Xã Hội Bài (nay là 2 phường Tân Hòa và Tân Hải) gồm các ấp, nay gọi là khu phố: Láng Cát, Phước Tấn, Phước Hiệp, Phước Thành, Chu Hải; có diện tích 5.305,7 ha, dân số 18.825 người (trong đó 15,32% theo Phật giáo; 47,63% theo Thiên Chúa giáo; 0,02% theo đạo Tin Lành; 0,01% theo đạo Hồi; 0,73% theo đạo Cao Đài; và 36,29% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Thế mạnh kinh tế của Hội Bài là lâm nghiệp và ngư nghiệp. Hiện nay, các khu phố Láng Cát, Chu Hải, Phước Tấn, Phước Thành phát triển rất nhanh về hạ tầng.
Trước đây cư dân Hội Bài sinh sống rải rác trên các gò nồng ven kênh rạch, gần rừng ngập mặn hay các ngọn suối. Cư dân sống bằng nghề đánh cá, đốt than (đước), củi, gỗ, lấy dầu và làm muối. Từ cuối thế kỷ 19, nghề làm muối đã có ở Hội Bài.
Năm 1901, Hội Bài chỉ có 584 người. Thực ra, phần lớn đất đai thuộc các ấp Láng Cát, Chu Hải, Phước Tấn, Phước Hiệp, Phước Thành trước đây thuộc địa bàn xã Phước Hòa. Trong những năm từ 1936-1941, nhiều quần chúng yêu nước và cán bộ cách mạng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương và sau đó là những người tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã lánh về vùng đất này để tránh giặc khủng bố và nuôi chí lớn.
Sau những biến cố trong năm 1952-1953, phần lớn dân chúng ly hương về Thạnh An. Sau năm 1954, một bộ phận đã hồi cư trở lại, cùng với dân miền Bắc di cư vào đây khai hoang phục hóa vùng đất này, hình thành các thôn ấp nói trên. Người dân Hội Bài hiện nay vẫn nói dân Hội Bài và Phước Hòa xưa sống trên cùng một mảnh đất. Chính vì vậy Hội Bài có một ngôi đình khá nổi tiếng nhưng mang tên Đình Thần Phước Hòa…
Nhiều người cho biết đình Phước Hòa được xây dựng cuối năm 1938 đầu năm 1939 và đặt tên là “Đình Thần xã Phước Hòa”. Ban đầu Đình Thần còn làm đơn sơ bằng cây gỗ và lợp tranh. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tài liệu thành văn thì Đình Thần Phước Hòa không phải xây dựng ở thời điểm muộn như vậy. “Đình Phước Hòa quay mặt ra bến” (nước) vẫn còn lại trong ký ức các bô lão. Nó được xây dựng sớm hơn và bắt đầu từ một câu chuyện lịch sử có thật. Có lẽ thời điểm 1938-1939 đình được di chuyển đến vị trí hiện nay hoặc đó là thời điểm trùng tu, mở rộng quan trọng nhất của ngôi đình này.
Năm 1947, Đình Phước Hòa bị cháy hoàn toàn. Năm 1957, được xây dựng mới lại tương đối quy mô như hiện nay. Năm 1983 làm thêm nhà đãi, mở rộng nhà bếp… Đình thần Phước Hòa có nhà Võ ca, Võ quy, Chính điện, Nhà đãi, nhà bếp. Hàng năm nhân dân Phước Hòa tổ chức lễ cúng đình (cầu an) vào ba ngày 20, 21, 22 tháng 11 (âm lịch). Điều hết sức đặc biệt là Đình thần Phước Hòa có thờ tượng một người ngay trung tâm chính điện mà nhân dân trong xã cho đó là Nguyễn Long Môn.
Các cụ cao niên trong hội đình cho biết ông là một tướng lĩnh của Tây Sơn Nguyễn Huệ, là người có nhiều phép thuật, bị nhà Nguyễn tử hình ở Huế những đã “hóa thân” về Phước Hòa. Từ đó nhân dân đã tạc tượng Nguyễn Long Môn để thờ. Xung quanh nhân vật này còn có nhiều câu chuyện khác nhau lưu truyền trong dân gian, tuy nhiên nó không hoàn toàn giống với cuộc đời và sự nghiệp của một người có tên là Nguyễn Long Môn được ghi lại trong tài liệu thành văn. Ngoài ra, đình Phước Hòa còn thờ Quan Công ở vị trí trang trọng trước bàn thờ Nguyễn Long Môn, thờ Tiên Sư (gần nhà đãi). Phía trước đình có một ngôi mộ (có lẽ là mộ tượng trưng), bia mộ ghi: “Linh mộ, quan đại thần” bằng chữ quốc ngữ.
Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Núi Dinh là một di tích nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà một phần lớn khu di tích này thuộc địa phận Hội Bài, Tóc Tiên, Châu Pha, Hắc Dịch. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy, Thị ủy Bà Rịa. Di tích cách mạng Núi Dinh đã được nhà nước xếp hạng di tích. Hiện nay, di tích Núi Dinh đang được đầu tư xây dựng thành một điểm về nguồn kết hợp với du lịch sinh thái của thị xã Phú Mỹ và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hội Bài còn có Miếu thờ Bà Cố (xây dựng cách nay hơn 100 năm), Thiền Viện Minh Đức, chùa Tây Phương là những di tích, danh thắng có tiếng của xã, hàng năm thu hút nhiều khách tham quan và hành hương thờ cúng.
(còn nữa….)
Đào Quốc Thịnh (biên soạn)