Làng Mỹ Quan, xã Hà Vinh nằm trong vùng cửa Biển Thần Phù, khu vực giao thông thủy Bắc – Nam quan trọng, nối liền giữa đồng bằng sông Hồng với đồng bằng sông Mã. Bởi vậy nó liên quan đến các sự kiện của dân tộc ta trong lịch sử, in dấu chân các triều vua từ thời Triệu - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hồ - Hậu Lê - Nguyễn. Vào thế kỷ XI (1044), theo truyền thuyết vua Lý Thái Tông dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, đến đây thuyền bị mắc cạn. Vua Lý đặt lễ tế Trời, xin nước dâng lên. Bỗng phong ba nổi lên, nước nâng thuyền vua đi, sau đó đánh dẹp được giặc Chiêm ra khỏi bờ cõi. Vua Lý nghỉ ngơi trên đồi (đồi Chùa bây giờ), thấy trên trời có mây tụ lại như cái tán, cái lộng che cho Vua. Vua thỉnh Quốc sư Khổng Minh Không định hướng đất, xây chùa ngay ở đồi Vua nghỉ, đặt tên cho chùa là Thanh Vân tự. Ngày nay, chùa Mỹ Quan cách Phủ Suối 500m về phía đông nam. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285), Hưng Đạo Đại Vương đã chọn cửa Thần Phù làm con đường rút lui từ Thiên Trường (Nam Định) vào Thanh Hoá theo sông Hoạt vào chọn Thổ Khối, Hà Trung làm địa điểm lui binh chiến lược, từ đây tấn công ra Thăng Long, lập nên những chiến công vang dội. Đến thời Lê Trung Hưng, theo nội dung tấm bia “Tu tạo Điện” sư Tổ chùa Thanh Vân tự, khắc vào ngày 15/2 năm Ất Hợi có nội dung về việc: Đông cung Vương phi Nguyễn Thị Ngọc Soái, được ban tên là Trịnh Thị Ngọc Đảo, tu tạo Điện sư Tổ chùa Thanh Vân… Cho thấy vùng đất này ghi lại dấu ấn các vua, chúa trên con đường về quê bái yết tông miếu. Không chỉ có vai trò về mặt địa lý, từ Mỹ Quan đến cửa Thần Phù là địa hình núi non kết hợp với trời mây sông nước, đã làm nao lòng bao thi nhân mặc khách, điều đó được thi nhân Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) thể hiện qua bài Thần Đầu Cảng Khẩu vãn bạc, vua Lê Thánh Tông có bài Núi Thần Phù trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”, Nguyễn Trãi có bài Qua Thần Phù hải khẩu và cảnh trí nơi đây còn được minh bia chùa Thanh Vân ca ngợi “… Đẹp thay ấp hương Mỹ/ Thịnh thay chùa Thanh Vân…” và đã đi vào ca dao: “… Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm …”.
Phỏng vấn cụ Ngô Xuân Thược (91 tuổi) và cụ Nguyễn Văn Thành (Chi hội trưởng Người cao tuổi) thôn Mỹ Quan Phủ Suối, Hà Vinh, Hà Trung, Thanh Hoá.
Vì có những điều kiện thuận lợi nên vùng đất này là nơi tụ cư của nhiều dòng họ đến khai khẩn. Các dòng họ: Họ Trịnh, họ Lã, họ Bùi, họ Mai, họ Phạm, họ Trương, họ Lê, họ Đặng, họ Đinh, họ Trần, họ Vũ, họ Nguyễn và họ Mạc đã về đây sinh cơ lập nghiệp từ rất sớm, hình thành nên các làng xóm dân cư đông đúc. Quá trình làm ăn sinh sống của họ đã tạo cho nơi đây một vùng văn hoá lúa nước - đồng chiêm trũng với những ngày hội mùa, hội làng náo nức, trong đó có những trò chơi dân gian như: Đánh cờ người, rước kiệu, rồi những trò diễn xướng dân gian và đặc biệt là Lễ hội Phủ Suối để thưởng thức sau những ngày lao động vất vả trên đồng ruộng.
Theo sách Thanh Hoá chư thần lục, Bản VH/1290 Viện Hán Nôm, tr 28 – 29 cho biết, Thanh Vân tự còn là một trong hai ngôi chùa trên đất Thanh Hóa thờ “thiền sư Nguyễn Minh Không tôn thần”. Bia chùa hiện nay được dựng tại khuôn viên sân chùa Thanh Vân tự, làng Mỹ Quan, xã Hà Vinh và nội dung văn bia đã được dịch, in trong Tuyển tập Văn Bia Phật giáo Thanh Hóa, tập 1, tr 549-557, Nxb Thanh Hóa/2017. Người Việt ở đồng bằng bắc bộ, người dân nơi đây cũng xây dựng nên các công trình kiến trúc văn hoá như: Chùa, phủ, đình làng… để làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, nơi thể hiện tín ngưỡng văn hóa tâm linh theo nhu cầu của cuộc sống.
Hiện nay, di tích Phủ Suối còn lại 01 đạo sắc ngày 25 tháng 7, niên hiệu Khải Định Năm thứ 9 (1924) 8 có nội dung: Sắc cho thôn Mỹ Quan, tổng Đông Bạn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Địa phương này từ xưa đã có công phụng thờ Mã Hoàng công chúa Liễu Hạnh cùng với hai cô Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa. Nỗi niềm nghiệm thấy sự linh thiêng của thần, nay chính lúc nhà vua mừng thọ tuổi 40, trải ban chiếu báu, ơn sâu lễ rộng, thăng cho thần lên một bậc, lại gia tặng cho thần mỹ tự: “Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương, gia ban Mã vàng Bồ Tát Liên Hoa tọa hạ. Cho phép địa phương trên tiếp tục phụng thờ thần chu đáo để thần tiếp tục bảo vệ cho con dân của ta.” Như vậy, căn cứ vào tài liệu nói trên cho biết, Phủ Suối là nơi thờ “Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính cung – Vị Thánh Mẫu oai linh” cùng với hai đệ tử là Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa. Việc thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Suối cũng mang đặc điểm chung của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Mẫu Liễu Hạnh tuy xuất hiện muộn hơn nhưng đã trở thành dòng tín ngưỡng chủ đạo, được phong là Đệ Nhất Thánh Mẫu Thượng Thiên hay Tiên Thiên Thánh Mẫu và được xem là một trong “Tứ Bất Tử” của thần linh Việt Nam.
Hiện nay Ông Trần Thanh Hải, xóm 13 xã Lai Thành, Kim Sơn, Ninh Bình đang lưu giữ sắc phong. Trong truyền thuyết “Truyện Nữ Thần ở Vân Cát” kể lại rằng: Liễu Hạnh Thánh Mẫu chính là Đệ nhị công chúa Quỳnh Nương con vua Ngọc Hoàng, trong bữa tiệc chúc thọ Ngọc Hoàng, chẳng may đánh rơi chén ngọc dâng thọ mà bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian, giáng sinh vào nhà Lê Thái Công, thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, được cha mẹ đặt tên là Giáng Tiên vào năm 1556 triều vua Lê Anh Tông. Khi lớn lên, Giáng Tiên xinh đẹp bội phần, hàng ngày nàng say mê đọc sách, luyện viết chữ, giỏi đàn sáo và tinh thông âm luật. Đến năm 18 tuổi, Giáng Tiên được gả cho Đào Lang. Sau khi về nhà chồng, nàng sinh được một con trai và một con gái. Sống hạnh phúc cùng chồng con được 3 năm, bỗng nhiên không bệnh tật gì mà mất vào ngày 3/3 Âm lịch, tuổi xuân mới tròn hai mươi mốt. Sau khi về trời, vì trần duyên chưa hết, Quỳnh Nương còn vương vấn chồng con nên buồn bã khôn nguôi. Các nàng tiên động lòng trắc ẩn đã tâu lên Thượng Đế. Ngọc Hoàng mới phong cho Quỳnh Nương làm Liễu Hạnh công chúa và cho trở xuống trần gian. Sau khi thăm cha mẹ, chồng con, nàng đã chu du khắp nơi, tìm những nơi có danh lam cảnh đẹp, lấy cảnh núi non làm cảnh tiên gia. Nàng đến Lạng Sơn, dạo chơi gảy đàn ở ngôi chùa bên sườn núi có phong cảnh hữu tình, quỳnh nở thông reo. Ở đây nàng gặp và đối đáp thơ văn với Tiến sĩ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan khi ông trên đường đi sứ Trung Hoa về. Sau khi ở Lạng Sơn, nàng lại vờn mây cỡi gió đến các nơi đền lớn, chùa tháp nàng đều để lại dấu tích. Rồi nàng lại về Đông Kinh, đi lại trên đất Tràng An Thăng Long, đến Tháp Báo Thiên… rồi lại đàm đạo thơ văn với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và hai người bạn họ Ngô, họ Lý của ông ở Hồ Tây. Hết hạn ba năm công cán, Mẫu Liễu Hạnh về trời. Nàng lại nhớ đến duyên ước ba sinh, liền tâu với Thượng Đế xin được xuống cõi trần lần nữa, để thoả nguyện sinh hoá vô thường, ngao du tuỳ thích. Thượng Đế cho phép, nàng đã cùng hai cô nương là Quế Hoa và Quỳnh Hoa thẳng tới Phố Cát (Thạch Thành, Thanh Hoá). Đây cũng là nơi có núi non xinh đẹp, cây cỏ tốt tươi, có suối trong mát, nước chảy suốt ngày đêm, lại có đường lớn đi qua Nam bắc. Nàng thường hiển linh, người lành được phúc, kẻ ác bị họa. Thấy thế, nhân dân đã lập đền thờ. Dưới triều vua Cảnh Trị, triều đình nghe tin đồn, tưởng thần nữ là yêu quái, liền sai quan quân đến tiễu trừ và cuộc Sòng Sơn đại chiến đã diễn ra. Tại đây, quan quân thua trận phải vào làng Từ Minh (Quảng Đông, Quảng Xương, Thanh Hoá) mời các vị Thánh Nội Đạo Tràng, đó là ba vị: Tả Quân Thánh Nhật Quang, Hữu Quân Thánh Nhật Quang, Ngọc sư Tiền Quân Thánh. Ba vị có phép thuật cao siêu, chuyên lo việc cứu dân cứu nước. Các vị đã lập mưu giúp nhà vua bắt được Liễu Hạnh. Khi đem về triều đình để xử phạt thì Phật Bà Quan Âm đã hiện ra để giải cứu cho công chúa Liễu Hạnh, con vua Ngọc Hoàng. Triều đình đã phong cho Liễu Hạnh là “Mã Hoàng công chúa” và cho nhân dân lập đền thờ. Về sau, quân nhà vua đi dẹp giặc, công chúa Liễu Hạnh thường có công giúp sức, vì thế triều đình đã gia tặng là “Chế Thắng Hoà Diệu Đại vương”, nhân dân khắp nơi lập đền thờ đều có linh nghiệm.
Tại Thanh Hoá có 48 nơi thờ mẫu Liễu Hạnh với tư cách là vị thần chủ, được xem là một trong những thánh đường của Đạo Mẫu. Dọc theo dãy núi Tam Điệp có mạch núi bắt đầu từ huyện Thạch Thành kéo đến, liên tiếp chạy ngang, suốt ra đến bãi biển thuộc huyện Nga Sơn với chiều dài khoảng 20Km, nơi có địa danh Sòng Sơn - Phố Cát đã được Mẫu lựa chọn để giáng trần lần thứ 3 cùng với Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa có rất nhiều đền, phủ thờ Mẫu như Đền Phố Cát (Thạch Thành), Đền Sòng Sơn (thiêng nhất Xứ Thanh) – Đền Chín Giếng (Bỉm Sơn), đền ở xã Mỹ Tân, xã Ngọc Trạo, phủ ở thôn Hà (Nga An) …. Và Phủ Suối, làng Mỹ Quan cũng là một trong những nơi thờ Thánh Mẫu.
(còn nữa…..)
Tác giả: Thạc sĩ Phùng Quang Trung