Du lịch tâm linh từ lâu đã là một trong những loại hình du lịch thu hút đông đảo du khách ở nước ta.

Du khách bơi thuyền trên suối Yến. Ảnh: internet.
Nằm ở phía Bắc ven bờ phải sông Đáy, giữa chốn núi non hùng vĩ, tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ và nay thuộc Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội về phía Tây Nam khoảng 70 km, quần thể chùa Hương bao gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, ngoài ra còn có các ngôi đền thờ Thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích. Quần thể di tích Hương Sơn là một trong 21 Khu du lịch Quốc gia của Việt Nam và cũng là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Không chỉ là một quần thể di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng mà còn là điểm hẹn tâm linh của hàng triệu người dân Việt Nam mỗi độ xuân về.

Du khách bơi thuyền trên suối Yến trong hành trình đến với Chùa Hương.
Hiện nay ở nước ta có 2 địa điểm đều có tên chùa Hương tích:
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh nằm ở lưng chừng đỉnh Hương Tích – một trong những ngọn núi đẹp, hùng vĩ nhất của dãy núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa có tên gọi đầy đủ là Hương Tích Cổ Tự, dân gian còn gọi đây là chùa Thơm. Chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông, thờ Quan Âm Bồ Tát.
Chùa Hương Tích (Hà Nội): nằm bên hữu ngạn sông Đáy thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nơi đây có thể ví như một bức tranh sơn thủy hữu tình vô cùng quyến rũ và say đắm lòng người.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu “Khu di tích và danh thắng Hương Sơn” tại Hà Nội.
Theo Phật thoại thì đây là nơi lưu dấu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tu hành đắc đạo. Bồ Tát đã ứng thân thành công chúa Diệu Thiện con vua Diệu Trang Vương ở nước Hưng Lâm, tu hành 9 năm trong động Hương Tích, khi đắc đạo rồi Ngài trở về chữa bệnh cho vua cha, trừ nghịch cho nước và phổ độ quần sinh.
Khi xưa vua Lê Thánh Tông đi tuần thú qua đây lần thứ 2 vào tháng giêng năm Đinh Hợi, niên hiệu Quang thuận thứ 8 (1467) đã đóng quân nghỉ lại ở thung lũng này và cho quân lính thổi cơm ăn, vua xem thiên văn thấy vùng này lâm vào địa phận của sao Thiên Trù (một sao chủ về sự ăn uống và biến động) nên nhân đấy đặt tên là chùa Thiên Trù.
Kể từ đó Hương Tích được gọi là chùa Trong. Thiên Trù được gọi là chùa Ngoài, rồi người ta lấy tên chung cho hai nơi và cả khu vực này là chùa Hương hay “Hương Thiên Bảo Sái”. Động Hương Tích khi xưa còn là nơi vua chúa thường hay lui tới vãn cảnh, năm 1770 Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã lưu lại nơi đây 5 chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động”, từ đó danh xưng này được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.

Toàn cảnh Chùa Thiên Trù (ảnh chụp từ trên cao).
Được bao quanh bởi thung lũng suối Yến, cả quần thể chùa Hương gồm có chùa Ngoài và chùa Trong với tam quan được cất trên khoảng sân rộng lớn và tháp chuông được dựng ở sân thứ ba.
Quần thể danh thắng Chùa Hương bao gồm 18 đền, chùa, hang, động nằm rải rác ở bốn thôn: Yến Vĩ, Dục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc xã Hương Sơn, huyên Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội.
Các chùa, động ở đây phần lớn được phát hiện và xây dựng vào các thế kỷ 17, 18, 19. Đa số dựa vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng, những địa thế đẹp để kiến tạo. 18 đền, chùa, hang, động được chia thành bốn khu như sau:
- Khu Hương – Thiên, có 8 di tích là: Động Hương Tích, chùa Thiên Trù, đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, chùa Tiên Sơn, chùa Hinh Bồng và động Đái Bình.
- Khu Thanh Hương bao gồm: Chùa Thanh Sơn và động Hương Đài.
- Khu Long Vân bao gồm 4 điểm: chùa Long Vân, động Long Vân, động Cây Khế và hang Thánh Hóa.
- Khu Tuyết Sơn bao gồm 4 di tích; Chùa Bảo Đài, động Ngọc Long, chùa Ngư Trì (chùa Cá) và đền Trình Phú Yên.
Hầu hết khách du lịch tới đây đều chọn điểm tham quan là Chùa Hương – Động Hương Tích với các địa điểm chính nổi bật là: Bến Đục – Đền trình Ngũ Nhạc – Chùa Thiên Trù – Động Hương Tích.

Động Hương Tích.
Đường lên thăm động Hương Tích du khách cần phải đi qua các bậc đá cheo leo, dân gian quan niệm rằng, có khổ ải mới đến được chân phương. Vì vậy nơi đây chưa bao giờ vì sự khó khăn của địa hình mà cản trở bước chân của các tín đồ đến đây hành hương lễ Phật. Mỗi năm, vào mùa xuân có hàng triệu người hành hương đến nơi đây chiêm bái.
Lễ hội chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm và kết thúc vào hạ tuần tháng 3 âm lịch. Cao điểm là vào các tháng 2, 3 âm lịch do thời điểm này cảnh sắc và thời tiết đẹp nhất để du khách có thể vãn cảnh. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như hát chèo, hát văn bên cạnh đó còn có các cuộc thi mang tính thể thao như leo núi, đua thuyền,...
Xưa kia, người dân mở hội chùa Hương với ý nghĩa khai sơn, mở rừng. Ngày nay, lễ hội chùa Hương còn mang ý nghĩa khai chùa, mở chùa để người dân đến đây cầu tài cầu lộc cầu bình an cho gia đình mình.
Lễ hội Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là thờ Chúa Bà Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Động Hương Tích với danh xưng “Nam thiên đệ nhất động” nơi thờ Phật Bà Quan Âm, được coi là điểm đến linh thiêng, thu hút nhiều người dân hành hương và du khách. Việc kết hợp thờ Mẫu và thờ Phật thể hiện sự dung hòa tôn giáo, sự tôn trọng và tiếp nhận các giá trị tâm linh khác nhau. Qua đó, có thể thấy được sự giao thoa và hòa quyện giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo, tạo nên một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Du khách bơi thuyền trên suối Yến trong hành trình tham quan Chùa Hương.
Hành trình du lịch chùa Hương khởi hành từ bến Đục, bơi thuyền trên suối Yến, len lỏi giữa những ngọn núi đá vôi, rồi leo bộ qua hàng trăm bậc thang đá. Hành trình gian nan này tượng trưng cho sự tu hành khổ luyện, vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời để đạt đến giác ngộ.
Ngày nay, dù đã xây dựng cáp treo, nhưng nhiều du khách hành hương vẫn chọn cách đi bộ vừa để trải nghiệm, chiêm ngưỡng cảnh vật, vừa để kiếm tìm sự an yên, thanh thản trên quãng đường đi.
Tham gia lễ hội chùa Hương cũng đồng nghĩa với việc tạm gác lại những lo toan, bộn bề của cuộc sống thường nhật. Hành trình này là một khoảng lặng để con người tĩnh tâm, suy ngẫm về cuộc sống và hướng về những giá trị tâm linh.
Ở góc độ tâm linh, hành trình đến chùa Hương là hành trình tìm về sự thanh tịnh, gột rửa những bụi trần, bày tỏ lòng thành kính và mong muốn được giác ngộ. Không gian trong lành, tĩnh mịch của chùa Hương, cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những câu chuyện về Phật pháp được lưu truyền nơi đây giúp cho con người chiêm nghiệm về lẽ sống, về nhân quả, về thiện ác.
Không gian lễ hội chùa Hương không chỉ giới hạn trong khuôn viên một ngôi chùa mà trải rộng trên một vùng non nước hữu tình, tạo nên một bức tranh tổng thể hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc tâm linh tạo nên một không gian hùng vĩ, trữ tình. Quần thể kiến trúc tôn giáo đồ sộ, bao gồm nhiều ngôi chùa, đền, động nằm rải rác trên các ngọn núi, các công trình kiến trúc được xây dựng hài hòa với thiên nhiên, vừa linh thiêng, vừa gần gũi với con người.
Dòng suối uốn lượn là tuyến giao thông chính trong lễ hội, tấp nập hàng ngàn con thuyền nối đuôi nhau chở khách hành hương, đem lại khung cảnh nhộn nhịp và đặc sắc. Đến với lễ hội chùa Hương cũng là hành trình văn hóa kết nối cộng đồng, củng cố tình đoàn kết, là dịp để mọi người từ khắp nơi tụ họp, giao lưu, chia sẻ những giá trị văn hóa và tâm linh. Bên cạnh hoạt động tôn giáo, trẩy hội chùa Hương còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, giúp khám phá và trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc như hát chèo, hát văn, các nghi lễ truyền thống…
Trong lễ hội, du khách có thể được thưởng thức những làn điệu Chèo, hát Văn đặc sắc, thường được biểu diễn tại các điểm dừng chân hoặc trên thuyền. Đây là những loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần làm phong phú thêm không gian lễ hội. Do Chùa Hương là nơi thờ Phật, nên ẩm thực trong lễ hội chủ yếu là đồ chay, được chế biến đa dạng và hấp dẫn, thể hiện sự khéo léo của người dân địa phương.
Không chỉ là một sự kiện tôn giáo, lễ hội chùa Hương còn là một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, phản ánh những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt. Có thể nói, đó là hành trình tìm về cội nguồn, tìm về sự thanh tịnh trong tâm hồn và hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Hành trình về miền đất Phật - chùa Hương không chỉ là một chuyến đi mà còn là một một trải nghiệm văn hóa ý nghĩa./.
Quốc Thịnh (biên soạn)