Thị xã Phú Mỹ, nằm dọc theo quốc lộ 51, thuộc cửa ngõ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xưa kia thuộc tổng Phước An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, được xác định địa giới hành chính từ năm 1698 cùng lúc với những vùng đất khác ở Nam bộ, nhưng mới được khai phá, mở mang và phát triển mạnh trong khoảng hơn 100 năm trở lại.
Năm 1698, khi chúa Nguyễn Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế chính thức cắt đặt và thành lập các đơn vị hành chính ở Nam bộ thì Phú Mỹ thuộc tổng Phước An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên. Huyện Phước Long có 4 tổng, đó là Long Thành, Phước An, Bình An và Phước Chánh, trong đó tổng Phước An bấy giờ có địa giới tương đương với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Vào thời điểm ấy, Phú Mỹ là địa bàn cư trú của người Châu Ro bản địa.
Tháng 10 năm 1779, Nguyễn Ánh cho họa địa đồ chia cắt địa giới ba dinh Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định) và Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang) cho liên lạc nhau. Năm 1800, đổi Gia Định phủ làm Gia Định trấn, gồm 5 dinh: Trấn Biên, Phiến Trấn, Vĩnh Trấn, Trấn Định, Trấn Hà Tiên. Cuối thế kỷ 18, vùng Mô Xoài - Bà Rịa đã có hơn 40 làng xã thôn, tập trung trong 7 tổng, số dân lên đến hàng vạn người, trong đó người các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều, chiếm khoảng một phần ba, sinh sống vùng núi phía Bắc, từ Phú Mỹ qua các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc ngày nay.
Con đường cạnh đình Phước Lễ, trung tâm hạt Bà Rịa thập niên 1920, nay là thành phố Bà Rịa.
Ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1808), nhà Nguyễn đổi Gia Định trấn làm Gia Định thành cai quản 5 trấn, đổi Dinh Trấn Biên làm trấn Biên Hòa, thăng huyện Phước Long làm phủ. Bốn tổng trước đây được nâng thành 4 huyện, trong đó huyện Phước An có hai tổng An Phú và Phước Hưng. Phú Mỹ thuộc tổng An Phú. Tổng An Phú đầu thế kỷ 19 (1808-1820) có 21 xã, thôn, ấp.
Năm 1836, huyện Phước An được nâng lên 4 tổng – tách đôi từ hai tổng An Phú và Phước Hưng thành An Phú Hạ, An Phú Thượng, Phước Hưng Hạ và Phước Hưng Thượng. Địa bàn Phú Mỹ ngày nay thuộc tổng An Phú Hạ. Tổng này có 8 thôn: Đại Thuận, Long Hiệp, Long Hương, Long Kiên, Long Lập, Long Xuyên, Phước Lễ, Phước Long.
Những tư liệu hiện có chưa đủ để xác định địa phận Phú Mỹ thuộc những làng nào trong số 8 làng kể trên. Tuy nhiên, tra trong Địa bạ về ruộng đất thực canh của tổng An Phú Hạ không thấy có địa danh nào thuộc vùng đất Phú Mỹ ngày nay có ghi diện tích thực canh. Diện tích thực canh của cả tổng An Phú Hạ cũng chỉ xấp xỉ 626 mẫu, 8 sào, 8 thước, 8 tấc. Trong đó các làng xã thuộc địa bàn Bà Rịa ngày nay chiếm 410 mẫu, 4 sào. Thôn Đại Thuận chưa có ruộng đất thực canh, thôn Phước Long có hơn 99 mẫu, thôn Long Hiệp 37 mẫu. Từ đó có thể thấy rằng cho đến khoảng giữa thế kỷ 19 vùng đất này vẫn chưa được khai phá, hoặc nếu có khai phá thì cũng chưa đáng kể và chưa nằm trong sự quản lý của nhà nước phong kiến.
Năm 1837, nhà Nguyễn đặt thêm phủ Phước Tuy. Vùng đất Tân Thành thuộc tổng An Phú Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa. Năm 1855, huyện Phước An có 4 tổng, 42 xã, thôn.
Năm 1867, thực dân Pháp chia tỉnh Biên Hòa thành 5 địa hạt tham biện. Phú Mỹ thuộc hạt Bà Rịa. Một số thôn ở tổng An Phú Hạ được nâng lên thành xã, nhưng về số lượng, An Phú Hạ cũng chỉ có 8 xã thôn. Ngày 5/01/1876, thực dân Pháp bãi bỏ lục tỉnh, chia Nam kỳ thành 4 khu vực với 19 hạt và 2 thành phố (bấy giờ người Thượng ở hạt Bà Rịa chỉ còn khoảng 1.535 người). Phú Mỹ thuộc hạt Bà Rịa (hạt này có 7 tổng, 64 làng, 6 nhà trạm, 1 trường học và 7 chợ). Năm 1889, thực dân Pháp lại đổi hạt thành tỉnh.
Đình Phước Lễ, một di tích lịch sử nổi tiếng của Bà Rịa.
Đến đầu thế kỷ 20 (1901), tổng An Phú Hạ tăng thêm 7 thôn mà chủ yếu là những thôn mới thuộc địa bàn Phú Mỹ ngày nay. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta thấy trong thư tịch xuất hiện các địa danh quen thuộc của Phú Mỹ mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay. 15 làng của tổng An Phú Hạ lúc ấy là: Long Lập, Long Hương, Long Kiên, Long Hiệp, Long Nhung, Long Xuyên, Phước Hữu, Phước Lễ, Núi Nứa và các làng thuộc địa bàn Phú Mỹ ngày nay: Hội Bài, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Phước Hội, Phước Thạnh, Thạnh An. Còn địa phận các xã Châu Pha, Sông Xoài, Tóc Tiên, Hắc Dịch bấy giờ thuộc làng Hích Dịch tổng An Trạch.
Điều đặc biệt là đầu thế kỷ 20 (1915), cùng với sự gia tăng dân số, ở tỉnh bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành những trung tâm dân cư mới và buôn bán phồn thịnh mà tài liệu của người Pháp cho biết đó là Chợ Bến, Long Hải, cầu Thị Vải và Xuyên Mộc. Địa bàn cầu Thị Vải là một trong bốn trung tâm dân cư và buôn bán lớn nhất trong những năm đầu thế kỷ 20 của tỉnh Bà Rịa. Lúc này tỉnh Bà Rịa đã có 9 tổng, 68 làng, số làng tăng lên chủ yếu ở địa bàn Phú Mỹ và vùng núi phía Bắc.
(còn nữa…..)
Đào Quốc Thịnh