
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Theo Công ước 2003, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này (Khoản 3, Điều 2). Nói cách khác, các biện pháp bảo vệ nhấn mạnh vào sự trao truyền di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các hoạt động bảo vệ hướng tới mục tiêu di sản không bị hủy hoại trong tương lai, đảm bảo sức sống và tăng cường giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong xã hội, tích hợp trong các chính sách phát triển bền vững, làm lợi cho cộng đồng.

Hát xoan (Phú Thọ) được Unesco công nhận văn hóa phi vật thể
Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là tiêu chí thứ 3 trong 5 tiêu chí để một di sản được UNESCO vinh danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Các biện pháp bảo vệ với sự tham gia rộng rãi, tự nguyện, đầy đủ của cộng đồng nhằm duy trì các hình thức biểu hiện của di sản cũng như việc trao truyền được Công ước 2003 đặc biệt nhấn mạnh, mà nỗ lực của chính phủ trong công tác xây dựng chính sách, hỗ trợ cộng đồng triển khai các biện pháp bảo vệ cũng là một cam kết của chính phủ khi phê chuẩn Công ước.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam