Lời giới thiệu:
“Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc” là một trong những bài viết mới năm 2024 của Nhà báo Đào Quốc Thịnh sau loạt bài quảng bá du lịch trên kênh truyền thông quốc tế BBC (năm 2021).
Bằng sự quan sát tinh tế, thông qua những trang viết mộc mạc, giản dị, pha chút hài hước, tác giả đã phản ánh những điều khác biệt, mới lạ của đất nước Nhật Bản so với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới mà không phải ai cũng phát hiện được.
Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc phần 1 của bài viết (gồm 2 phần) này. Mời quý vị và các bạn đón xem.
Núi Phú Sỹ, biểu tượng của đất nước Nhật Bản
*Khái quát chung về đất nước Nhật Bản:
Nhật Bản là một quốc đảo nằm ở phía Đông của Châu Á và phía Tây Thái Bình Dương gần Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, xung quanh bốn bề là biển, bao gồm 4 đảo lớn: Honshu, Hokkaido, Kushu và Shikoku với địa hình chủ yếu là rừng núi chiếm khoảng 97% tổng diện tích. Ngoài ra, Nhật Bản còn được bao quanh bởi 6.500 đảo lớn nhỏ khác, tạo nên một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 37.000 km với tổng diện tích các đảo gần 380 ngàn km², còn được gọi là đất nước mặt trời mọc hay còn có tên gọi khác là “đất nước Phù Tang” hay “xứ sở hoa anh đào”. Thủ đô của Nhật Bản là Tokyo.
Về mặt địa hình, Nhật Bản được biết đến là quần đảo núi lửa với khoảng 186 núi lửa còn hoạt động, trong đó núi cao nhất là núi Phú Sĩ có chiều cao 3.776m – đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của đất nước mặt trời mọc. Nơi thấp nhất của Nhật Bản là Hachinohe mine (sâu 160m do nhân tạo) và hồ Hachirogata (sâu 4m). Nhật Bản có 10 thành phố lớn nhất là Tokyo, Hiroshima, Kyoto, Sapporo, Naha, Osaka, Nagoya, Fukuoka, Yokohama và Nikko.
Dân số Nhật Bản ước tính 126.9 triệu người, đứng thứ mười trên thế giới. Thủ đô Tokyo bao gồm thủ đô và một vài tỉnh xung quanh là vùng đô thị lớn nhất thế giới với hơn 35 triệu dân sinh sống và cũng là thành phố có nền kinh tế đô thị phát triển nhất hành tinh. Tuy nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, nhưng lại là đất nước đứng hàng đầu về sản xuất và phát triển sắt thép, đóng tàu, chế tạo vũ khí, sản xuất ô tô…
Về thời tiết và khí hậu, Nhật Bản nằm trong vùng khí hậu ôn đới có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt, với mùa xuân và mùa thu khá ngắn, mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều, còn mùa đông lạnh giá, có tuyết rơi. Mùa Xuân (tháng 4 – 5) và mùa Thu (tháng 10 – 11) là thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch Nhật Bản, đây là hai mùa đẹp nhất trong năm.
Vào mùa hạ (từ tháng 6 đến tháng 8), nhiệt độ và độ ẩm tương đối cao, lượng mưa khá nhiều nên thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, sóng thần, động đất. Còn vào mùa đông (từ tháng 12 đến tháng 2), cả đất nước Nhật Bản chìm đắm trong tuyết rơi và nhiệt độ có khi xuống -30°C.
Mùa hoa anh đào nở là mùa được người dân Nhật Bản lẫn du khách quốc tế quan tâm nhất trong năm. Vào độ cuối tháng 3, những bông hoa anh đào nở rộ, khoe sắc hồng rợp trời, là dịp để mọi người tham gia lễ hội Hanami (lễ hội ngắm hoa). Thời điểm này cũng là lúc thời tiết dễ chịu, không khí mát mẻ và tiết trời trở nên ấm dần. Tuy nhiên, thời điểm nở hoa cũng thật ngắn ngủi, chỉ sau từ 7-10 ngày. Nếu thời tiết xấu, hoa có thể chỉ nở được 3-5 ngày.
Bên cạnh mùa hoa anh đào, mùa lá đỏ, hay mùa thu cũng là thời điểm được nhiều du khách lựa chọn đi du lịch. Vào thời điểm này, trải dài khắp cả nước, những cánh rừng bắt đầu chuyển màu sang sắc vàng, đỏ, cam, nâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy ấn tượng. Thời điểm này thời tiết cũng mát mẻ và dễ chịu.
Sắc vàng mùa thu Nhật Bản
*Những địa điểm du lịch không thể bỏ qua:
Địa hình Nhật Bản đa phần là núi, bao quanh bốn bề là biển, nên du lịch Nhật Bản chủ yếu là chùa chiền, các quần thể kiến trúc tâm linh và một số địa danh có phong cảnh đẹp.
Nhắc đến địa điểm nổi tiếng ở Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến ngọn núi Phú Sĩ, một trong những biểu tượng hàng đầu tại “xứ sở sương mù”. Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với độ cao 3.776m, nằm vắt ngang qua hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi. Nơi đây được bao phủ bởi tuyết trắng quanh năm tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Nói đến Nhật Bản, người ta thường nghĩ đến hoa anh đào, tuy nhiên đất nước này còn vô cùng nổi tiếng với loài hoa Shibazakura làm say đắm lòng người. Cứ mỗi độ tháng năm là những cánh đồng hoa ở Shibazakura dưới chân núi Phú Sĩ đua nhau nở rộ với nhiều màu sắc đỏ tươi, hồng và trắng. Vẻ đẹp của hơn 800.000 bông hoa với đủ màu sắc, tạo thành các dải màu tươi đẹp nằm xen kẽ nhau, kết hợp với phong cảnh núi Phú Sĩ hùng vĩ sẽ tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Ngoài ra, Tháp truyền hình Tokyo Sky Tree cũng là một điểm đến tham quan của khách du lịch bởi đây là tháp truyền hình cao nhất thế giới với chiều cao 634m. Lâu đài Himeji cũng là điểm đến hấp dẫn vì đây là một tòa thành cổ của Nhật Bản thuộc tỉnh Hyogo, cách thủ đô Tokyo 650km về phía Tây. Nơi đây được xây dựng trên đỉnh ngọn đồi Himeyama cao 45,6m với tòa tháp chính lớn và 83 tòa nhà nhỏ kiên cố, phức tạp như một mê cung. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Lâu đài Himeji vẫn đứng sừng sững và giữ trọn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật lẫn văn hóa. Lâu đài được làm từ hơn 36 tấn gỗ và phủ thạch cao trắng bên ngoài để chống thấm. Vì vậy, khi nhìn từ xa, nơi đây hiện lên như một bức tranh thiên nhiên hữu tính với hình ảnh những cánh hạc tung bay trên bầu trời rộng lớn. Hiện nay, lâu đài Himeji là một trong ba tòa thành quốc bảo nổi tiếng của Nhật Bản.
Ngoài các địa danh nổi tiếng, Nhật Bản còn nhiều địa chỉ tham quan thu hút khách du lịch bốn phương như: Công viên quốc gia Shinjuku Gyoen; Thủy cung Kaiyukan Osaka; Bảo tàng Quốc gia Tokyo; Công viên giải trí Universal Studio Nhật Bản; Vườn thú Asahiyama; Cụm di tích Cố đô Kyoto bao gồm 14 chùa Phật giáo, 3 đền Thần đạo và lâu đài Nijo; Thung lũng Owakudani; Đảo nhân tạo Odaiba (đặt bản sao tượng nữ thần tự do); Cung điện Hoàng Gia Nhật; Khu phố điện tử hàng đầu thế giới Akihabara; Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Tokyo; Sở thú Nogeyama; Công viên trên sườn núi Matsumoto nằm ở tỉnh Nagano; Bảo tàng Mì Ramen; Khu vườn Chinzanso; Biệt thự hoàng gia Katsura; Đồi 4 mùa Shikisai No Oka là thiên đường dành cho những người yêu hoa. Đặc biệt một nơi linh thiêng mang ý nghĩa lịch sử là Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, đây là nơi thu hút hơn một triệu người đến thăm mỗi năm vì lẽ nó không nói quá nhiều về vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima vào tháng 8 năm 1945, mà tập trung về những nỗ lực đáng kinh ngạc mà thành phố sôi động này đã thực hiện, như một cách để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới.
Con đường lá đỏ mùa thu Nhật Bản
*Những điểm khác biệt, mới lạ về đất nước, con người Nhật Bản:
Chúng tôi đáp xuống Sân bay Narita, sân bay lớn thứ hai của Nhật Bản và là cửa ngõ quốc tế chính của Tokyo. Sân bay này đón khoảng 40 triệu hành khách và 250.000 chuyến bay mỗi năm. Ấn tượng đầu tiên với tôi khi máy bay vừa hạ cánh là một trang trại nằm lọt thỏm chính giữa sân bay, được ngăn cách bởi một hàng rào những tấm tôn chắn sơ sài, tạm bợ. Được biết chủ của trang trại này là ông Takao Shito.
Theo tư liệu báo chí, trước khi lọt vào giữa sân bay rộng lớn, trang trại của gia đình ông Takao Shito nằm trong một ngôi làng có khoảng 30 gia đình sinh sống với những cánh đồng rộng mênh mông. Năm 1978, sân bay Narita được xây dựng và khánh thành. Gia đình ông (với 3 thế hệ đã sống ở đây) đấu tranh và kiên quyết không rời đi nơi khác, không chấp nhận tiền đền bù, mặc dù nhà nước đã đưa ra mức giá 1,7 triệu USD (tức là hơn 40 tỉ đồng), khoản tiền này tương đương với 150 năm tiền lương của một người nông dân, nhưng ông vẫn từ chối. Các gia đình khác đã rời đi, chỉ còn gia đình ông Takao Shito là vẫn ở lại.
Điều đáng nói là máy bay phản lực bay qua trang trại của ông suốt 24 giờ mỗi ngày và cách duy nhất để đến trang trại này là phải đi qua các đường hầm dưới lòng đất do phía sân bay xây cho gia đình ông. Chưa bàn đến chuyện đúng sai trong vụ gia đình ông Takao Shito không chịu rời đi, nhưng thông qua câu chuyện này cho thấy Nhật Bản rất tôn trọng quyền con người.
Trang trại của gia đình ông Takao Shito nằm lọt thỏm giữa sân bay Narita
Nhật Bản so với các nước có quá nhiều điểm khác biệt về đất nước, con người, lối sống, tính cách, văn hóa ứng xử, phong tục và cách tư duy...
Trước khi đi Nhật, tôi nhắn tin hỏi kinh nghiệm một người bạn ở Tp.HCM vừa đi du lịch Nhật về thì có ngay một bài trả lời trên facebook: “Đi du lịch nước ngoài chẳng phải là chuyện gì to tát. Nó đơn giản như chuyện mới bị cắt suất hộ nghèo thôi. Vì thế, đi chơi về chẳng biết kể chuyện gì, thôi thì kể chuyện đi tè vậy nhé. Ở Nhật đi tè cũng phải xếp hàng, y như xếp hàng mua gạo ở Việt Nam thời bao cấp. Được mỗi cái là nhà vệ sinh sạch bóng. Bàn cầu cũng có nút xanh, nút đỏ tự động, rối hết cả mắt. Phàm là cái gì rắc rối quá cũng mệt vì vừa đi…tè, vừa phải suy nghĩ xem bấm nút nào để xả nước… mất hết cả vui. Đúng là “số hóa tận…chân” (cười).
Ồh, điều này khác biệt hoàn toàn với các vùng nông thôn ở Camfuchia. Tôi đi 80 km đường bộ từ cửa khẩu Tây Ninh về hướng Phnom Penh (Camfuchia) nhưng không phát hiện thấy nhà vệ sinh nào, đành hỏi bạn HDV đoàn thì được biết, mỗi nhà chỉ cần trang bị một cái cuốc để đi ra sau vườn nhà là đủ. Nhà nào cũng đất rộng mênh mông, đâu có thiếu đất mà chú (?!)…(cười).
Nhật Bản thì khác biệt hoàn toàn không chỉ với Việt Nam mà ngay cả với những nước Châu Á phát triển khác như Trung Quốc: “ Ở Sân bay Quốc tế Trung Quốc, hoặc các trung tâm mua sắm lớn, hay ở một số trạm dừng chân trên các tuyến cao tốc, họ phô diễn công nghệ kiểm soát đi tè rất ấn tượng. Khu vệ sinh có một sảnh chờ. Nơi đó có gắn 2 màn hình, một cho khu nam, một cho khu nữ. Màn hình hiển thị trạng thái từng buồng vệ sinh theo thời gian thực. Buồng nào đang có khách, buồng nào không. Nhìn vào đấy, khách sẽ biết vị trí buồng trống mà vào. Nếu "các tổng đài viên đều bận", thì chờ ở sảnh. Dù gì chờ ngoài sảnh cũng dễ chịu hơn là vào chờ ngay cửa buồng vệ sinh (cười)
Các khu vệ sinh ở các nước Châu Âu lại khác nữa. Nói là “thơm như nước hoa chanel” thì hơi quá phóng đại, nhưng sạch sẽ, thơm phức mùi tinh dầu thơm là có thật. Chỉ hiềm một nỗi, mỗi lần đi tè mất phí 1 EUR, tương đương với 28.000 VNĐ. Đi tè thôi mà cũng mất tiền, đúng là “Tư Bản giãy chết, bóc lột” (cười)
Nếu phân tích chi li thì nhiều người nghe xong ngã bổ ngửa: “Mua chai nước uống 28.000 đồng, uống vào, rồi tè ra một lần mất thêm tiền tè 28.000 đồng nữa, thì thành ra uống một chai nước mất 56.000 đồng, đắt hơn mua một chai rượu đế ở Việt Nam (đang nói chuyện uống nước, chuyện tè… lại quy ra rượu được) (cười). May mắn là trên xe du lịch nước uống miễn phí nên không phải mua. Tuy nhiên, đi tè thì không hề miễn phí. Trước lối vào khu vệ sinh, có máy thu tiền tè. Cứ bỏ 1 EUR vào là máy in cho cái phiếu thu bằng 2 đầu ngón tay và mở thanh chắn cho vào. Gần ngay khu vệ sinh là một cửa hàng tiện ích, bán đủ thứ như một siêu thị mini. Khi mua bất cứ món hàng gì ở đó, nếu quí khách xuất trình hóa đơn đi tè, sẽ được người bán khấu trừ 1 EUR vào giá bán cho mỗi hóa đơn. Các cụ tuổi cao, thận yếu, luôn được khấu trừ nhiều tiền khi mua hàng, vì các cụ có nhiều hóa đơn đi tè ”.
Đúng như anh bạn nói, nhà vệ sinh ở Nhật xây rất tiết kiệm, diện tích nhỏ, chỉ có hai hoặc ba bồn tiểu (kể cả khu vệ sinh nữ cũng vậy) nên các đoàn tham quan du lịch mỗi khi dừng chân, đều phải xếp hàng nối đuôi nhau giống như xếp hàng mua gạo thời bao cấp. Tuy nhiên, thật đáng nể phục là nhà vệ sinh nào cũng sạch bóng.
Tác giả chụp hình lưu niệm trước Cung điện Hoàng Gia Nhật Bản
Ở Nhật không phải chỉ riêng xếp hàng đi tè, mà ở đâu cũng thấy xếp hàng. Mua bán xếp hàng; Lên máy bay xếp hàng; Mỗi khi đến trạm xe bus, rạp chiếu phim, hay những nơi công cộng khác đều phải xếp hàng. Thậm chí chúng tôi đi ăn Bufet buổi sáng tại một khách sạn sang trọng cũng phải xếp hàng dài gần 50m và phải đợi mất 15 phút mới đến lượt vào ăn, đến khi vào được rồi thì cũng lại phải xếp hàng để gắp thức ăn (đúng là chuyện khó tin nhưng là sự thật). Văn hóa xếp hàng đã ngấm sâu vào tiềm thức người dân Nhật Bản. Có thể việc phải xếp hàng làm du khách thấy phiền toái, khó chịu, nhưng với người dân Nhật Bản lại tỏ ra rất vui vẻ về việc này. Họ coi đây là việc thực hiện “công bằng xã hội”.
Vài năm trước, Nhật Bản xảy ra trận động đất kinh hoàng. Động đất khiến giao thông Tokyo tê liệt; gần 2 triệu người vì không có phương tiện đi lại mà bị mắc kẹt tại trung tâm thành phố. Vì vậy, rất nhiều người phải xếp hàng để chờ đợi chiếc xe buýt không biết có đến được hay không. Đáng chú ý là không một ai chen lấn, không một ai kêu la, tất cả mọi người đều im lặng chờ đợi – điều này đã khiến cả thế giới vô cùng kinh ngạc.
Một cảnh xếp hàng của người dân Nhật Bản
(Tiếp theo bài 2)
Đào Quốc Thịnh