An Nam tứ đại khí (còn gọi là Nam Thiên tứ bảo khí hay Nam Thiên tứ đại thần khí) là những báu vật linh thiêng có thể chấn hưng quốc gia, quyết định đến sự phồn vinh, suy vong của dân tộc của Việt Nam. Như Nhật Bản có “Tam Chủng thần khí”, Trung Quốc có “Trấn Quốc chi bảo”, Triều Tiên có “Thiên Phù tam ấn”, “tứ đại khí” của người Việt gồm: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền và Vạc Phổ Minh - 4 công trình nghệ thuật dưới thời Lý, Trần. Cả 4 đều được đúc bằng đồng.
Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm
Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Ðông Triều, Quảng Ninh) đứng đầu trong “Tứ đại khí”, là pho tượng đồng do sư Nguyễn Minh Không cho đúc vào thời Lý. Tượng cao 6 trượng (khoảng 20m), trọng lượng cụ thể đến nay không có tài liệu nào ghi rõ; bên trong lưu giữ 18 viên xá lợi của các vị bồ tát Đại Việt, lại thêm 360 viên đá linh khí từ các đền thờ chư thánh và anh hùng của Đại Việt.
Pho tượng bị giặc Minh xâm lược cướp đi, ngôi chùa bị phá hủy. Đến đầu thời Lê, chùa Quỳnh Lâm được dựng lại, nhưng đến đời Thiệu Trị (1841-1847) lại bị đốt trụi.
Đỉnh tháp Báo Thiên
Tháp Báo Thiên, tên đầy đủ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp được xây năm 1057 ở Chùa Báo Thiên. Chùa Báo Thiên, tên đầy đủ là Sùng Khánh Báo Thiên từng là một ngôi chùa tráng lệ bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, được xây dựng vào năm 1056, dưới triều đại của Hoàng đế Lý Thánh Tông. Chùa tọa lạc tại thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương (xưa gọi là phường Báo Thiên), gần hồ Lục Thuỷ (hồ Gươm). Khu vực này ngày nay là phố Nhà Chung, Hà Nội.
Tháp Báo Thiên cao 20 trượng, có tất cả 12 tầng. Thân tháp xây bằng gạch hoa khắc chữ “Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình tứ niên tạo”, tức là "Đúc năm thứ tư niên hiệu Long thụy Thái Bình đời vua thứ ba triều nhà Lý". Đỉnh tháp đúc bằng đồng khắc ba chữ “Đao Ly Thiên” tỏ ý tưởng của đấng tối cao xông lên tận trời thẳm, trên có tượng người tiên bưng mâm ngọc hứng móc ngọt làm thuốc cho vua.
Năm 1258, một trận bão đã làm ngọn tháp bị đổ. Sau khi được trùng tu, tháp lại bị sét đánh sạt mất hai tầng về góc bên đông vào năm 1322. Đến năm 1406 (84 năm sau khi được trùng tu lần thứ hai) đỉnh tháp lại bị đổ. Thời thuộc Minh (1414-1427), quân Minh đã cho phá tháp để chế súng. Chỗ tháp bị phá sau đó được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng.
Chuông Quy Điền
Chuông Quy Điền được đặt tại chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở Hà Nội – ngôi chùa được xây theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ vào năm1049.
Đến năm 1080, vua Lý Nhân Tông cho xuất hàng vạn cân đồng để đúc một quả chuông lớn dự định đặt trong khuôn viên của chùa cùng với một tòa tháp chuông cao 8 trượng (khoảng 24m). Chuông được đúc xong nhưng vì kích thước quá lớn, chuông đánh không kêu nên đành bỏ xuống một thửa ruộng, ruộng này có nhiều rùa, do đó có tên là chuông Quy Điền.
Năm 1426, khi bị quân Lê Lợi vây thành Đông Quan, tướng Minh là Vương Thông đã phá chuông Quy Điền lấy đồng đúc vũ khí.
Vạc Phổ Minh
Vạc Phổ Minh được đúc vào tháng 02/1262 đời Trần Thánh Tông, nhân dịp Trần Thái Tông (lúc đó là Thượng hoàng) về chơi Tức Mặc. Tại đây, Trần Thái Tông đã ban yến cho dân làng, đổi Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang để các vua sau khi nhường ngôi về ở; dựng cung Trùng Hoa cho vua mới khi đến chầu Thượng hoàng thì ngự ở đó, phía Tây cung Trùng Quang dựng chùa Phổ Minh. Tại đây cho đúc một chiếc vạc lớn và khắc bài minh vào vạc.
Theo mô tả, vạc nặng ba vạn cân, miệng vạc dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó, bên ngoài có hình rồng uốn lượn và hình chim âu đang bay, trên thành có 100 lỗ hình quả trứng tượng trưng cho con Rồng cháu Tiên. Trong mỗi lỗ lại đặt một tượng rồng vàng để tích tụ linh khí của dòng dõi Bách Việt. Bệ vạc khắc tên tất cả các vị vua của dân tộc, từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, cho đến vua Lý Thánh Tông.
Cùng với chuông Quy Điền, năm 1426, khi bị quân Lê Lợi vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí./.
Ban Nghiên cứu Văn hóa