.jpg)
Có những món ăn không chỉ là đặc sản, mà còn là linh hồn của một vùng đất. Với An Giang thì bún cá Châu Đốc chính là món ăn mang đầy bản sắc vùng sông nước miền Tây. Một lần đến với Châu Đốc, ngồi giữa một quán nhỏ ven đường hay nơi chợ quê rộn ràng tiếng rao, húp một muỗng nước lèo vàng óng thơm mùi ngải bún và nghệ tươi, là như thể chạm tay vào hương vị của miền Tây vùng song nước.
Bún cá Châu Đốc không phải sinh ra từ đất Việt, mà là món ăn có gốc gác từ người Khmer – những người bạn láng giềng Campuchia. Qua dòng chảy của thời gian và văn hóa, món bún ấy đã bén rễ ở vùng đất An Giang, được người dân nơi đây biến tấu, gìn giữ và nâng tầm trở thành một đặc sản dân dã nổi danh khắp mọi miền. Không cần cầu kỳ hay sang trọng, chỉ cần một tô bún nghi ngút khói, người ta đã đủ thấy hương vị của vùng đất này.

Mỗi tô bún cá là một sự kết hợp tài tình giữa những sản vật của thiên nhiên và sự chăm chút của người nấu. Cá lóc, loài cá dân dã sinh trưởng tự nhiên trong đồng ruộng và kênh rạch An Giang, chính là “linh hồn” của món ăn. Cá sau khi bắt lên sẽ được làm sạch kỹ bằng muối và giấm để loại bỏ nhớt, rồi luộc chín, gỡ thịt, ướp với nghệ tươi giã nhuyễn và xào vàng trên bếp than. Chỉ riêng thao tác này cũng đòi hỏi sự tinh tế: lửa vừa tay đều để cá không nát, nghệ không khét mà vẫn giữ được sắc vàng óng và mùi thơm dịu dàng.
Nước dùng chính là phần “hồn” của bún cá Châu Đốc. Được ninh từ xương heo và đầu cá cùng với sả cây đập dập, nước dùng mang vị ngọt thanh nhưng không hề đơn điệu. Điều làm nên sự khác biệt chính là củ ngải bún – một loại gia vị đặc biệt, vừa khử tanh cá vừa đem lại hương thơm thoang thoảng rất riêng, và mắm ruốc – loại mắm được nướng thơm, lọc kỹ rồi thả vào nồi nước dùng. Mắm ruốc không lấn át, chỉ len lỏi vừa đủ để người ăn nhận ra hương vị đặc biệt mà thân quen.

Tô bún cá Châu Đốc là một bức tranh ẩm thực đa sắc. Màu vàng nghệ óng ánh của cá xen lẫn màu xanh mơn mởn của rau muống bào, bắp chuối thái mỏng, bông điên điển – loài hoa dịu dàng nở rộ khi mùa nước nổi về. Cái giòn của rau, cái mềm thơm của cá, vị đậm đà của nước lèo, tất cả quyện vào nhau trong một tổng thể khiến người ta chỉ cần nhìn thôi cũng thấy hấp dẫn.
Bún được trụng sơ bằng chính nước dùng để thấm đều hương vị. Sau lớp bún là cá lóc vàng ươm, bên trên là chút hành lá thái nhỏ, vài lát ớt đỏ tươi điểm xuyết, và cuối cùng là chan nước dùng sôi nhẹ. Mỗi chi tiết đều được chăm chút để không chỉ ngon mà còn đẹp – như một lời chào mộc mạc mà nồng hậu của đất An Giang gửi tới thực khách.
(2).jpg)
Người ta thường ăn bún cá Châu Đốc với hột vịt lộn, thịt heo quay, hoặc đầu cá lóc – mỗi thành phần mang một trải nghiệm vị giác khác nhau. Có những quán nổi tiếng như bún cá 5 Mến Thoại Sơn, nơi bạn có thể gọi một tô bún với đầu cá lớn, thịt chắc, đậm đà. Dù vậy, chính hương vị mộc mạc, dân dã và cái tình của người nấu mới là thứ đọng lại sâu nhất nơi người thưởng thức.
.jpg)
Không chỉ đơn thuần là đặc sản, bún cá Châu Đốc còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa, là kết tinh của đất – nước – người An Giang. Giữa đời sống hiện đại hối hả, có một bát bún dân dã, thơm ngát hương quê khiến ta chậm lại, để lắng nghe nhịp tim của miền sông nước, để thấy lòng mình dịu dàng, ấm áp.
Nếu một ngày bạn về miền Tây, đừng quên dừng chân ở Châu Đốc và gọi một tô bún cá. Bởi đôi khi, để hiểu một vùng đất, ta chỉ cần bắt đầu bằng một món ăn.
Hương Lan