Ở Nam Bộ khá phát triển hình thức tôn thờ Phật Mẫu Diêu Trì (Diêu Trì Thánh Mẫu), một hình thức thờ Mẫu gắn với Phật giáo và đạo Cao Đài. Về nguồn cội, Diêu Trì Phật Mẫu chính là một vị thần trong điện thần Đạo giáo Trung Hoa, nằm trong cặp Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế và Mẫu Diêu Trì hay chính là Cửu Thiên Huyền Nữ. Đây là hai nhân tố âm dương nguyên thủy để tạo Càn Khôn. Theo kinh sách, Đức Phật Mẫu chính là hóa thân đầu tiên của Đức Chí Tôn, chính là yếu tố âm của Đức Chí Tôn, có nét gì giống với Uma chính là Sakti âm của Shiva, mà dân gian gọi là vợ của Shiva. Diêu Trì Thánh Mẫu là hóa thân của Phật Mẫu ở cung Cửu Trùng Thiên. Theo quan niệm này Thiên Hậu cũng là một dạng hóa thân của Phật Mẫu.
Từ ảnh hưởng của điện thần Đạo giáo Trung Hoa đã ảnh hưởng đến tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta, như đạo Cao Đài, Phật giáo Nam Bộ và cả Đạo Mẫu.
Cũng như người Việt ở Bắc Bộ, trên cái nền thờ Nữ thần và Mẫu thần với việc tiếp thu ảnh hưởng đạo giáo dân gian Trung Quốc đã ra đời đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là hình thức phát triển cao nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, nhất là từ thế kỷ XVI-XVII, trong điều kiện xã hội Việt Nam thời đó xuất hiện Thánh mẫu Liễu Hạnh và bà đã trở thành một tín ngưỡng tôn giáo gắn với đời sống dân gian, thoả mãn ước vọng sức khoẻ, tài lộc, may mắm của con người.
Những lớp cư dân Việt sớm nhất từ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào trung, nam Trung Bộ và Nam Bộ, khi mà ở Bắc Bộ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ chưa thật hình thành và định hình, do vậy mà họ mang theo chủ yếu là tâm thức thờ Nữ thần, Mẫu thần và khi vào vùng đất mới, nơi có người Chăm và Khơ me sinh sống, đã hỗn dung và tiếp thu tín ngưỡng người dân bản địa để hình thành nên các lớp thờ Nữ thần và Mẫu thần như đã nói ở trên.
Cửu Thiên Huyền Nữ
Hiện tại, ở miền Trung, nhất là trung và nam Trung Bộ chúng tôi chưa quan sát thấy cơ sở đền phủ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và kèm theo nó là nghi lễ Hầu bóng, mặc dù ở đó không ít nơi thờ Nữ thần và Mẫu thần, mà tiêu biểu là thờ Thiên Ya Na – Bà Chúa Ngọc. Nhưng ở Nam Bộ thì lại khác, bên cạnh tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần thì ở nhiều nơi đã thấy các đền, điện thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và kèm theo là nghi lễ Hầu bóng. Theo điều tra bước đầu và có lẽ còn xa với sự thật thì ở Sài Gòn có 11 đền, điện, Bình Dương có 7 đền, điện, Đồng Nai có 4 đền, điện. Ngoài ra còn thấy rải rác ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt… Vấn đề đặt ra là ai và khi nào người Việt đã mang tín ngưỡng thờ Mẫu và kèm theo đó là nghi thức Hầu bóng vào Nam Bộ?
Nguyễn Chí Bền và Hồ Tường cho rằng trong thời kỳ Pháp thuộc, đặc biệt là từ sau năm 1954, thì Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ phát triển ở Nam Bộ do người Việt từ Bắc Bộ trực tiếp di cư mang vào. Cùng với việc du nhập đạo Mẫu từ Bắc Bộ, hình thức thờ phụng các anh hùng dân tộc, đặc biệt là thờ Đức Thánh Trần, một “cặp bài trùng” với đạo Mẫu cũng du nhập theo, khiến cho nhiều nơi ở Nam Bộ, nhất là phía đông Nam Bộ phát triển hình thức tín ngưỡng này. Tất nhiên, như trên đã nói, cùng với đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và thờ Đức Thánh Trần, thì nghi lễ Hầu bóng và lễ hội “tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” mà ở đây Mẹ là Thánh Mẫu, còn Cha là Đức Thánh Trần, một thứ Ngọc Hoàng của đạo giáo dân gian Việt Nam cũng dần phổ biến ở Nam Bộ.
Ban Nghiên cứu Văn hóa