Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của người Việt xưa và nay. Đây là một phong tục của mỗi gia đình không kể giàu nghèo hay địa vị xã hội.
Thân thích chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng, vị tiền chủ (người chủ trước của mảnh đất họ đang sống, đã qua đời); Thánh sư (tổ nghề thủ công); Thổ công (thần trông coi việc trong bếp); Thổ địa (thần coi việc trong nhà); Thổ kỳ (thần coi việc chợ búa, vườn tược)… ở một số gia đình, vị trí các bàn thờ được sắp xếp theo quy định, ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ bà Cô, ông Mành ở cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên…
Trong các vị thần được thờ tại gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên thường được lập cố định và hướng đặt bàn thờ cũng thường được chú ý xem xét ngay từ khi xây nhà hoặc dọn sang nhà mới. Thông thường, ban thờ được đặt cao ở vị trí trang trọng nhất, gian chính giữa của nhà trên. Đây là điểm khác biệt với một số dân tộc khác ở Đông Á. Ở bên Hàn Quốc, người ta chỉ lập bàn thờ và dán bài vị khi có việc cúng giỗ. Ở Nhật Bản, vị trí trang trọng nhất trong nhà dành thờ Thần đạo (Shinto) còn bàn thờ tổ tiên lại lập ở gian phụ.
Việc bài trí các bàn thờ gia tiên thường không hoàn toàn giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung, bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau; bài vị (hoặc thần chủ), bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, hộp trầu, mâm bồng đựng hoa quả… Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ. Còn các gia đình giàu có thể nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng, có thể là bộ tam sự (gồm đỉnh đồng làm bằng bình cắm hương và hai con hạc đồng), bộ ngũ sự (thêm hai ống hương bằng đồng) hay bộ thất sự (ngoài năm vật trên còn có thêm đôi đèn bằng đồng nữa). Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ. Gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ cũng đơn giản hơn con trưởng.
Với trách nhiệm thờ phụng nhiều đời: cao, tằng, tổ, khảo (bao gồm cả các cụ bà, bởi vì sau khi xuất giá, các cụ đã là “ma nhà chồng”), bàn thờ các gia đình chi trưởng, ngành trưởng có đặt các tấm thần chú được làm bằng gỗ táo (với ý nghĩa cây táo sống nghìn năm) ghi rõ tên tuổi các vị tổ. Trên bàn thờ ở các từ đường dòng họ còn có bài vị Thủy tổ họ, bài vị có sự chuyển dịch. Khi thờ cúng đến đời thứ năm thì thần chủ của đời này được đem chôn, vì thế mới có câu “Ngũ đại mai thần chủ”. Các thần chủ đời sau được chuyển lên bậc trên, và tấm thần chủ của người mới nhất được thay vào vị trí “khảo”. Như vậy, ở các gia đình chi thứ, ngành thứ, các vị tổ đời thứ tư, thứ ba chỉ được thờ vọng, mà chủ yếu thờ hai đời gần nhất (ông bà, cha mẹ).
Ban Nghiên cứu Tôn giáo