một đực, một cái, nằm trong không gian lịch sử, văn hóa Champa, di tích thành Đồ Bàn (còn được gọi là Chà Bàn hoặc Vijaya) - kinh đô vương quốc Champa xưa. Cặp tượng có dáng vẻ sống động, được đặt phía trước "tử cấm thành", ở hai bên đường vào cổng lăng Võ Tánh.

Chùa Núi Nổi giữa đồng bằng

Nằm giữa đồng bằng, Phù Sơn tự (chùa Núi Nổi) tọa lạc tại ấp Giồng Trà Dên (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu), là một trong những điểm đến tâm linh nổi bật của vùng Tây Nam Bộ. Với kiến trúc độc đáo, ngôi chùa thu hút nhiều du khách từ khắp nơi đến chiêm bái.

Khám phá các di sản văn hoá độc đáo tại núi Bà Đen, Tây Ninh

Tại núi Bà Đen, các di sản văn hoá lâu đời mỗi ngày đều được gìn giữ và phát huy, đưa Tây Ninh thành điểm đến văn hoá hấp dẫn tại Nam bộ.

Chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia tại Quần thể Di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

Quần thể Di tích Cố đô Huế là nơi lưu giữ những Bảo vật Quốc gia quý giá của triều Nguyễn.

Nghi lễ Lang Ndaw của người Chăm

Nghi lễ Lang Ndaw tạm dịch là Lễ tế trâu tôn chức ông Kadhar. Trong các chức sắc người Chăm thực hành nghi lễ trên đền tháp và các nghi lễ của dòng tộc, ông Kadhar đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn thực hành nghi lễ và hát thánh ca. Từ khi nhập môn, ông Kadhar trải qua các giai đoạn tấn phong rồi mới được phép làm chủ lễ và được mặc tấm chăn có đính hoa văn thổ cẩm. Diễn trình nghi lễ Lang Ndaw có các nghi lễ hiến tế con vật, cúng cơm, hát lễ và múa mừng.

Lễ hội Lam Kinh năm 2024: Di sản văn hóa phi vật thể vô giá

Trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh, Lễ hội Lam Kinh được ví như một viên ngọc quý với nhiều giá trị vô giá, đặc trưng. Lễ hội không chỉ lưu giữ nhiều giá trị độc đáo, mà còn là dịp để người dân đất Việt ôn lại và tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của các bậc tiền nhân.

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Trong tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Chăm có nhiều lễ hội, với những nghi thức tín ngưỡng độc đáo, như: Lễ Cầu đảo với nghi lễ truyền thống mở cửa biển, gợi những ký ức về biển của người Chăm; hay Lễ hội Ka tê đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia… Không gian lễ hội của cộng đồng người Chăm luôn ngập tràn sắc màu văn hóa, từ trang phục, nhạc cụ, điệu múa truyền thống… đến tín ngưỡng dân gian.
Top