Như vậy, từ tên gọi của một xã được thành lập trong những năm kháng chiến chống Pháp và cũng là địa bàn trung tâm lãnh đạo của huyện và của tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, địa danh Tân Thành tái xuất hiện và trở thành tên gọi của một huyện mới từ tháng 6 năm 1994 (theo Nghị định 45, ngày 2-6-1994 của Thủ tướng Chính phủ).
Huyện Tân Thành hiểu một cách thật giản dị và chính xác đó là “mới-thành, mới-lập” hay nói đầy đủ hơn là mới hình thành, mới xây dựng. Tên gọi đó hứa hẹn những tiềm năng và sức bật mới của một huyện mới thành lập.
Sự phát triển dân cư và dân số của Tân Thành theo thời gian đã thể hiện rõ sự biến động của lịch sử trải qua các thời kỳ: sự khai phá và hình thành ổn định của các làng xã ở vùng đất Tân Thành cuối thế kỷ 19, do những ảnh hưởng và biến động từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp; sự di cư của đồng bào miền Bắc, miền Trung vào sinh sống tại Phú Mỹ, Phước Hòa- địa bàn xung yếu trên quốc lộ 15 sau năm 1954 trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ; và thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự thành lập huyện mới và hệ thống khu công nghiệp dọc suốt chiều dài của Tân Thành.
Bà Rịa Vũng Tàu năm 1920
Có thể nói đó là những thời điểm quan trọng, đánh dấu quá trình biến động, phát triển dân cư, dân số, xã hội của Tân Thành. Hiện nay, Tân Thành là một huyện phát triển về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Cuốn Chuyên khảo về tỉnh Bà Rịa và thành phố Cap Saint Jacques viết năm 1091, có lẽ là cuốn sách sớm nhất nói tương đối khái quát về tình hình các làng xã ở Tân Thành hồi cuối thế kỷ 19:
“Ba làng Phước Hòa, Phú Thạnh, Mỹ Xuân nằm ở phía Tây của Tổng (An Phú Hạ) trong vùng núi Dinh và sông Thị Vải, rãi theo đường quốc lộ 1.
Trên đường này nơi khu vực làng Mỹ Xuân có trạm Kiểm lâm cầu Thị Vải xây bên rạch Mương Nhánh, bờ trái sông Thị Vải. Rạch này có thể đi thuyền nhỏ tới tận cầu Thị Vải, giúp cho việc khai thác, vận chuyển gỗ ra đường số 1.
Dân ba làng này trồng lúa ở trên những cánh ruộng tương đối cằn cỗi và sống bằng nghề đánh bắt hải sản và buôn bán củi…
Hội Bài, Phước Hòa và Thạnh An là ba làng nghèo. Dân nơi đó sống bằng nghề chài lưới và buôn củi”…
Những dòng tư liệu trên phản ánh khá xác đáng về tình cảnh nghèo khó, khổ cực của người dân Phú Mỹ trong buổi đầu khai phá vùng đất này và đặc biệt dưới thời Pháp thuộc. Ngày nay, nhân dân thị xã Phú Mỹ đang phát huy những di sản được hình thành từ thời cha ông mở cõi và hun đúc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ với sức bật mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai. Tương đồng với sự phát triển chung của vùng đất Tân Thành cũng như thị xã Phú Mỹ ngày nay, quá trình hình thành, phát triển và những nét lớn về văn hóa của từng xã cũng để lại một bức tranh sinh động và phong phú với những đặc điểm riêng về quá trình lịch sử của vùng đất này.
Thị trấn Phú Mỹ, nay là phường Phú Mỹ (một phường có tên giống với tên của thị xã ngày nay gồm các ấp Ngọc Hà, Quảng Phú và Vạn Hạnh; có diện tích 3.712,8 ha, dân số 12.181 người (trong đó 33,56% theo Phật giáo; 21,15% theo Thiên Chúa giáo; 0,21% theo đạo Tin Lành; 0,43% theo đạo Cao Đài và 39,74% không tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác).
Năm 1901, địa bàn Phú Mỹ hiện nay thuộc các làng Phước Thạnh (dân số 405 người), Thạnh An (dân số 426 người). Đầu thế kỷ 20, Phước Thạnh, Thạnh An nhập lại thành Phú Thạnh và làng Mỹ Xuân. Năm 1945, địa bàn Phú Mỹ có chừng 200 gia đình sinh sống, là địa bàn được xem có đông dân cư nhất của Phú Mỹ.
Dinh Cô Long Hải năm 1920
Trên núi Thị Vải hiện có một ngôi chùa mang tên Thị Vải tọa lạc tại ấp Vạn Hạnh. Đây là một tổ đình, có lẽ là ngôi chùa ra đời vào loại sớm nhất ở vùng Phú Mỹ. Ở vùng đất này, Thị Vải được dùng đặt tên của ấp (ấp Thị Vải thuộc xã Mỹ Xuân), cầu Thị Vải (thuộc xã Mỹ Xuân), sông Thị Vải, núi Thị Vải… Những địa danh ấy liên quan đến nhân vật Lê ni cô được sách Đại Nam nhất thống chí chọn là một trong hai danh tăng tiêu biểu của tỉnh Biên Hòa, cũng là một trong hai danh tăng của đất Bà Rịa-Vũng Tàu được ghi trong Đại Nam nhất thống chí:
“Lê ni cô không rõ quê quán, nhà giàu, kén chồng, sau khi cha mẹ chết mới lấy chồng, không được bao lâu thì góa, thề không lấy chồng khác, sau bị người quyền thế cưỡng ép, bèn cắt tóc đi tu, dựng am ở đỉnh núi, tu thành chính quả, sau người ta gọi núi ấy là núi Bà Vải”.
Thị trấn Phú Mỹ khi ấy còn có những ngôi chùa tương đối nổi tiếng, như Chùa Bát Nhã, Đại Tòng Lâm. Đây là những ngôi chùa mới xây dựng trong mấy chục năm gần đây, nhưng là những nơi tham quan du lịch nổi tiếng của Tân Thành.
Xã Mỹ Xuân (tức phường Mỹ Xuân ngày nay) gồm các ấp Phú Hà, Bến Đình, Thị Vải, Phước Lập, Phước Thạnh và Mỹ Thạnh; có diện tích 3.948,11 ha; dân số 16.159 người (trong đó 19,97% theo Phật giáo; 25,89% theo Thiên Chúa giáo; 1,25% theo đạo Tin Lành; 1,03% theo đạo Cao Đài; 0,08% theo đạo Hòa Hảo và 51,18% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Phần lớn cư dân Mỹ Xuân sống bằng nghề thương mại, dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Năm 1901, dân số Mỹ Xuân chỉ có 218/ người. Trước đây, Mỹ Xuân có một ngôi đình cổ, rất đẹp (còn gọi là đình Phú Thạnh). Đây cũng là một địa chỉ, một cơ sở quan trọng của cách mạng. Nhiều cuộc họp quan trọng của lực lượng cách mạng đã diễn ra tại đây. Sau này, đình bị chiến tranh tàn phá. Tên ấp Bến Đình - nơi có đình làng tọa lạc là một phần còn lại của văn hóa quá khứ mà Mỹ Xuân còn lưu giữ được, mặc dù gần đây đình Mỹ Xuân đã được xây dựng lại. Hàng năm đình Mỹ Xuân thu hút đông đảo nhân dân cúng lễ cầu an.
(còn nữa….)
Đào Quốc Thịnh (biên soạn)