Nhắc đến ẩm thực truyền thống Việt Nam, bánh nhãn Nam Định – đặc sản của vùng quê Hải Hậu – là món ngon khó quên. Dù mang tên loài quả, bánh không làm từ trái cây, mà chỉ bởi hình dáng nhỏ xinh, tròn trịa, vàng ruộm như những quả nhãn chín.

Bánh nhãn hấp dẫn bởi vị ngọt dịu, giòn rụm, thơm nhẹ. Để làm ra những mẻ bánh ngon, người thợ phải chọn gạo nếp cái hoa vàng – đặc sản của Hải Hậu, trứng gà tươi, đường kính trắng và mỡ lợn sạch.

Gạo nếp được xay mịn, rây kỹ, sau đó nhào trực tiếp vào trứng đã đánh tan (không dùng nước). Khâu nhào bột rất quan trọng, phải đủ độ dẻo và mịn để tạo hình. Bánh được chiên ngập dầu trên lửa nhỏ. Viên bột bé xíu nở tròn đều khi chiên, tạo thành hình dáng đặc trưng.

Sau khi chiên, bánh được cho vào chảo đường đun chảy, đảo đều đến khi đường áo đều bên ngoài, tạo lớp vỏ bóng nhẹ, ngọt thanh và giòn thơm. Chính lớp “mật đường” này làm nên hương vị đặc trưng, hấp dẫn khó quên.

Bánh nhãn ngon nhất khi thưởng thức cùng chén trà nóng hoặc ly cà phê. Giản dị nhưng đầy tinh tế, món bánh quê gợi nhớ ký ức, kết nối tình thân và lưu giữ hương vị truyền thống.
Ngày nay, bánh nhãn không chỉ xuất hiện vào dịp lễ Tết mà đã trở thành món quà quê đặc sắc, có mặt quanh năm. Những người con xa xứ luôn tự hào mang theo hương vị này như một phần quê hương không thể thiếu.
“Quê tôi bánh nhãn thơm giòn
Kém gì vật lạ của ngon quê người…”
Câu thơ mộc mạc ấy như một lời mời ngọt ngào, níu chân du khách mỗi lần ghé đất Nam Định.
Phụng Nguyễn