banner 728x90

Hạt dẻ Trùng Khánh Cao Bằng

14/03/2025 Lượt xem: 2446

Khi những đợt gió thu se lạnh bắt đầu tràn về, trên những triền núi đá vôi của vùng đất biên giới Cao Bằng, những cây dẻ cổ thụ cũng vào mùa trĩu quả. Hạt dẻ Trùng Khánh là một trong những món đặc sản nức tiếng, mang theo hương vị thơm dịu, ngọt bùi đặc trưng, không chỉ là món quà của thiên nhiên ban tặng mà còn là một phần nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực nơi đây.

Hạt dẻ Trùng Khánh có hương vị thơm ngon đặc biệt nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực địa lý. Nơi đây nổi tiếng với những rặng cây dẻ lâu năm, phân bố ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450 m - 600 m, xung quanh được bao bọc bởi các núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây dẻ. Khi mùa thu đến, cũng là lúc hạt dẻ Trùng Khánh vào độ thu hoạch. Những quả dẻ chín, vỏ ngoài căng tròn, tách nhẹ để lộ những hạt dẻ mẩy bên trong. Người dân Cao Bằng thường thu hoạch hạt dẻ bằng tay, trèo lên cây hoặc dùng những chiếc que dài để hái.

Hạt dẻ Trùng Khánh có kích thước vừa phải, không quá lớn, mỗi quả có từ 3 - 4 hạt to bằng ngón chân cái. Bên ngoài là những gai nhọn, cứng, bao bọc lấy những hạt dẻ có vỏ ngoài bóng mượt và dày màu nâu tươi, nhiều lông tơ mềm mại. Sau lớp vỏ hạt ấy là lớp nhân vàng óng, thơm ngon đặc biệt mà chỉ vùng đất này mới có. Hạt dẻ đầu mùa thường có chất lượng tốt nhất, thơm và ngọt hơn cả.

Thưởng thức hạt dẻ đầu mùa sẽ cảm nhận được sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa vị ngọt bùi của hạt dẻ và hơi thở trong lành của núi rừng Đông Bắc. Đặc biệt, hạt dẻ tươi mới thu hoạch có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, từ những cách chế biến đơn giản như luộc, rang cho đến những món ăn cầu kỳ trong bữa cơm gia đình. Cũng có thể ăn sống với những hạt còn hơi non, khi lớp vỏ lụa ngoài chưa chuyển màu nâu thì mới mềm, ngọt và mới cảm nhận được vị sữa của hạt. Nhưng phổ biến nhất là luộc, rang hạt dẻ. Hạt dẻ tươi được khía trên đầu mỗi hạt rồi luộc với nước xâm xấp cho đến khi chín. Khi nước sôi, hương thơm từ hạt dẻ lan tỏa khắp không gian, mùi thơm hấp dẫn thực khách. Hạt dẻ luộc chín mềm, bóc lớp vỏ ngoài, bên trong vàng óng, ngọt bùi tan trong miệng, tạo nên cảm giác ấm áp, thơm ngon khó cưỡng. Hạt dẻ chín đem giã đến khi mịn vừa phải, ăn kèm với cốm là một trong những cách kết hợp độc đáo của người dân vùng cao. Vị ngọt thanh, thơm mát của lúa mới quyện với vị ngọt dịu của hạt dẻ tạo nên hương vị ngọt ngào tinh tế của thứ quà vùng biên cương.

Ngoài luộc, hạt dẻ còn được rang trên bếp lửa. Hạt dẻ khi rang có lớp vỏ ngoài cháy xém nhẹ, nhưng bên trong lại nóng hổi và ngọt lịm. Trong làn gió se lạnh của mùa thu, cầm trên tay những hạt dẻ rang nóng hổi và thưởng thức, là một trong những trải nghiệm không thể quên với bất kỳ ai từng ghé thăm Cao Bằng. Bên cạnh đó, hạt dẻ còn được dùng làm nhân các loại bánh, nấu chè hoặc thậm chí là xào nấu trong các món mặn như: chân giò ninh hạt dẻ, gà hầm hạt dẻ,... vừa độc đáo, vừa đậm đà, mang đậm hương vị quê hương.

Khác với hạt dẻ của những nơi khác, hạt dẻ Trùng Khánh khi chín vẫn giữ được độ dẻo, ngọt tự nhiên. Khi ăn, người ta có thể cảm nhận được vị ngọt khẽ len lỏi trong từng hạt dẻ, như thể mỗi hạt đều chứa đựng sự tinh túy từ mạch nguồn của núi rừng. Hạt dẻ ở đây không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn giàu dinh dưỡng, với hàm lượng tinh bột và chất xơ cao, rất tốt cho sức khỏe.

Không chỉ là món ăn đặc sản quen thuộc của người dân địa phương, hạt dẻ Cao Bằng còn trở thành món quà lý tưởng mà du khách có thể mang về tặng bạn bè, người thân. Mỗi mùa thu hoạch, những sạp hàng hạt dẻ Trùng Khánh lại tràn ngập khắp chợ phiên, từ vùng núi cho đến phố huyện. Du khách đến đây có thể dễ dàng mua những túi hạt dẻ tươi, mới thu hoạch hay những mẻ hạt dẻ đã rang chín mềm để thưởng thức hoặc làm quà biếu, không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó những giá trị về văn hóa, về tình yêu thiên nhiên và sự gắn bó với đất trời của người dân vùng cao. Hoặc du khách có thể đến các vườn dẻ trực tiếp thu hái dẻ cùng người dân, đây cũng là trải nghiệm hết sức độc đáo hấp dẫn các bạn trẻ.

Hạt dẻ Trùng Khánh không chỉ là một món đặc sản, mà còn là biểu tượng của mùa thu vùng núi Đông Bắc. Với hương vị ngọt bùi, thơm dịu đặc trưng, hạt dẻ Trùng Khánh đã và đang chinh phục trái tim của biết bao du khách gần xa. Những hạt dẻ nhỏ bé, mộc mạc nhưng ẩn chứa trong đó là cả sự cần mẫn, tỉ mỉ của người dân vùng cao, là tinh hoa của núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ.

Diệu Linh

 

 

Tags:

Bài viết khác

Vịt nấu chao hương vị miền tây

Nhắc đến vịt nấu chao, người ta thường nhớ ngay một góc bếp miền Tây, nơi mùi chao quyện với khói lửa và tiếng nói cười xôm tụ. Món ăn ấy không chỉ đơn thuần là thức quà ngon miệng, mà còn là câu chuyện của ruộng đồng, của bến nước, của những buổi chiều mưa tầm tã rồi cả nhà ngồi quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói.

Lẩu cá linh bông điên điển – Hương vị mùa nước nổi miền Tây

Đến miền Tây độ tháng 8, tháng 9, khi con nước từ thượng nguồn Mekong đổ về mênh mông bưng biền, cá linh theo dòng lũ về đầy ghe. Cá linh đầu mùa béo tròn, xương mềm, thịt ngọt thơm đặc trưng mà chỉ ai từng ăn mới hiểu được cái ngon riêng biệt ấy.

Mắm Chua Tây Ninh – Tinh Hoa Ẩm Thực Vùng Đất Thánh

Mắm chua Tây Ninh – món đặc sản dân dã nhưng đầy lôi cuốn – là sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa ẩm thực Khmer và tinh thần sáng tạo của người dân bản địa. Với vị chua dịu, mặn vừa và hương thơm đậm đà, mắm chua không chỉ là món ăn mà còn là ký ức tuổi thơ của bao người con miền Đông Nam Bộ.

Bún chả Hà Nội – Hồn phố cổ trong từng làn khói bếp than

Nếu phở là linh hồn của bữa sáng Hà Nội, thì bún chả lại là nốt nhạc trầm đầy mê hoặc của buổi trưa ở Thủ đô. Không ai biết chính xác bún chả xuất hiện từ bao giờ – chỉ biết rằng từ những con phố nhỏ trong khu phố cổ đến các ngõ sâu thăm thẳm, mùi thịt nướng thơm lừng trên bếp than hoa vẫn cứ nhẹ nhàng len lỏi vào ký ức của biết bao người con Hà Nội.

Gỏi đọt mây tôm càng nướng – Món ngon níu chân người ở Bình Phước

Bình Phước – vùng đất đỏ bazan ngập nắng gió, nơi rừng và người sống chan hòa như một bản tình ca đại ngàn. Ở đó, không chỉ có điều, có tiêu, có cao su bạt ngàn, mà còn có những món ăn mộc mạc mà độc đáo đến lạ lùng – như gỏi đọt mây tôm càng nướng. Chẳng cần sơn hào hải vị, chỉ cần một dĩa gỏi đơn sơ giữa trưa hè oi ả, cũng đủ làm nên câu chuyện đáng nhớ về hương vị của đất và người.

Cá om nghệ - Món ngon dân dã đậm vị quê

Quảng Ngãi – mảnh đất miền Trung đầy nắng gió không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, con người hiền hậu mà còn hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực mang đậm hồn quê. Một trong những món ăn dân dã, mộc mạc nhưng khiến bao người phải lưu luyến khi rời xa chính là cá om nghệ – đặc sản trứ danh của người dân xứ Quảng.

Ẩm thực miền Tây: Gỏi sầu đâu khô cá sặc

Gỏi sầu đâu là món trộn (nộm). Nguyên liệu chủ đạo là sầu đâu, loài cây thân mộc có nguồn gốc tự nhiên trên vùng Châu Đốc. Dường như thiên nhiên đã quá hào phóng khi ban tặng cho vùng Châu Đốc cây sầu đâu. Chúng tự đâm chồi từ những hạt già rồi tự lớn, vươn màu xanh mát trước khi đơm những chùm búp hoa trăng trắng làm món ngon cho đời.

Đặc sản nổi tiếng Hà Giang: Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu, món ăn được làm từ vị thuốc có độc tính là củ ấu tẩu, nhưng qua cách chế biến của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang lại trở thành đặc sản nổi tiếng.
Top