banner 728x90

Bài 9: Phú Mỹ xưa và nay

07/05/2024 Lượt xem: 2465

         Trước đây vùng đồi núi Tân Thành được bao phủ bởi những rừng cây rậm rạp. Cuối thế kỷ 19, chính nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa đã đánh giá rất cao giá trị của rừng ở địa bàn thị xã Phú Mỹ và đặt cho nó là Rừng cấm Số 01 (thuộc trạm Kiểm lâm cầu Thị Vải) gồm vùng cây lấy gỗ trên những địa phận các làng Long Nhung, Phước Hòa, Phú Thạnh, Mỹ Xuân của tổng An Phú Hạ. Những loại cây gỗ quý vốn rất nhiều ở Tân Thành như trắc, căm xe, làu táu, chò, dầu, gõ, trâm, săng trắng… hiện nay hầu như còn lại rất ít.

        Do địa hình vừa có núi, vừa có đồng bằng và rừng ngập mặn ven biển nên thổ nhưỡng ở đây khá đa dạng. Có thể chia đất đai Phú Mỹ thành 8 nhóm chính, trong đó đất xám chiếm tỷ lệ cao nhất: 28,3% tổng diện tích. Thổ nhưỡng Tân Thành thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái lâu năm và cây công nghiệp. Lợi thế đó đang hướng Tân Thành tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng tăng tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây thực phẩm.

        Cơ cấu sử dụng đất hiện nay của thị xã Phú Mỹ được phân chia như sau: nông nghiệp chiếm 53,1% (17.977,4 ha); lâm nghiệp chiếm 16,6% (5.630,28 ha); đất chuyên dùng chiếm 15,6% (5.275,82 ha); đất ở chiếm 0,012% (424,2 ha); đất chưa sử dụng còn tương đối nhiều 13,2% (4.486,68 ha).

        Diện tích đất các khu công nghiệp là 3.236,5 ha, trong đó Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 2 có diện tích 1.626,5 ha; Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A1 và A2 có diện tích 950 ha; Khu Công nghiệp Cái Mép có diện tích 660 ha. Đó là chưa kể Khu Công nghiệp Phú Mỹ 3 phát triển sau này… Đây là 5 trong số 10 khu Công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

       Khí hậu thị xã Phú Mỹ nằm trong vùng khí hậu chung của Nam bộ và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa, do tác động của gió mùa Tây Nam, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô, do tác động của gió mùa Đông Bắc, còn gọi là gió chướng, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 26-27oC. Bức xạ nhiệt độ cao, số ngày nắng trung bình trong năm là 261 ngày/năm. Lượng mưa trung bình khoảng 1.350mm/năm. Độ ẩm không khí trung bình đạt 85%. Khí hậu đó thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp, cây ăn trái và cây công nghiệp.

       Thị xã Phú Mỹ có nguồn khoáng sản khá dồi dào so với các huyện thành phố khác của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các loại khoáng sản có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp địa phương và xuất khẩu như đá granit tại khu vực mỏ Bao Quan - Núi Dinh, đá xây dựng ở núi Thị Vải, đất sét cao lanh ở Mỹ Xuân, đất sét dùng làm gạch ngói ở Châu Pha… Đá granit thị xã Phú Mỹ rất trong, hạt mịn, màu ghi hoặc đen, rất có giá trị trong xây dựng. Từ cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp đã khai thác các mỏ đá ở đây. Tài liệu của người Pháp cho biết: núi Thị Vải, núi Ông Hựu và núi Ông Bộ cũng có độ cao bằng núi Cậu, núi Tóc Tiên, núi Ông Trịnh. Người ta thường khai thác đá ở những núi này. Bấy giờ núi Ông Trịnh, núi Dinh đã hình thành những công trường khai thác đá khá quy mô, đá ở đây được dùng để làm đường và xây dựng nhà cửa.

        Thị xã Phú Mỹ là vùng bán sơn địa ven rừng ngập mặn với hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt nên là vùng đất có nhiều loại đặc sản nổi tiếng xưa nay. Câu ca: Tôm cá Hội Bài, chuối xoài Long Phước, nói lên thế mạnh và nghề nghiệp sinh sống trước đây của người dân thị xã Phú Mỹ trước đây. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của cuộc kháng chiến, trái cây của núi rừng là nguyên liệu làm ra bánh trái cây rất ngon và giàu hương vị để nuôi quân. Những năm gần đây, thị xã Phú Mỹ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây công nghiệp, cây ăn trái là nông sản phẩm nổi tiếng và thế mạnh của thị xã Phú Mỹ hiện nay.

        Trong nhiều thế kỷ, thị xã Phú Mỹ nằm ở vị trí khu đệm, trên con đường mở đất mở nước về phương Nam của người Việt, tuy nhiên do đây là địa bàn mà một bên là rừng núi, một bên là rừng Sác ngập mặn, kênh ngòi chằng chịt, lại là địa bàn xung yếu, nơi có con đường độc đạo mà các đạo quân di chuyển liên tục trong suốt nhiều thế kỷ, vì vậy quá trình tụ cư, khai phá đất đai hình thành làng xóm ở thị xã Phú Mỹ muộn hơn so với nhiều nơi khác. Nhưng ưu thế của vị trí đó đã đưa đến cho vùng đất này những điều kiện bất ngờ trong quá trình phát triển.

(còn nữa…)

Đào Quốc Thịnh (biên soạn)

 

Tags:

Bài viết khác

Lẫm An Nghiệp (Phú Yên) - công trình kiến trúc cổ trên 100 năm

Tọa lạc tại khu phố Định Thắng 1, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), lẫm An Nghiệp từ lâu được biết đến là một công trình kiến trúc cổ có niên đại trên 100 năm, đến nay vẫn giữ được nét cổ kính của một di tích văn hóa lâu đời, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc.

Ngôi cổ tự gần 400 năm tuổi sở hữu 2 bảo vật quốc gia, diện tích lên đến 58.000m2, là một trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam

Đây là một trong những ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Chùa Keo còn biết đến với tên gọi khác đó là chùa Thần Quang Tự. Ngôi chùa được xây dựng quy mô lớn nằm tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Từ lâu, dựa theo dòng chảy của sông nhiều người vẫn gọi chùa là Keo trên nhằm phân biệt với ngôi chùa Keo dưới của Nam Định.

Bí ẩn về cách xây dựng kim tự tháp cuối cùng đã được giải đáp?

Chính xác thì các kim tự tháp vĩ đại của Ai Cập được xây dựng như thế nào bởi các kỹ sư đầu tiên của thế giới văn minh? Đây là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ qua.

10 nguyên tắc cốt lõi trong việc trùng tu di tích

Để trùng tu di tích, một công trình kiến trúc lịch sử cần tuân thủ 10 nguyên tắc cốt lõi sau: Hãy cố gắng hết sức để sử dụng tòa nhà (công trình kiến trúc) cho mục đích ban đầu của nó, khi có thể....

Vẻ đẹp thanh tịnh của di tích quốc gia kiến trúc cổ ở Thái Bình

Có vị trí ngay gần quốc lộ 10, di tích quốc gia ở Thái Bình mang vẻ đẹp thanh tịnh cùng nhiều hạng mục kiến trúc cổ kính.

Đình Thượng – Điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc

Miền đất sơn thủy hữu tình xã Yên Trị (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) có một di tích lịch sử, địa điểm văn hóa du lịch tâm linh không thể bỏ qua, đó là đình Thượng.

Bài 12: Phú Mỹ ngày nay đã trở thành đô thị cảng biển, công nghiệp hiện đại

Thị xã Phú Mỹ là cửa ngõ quan trọng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nơi có tuyến đường quốc lộ 51 và con sông Thị Vải chạy dọc, nối thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai với thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu.

Bài 11: Phú Mỹ xưa và nay

Trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn Phú Mỹ đã có nhiều đóng góp quan trọng về sức người, sức của, trực tiếp tham gia chiến đấu và che chở nghĩa quân kháng chiến. Điều đó phần nào nói lên sự đoàn kết chiến đấu ngoan cường, quyết không cho kẻ thù xâm lược tấc đất cha ông của quân dân Bà Rịa-Vũng Tàu.
Top