banner 728x90

Chả Rươi – đặc sản Tứ Kỳ, Hải Dương

14/04/2025 Lượt xem: 2365

Con rươi là một loại sinh vật kỳ lạ, tới mùa gần Tết sẽ tự chui từ dưới đất ruộng nổi lên, bơi nhao nhao trên mặt nước. Người dân sẽ đem vợt đi vớt từng con lên.

Đến mùa gần Tết thì mới có rươi, chứ ngày thường sẽ không có. Rươi không được nuôi chủ động như các loài gia cầm, gia súc để làm thực phẩm, mà con rươi tự nổi từ dưới lòng đất lên. Hiện nay, người ta chưa thể chủ động gây giống và chăn nuôi được rươi.

Trước đây, khi nước sông lên cao, ngập vào các vùng nước lợ của khu vực Tứ Kỳ, Thanh Hà (Hải Dương) thì ở một số ruộng triều (ruộng ngập nước) sẽ xuất hiện con rươi. Không phải ruộng nào cũng có rươi nổi lên mà tuỳ ruộng mới có. Sau này, khi người dân canh tác lúa dùng nhiều loại hoá phẩm như thuốc diệt cỏ, trừ sâu thì con rươi bị mất dần. Trước tình hình đó, lo sợ có thể con rươi sẽ bị "tuyệt chủng", người dân đã ý thức được và quy hoạch lại các vùng đầm nước, ruộng lúa để "dưỡng" rươi. Tức là các khu vực ruộng lúa đó sẽ không dùng để trồng lúa nữa, mà chỉ để không và thực hiện các biện pháp giúp cho con rươi thuận tiện sinh sản và nổi lên khi đến mùa gần Tết. Chính vì thế, đến nay chúng ta vẫn có thể được thưởng thức món đặc sản rươi của vùng quê này.

Con rươi thoạt nhìn thì giống con sâu, nhưng nó rất lành tính, ta có thể chạm vào nó, dùng tay với nó lên. Thân nó rất mềm, nó không cắn hoặc gây ngứa gì cả. Lớp da bên ngoài của nó cực kỳ mỏng manh, chỉ cần vớt lên và cho vào tô, chậu, bỏ thêm chút muối là con rươi tự vỡ ra, bên trong là loại dung dịch nhìn như lòng trứng đánh nhuyễn. Trong con rươi có rất nhiều chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa thích, tốt cho sức khoẻ.

Rươi nổi phụ thuộc vào con nước lên, xuống của thủy triều. Có khi thu hoạch rươi vào ban ngày, có khi lại đến tối, đến đêm mới bắt được nó. Tối đầu đông, trong làng, ngoài xã yên ắng khi người dân nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhoài. Nhưng ngoài bãi rươi này, công việc của nhiều hộ dân mới đang bắt đầu.

Mỗi khi họ xả nước, rươi sẽ theo dòng nước chảy và chui vào túi lưới. Ở cửa cống giăng sẵn “săm rươi" tức túi lưới để thu hoạch. Đợi rươi chui vào túi nặng chừng 8-10kg là vớt ngay lên bờ để rươi được tươi. Rươi vớt lên sẽ được rửa qua nước cho bớt nhớt, sau đó lại nhúng vào thùng nước lạnh giúp rươi được “khỏe lâu”. Trước khi cân, mọi người phải đem những túi rươi treo lên cành mít cạnh đó để rươi ráo nước.  Những con rươi to, béo, hồng là những con rươi ngon bởi nó có nhiều bột. Khi chế biến, đánh rươi lên có độ dẻo, quánh, vị thơm ngậy đặc trưng.

Để vận chuyển rươi đi xa, người dân sẽ cho vào thùng xốp và đổ thêm chút nước đá lạnh. Giá rươi thu mua tại bãi từ 220.000 - 300.000 đồng/kg tùy vào cỡ rươi, có khi lên đến bốn năm trăm ngàn một ký nếu rươi to ngon. Theo ước tính, ngày bận rộn nhất, người dân có thể bắt chừng 2 tạ rươi.

Rươi có thể dùng để chế biến thành nhiều món ngon như Rươi rán, Rươi nấu, Rươi đốt, Mắm rươi... Đây là món ăn mà những người dân ở vùng đất Tứ Kỳ, Thanh Hà (Hải Dương) xa xứ sẽ nhớ quay quắt, thèm được thưởng thức mỗi khi nhớ nhà.

Nếu bạn đã từng được ăn món đặc sản này, hẳn bạn sẽ muốn thưởng thức thêm một lần nữa. Nếu bạn chưa từng ăn, bạn có thể thử nếm trải hương vị đặc biệt của nó để trải nghiệm một món ăn mới đặc trưng của miền quê Bắc Bộ.

Để làm được món chả rươi cần khá nhiều nguyên liệu và gia vị cầu kỳ. Rươi sau khi mua về rửa rươi với nước. Dùng đũa khuấy kỹ nhưng nhẹ nhàng một lúc, trút bỏ nước bẩn và xả vài lần cho sạch. Hành lá, rau mùi thái nhỏ, vỏ quýt thái chỉ. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập dập, thái nhỏ. Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, thái nhỏ. Ớt rửa sạch, băm nhỏ.

Nếu có lá gừng các bạn cũng băm nhỏ, cho vào chả rươi để tăng thêm hương vị. Tiếp đó, dùng đũa đánh rươi cùng với vỏ quýt. Nhưng không nên đánh rươi nhuyễn quá, khi ăn sẽ mất đi cảm giác bùi, ngậy khi thỉnh thoảng nhai phải miếng rươi vẫn còn nguyên con. Tiếp đó, cho hành, rau mùi, thịt xay, trứng gà, hạt nêm, hạt tiêu vào đánh đều cùng rươi. Có thể thêm một chút ớt băm để tạo vị chứ đừng cho cay quá. Nếu cảm thấy hỗn hợp hơi đặc thì các bạn có thể thêm 1 quả trứng nữa nhé.

Cách chiên chả rươi như sau: Cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo rồi đun. Đợi dầu nóng già thì xúc từng thìa rươi đổ vào chảo, rồi dàn đều tạo thành những miếng hình tròn, có độ dầy 2cm. Chả rươi rất nhanh chín nên chỉ cần chiên nhanh cho cháy nhẹ cạnh ngoài là các bạn vớt chả ra. Cách làm này giúp cho món chả ít bị ngấm dầu, giòn bên ngoài mà bên trong vẫn mềm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đem hấp rươi lên rồi mới chiên cho chả khỏi bị vỡ. Với chả rươi hấp, khi chiên vẫn giữ được vị mềm ngọt, quá trình chiên cũng nhanh và dễ dàng hơn.

Sau khi đã chế biến xong, bạn hãy mang ra thưởng thức ngay khi còn nóng nhé. Món chả rươi chiên với hương vị hấp dẫn, đậm đà cùng màu vàng đặc sắc rất hấp dẫn. Chả rươi thơm nức ăn kèm với cơm nóng hoặc làm mồi nhậu với bia sẽ rất tuyệt.

Khi ăn chả rươi, bạn pha mắm chua cay mặn, ngọt vừa phải. Nhớ chẻ thêm vài củ hành tím vào bát nước mắm. Món rươi ăn kèm hành tươi mới hợp vị. Không dùng chả rươi với tỏi./.

Thu Hương

 

 

Tags:

Bài viết khác

Món ngon miền Trung Nam Bộ: Dưa chuối chát

Vốn là vùng đồi, quê tôi trồng rất nhiều chuối, đặc biệt do hợp thổ nhưỡng nên chuối hột hay còn gọi là chuối chát rất nhiều, vườn nào cũng có ít nhất vài lùm. Trồng nhiều chuối chát cũng có cái lợi, vì gói các loại bánh chỉ có lá chuối chát mới làm cho bánh xanh và ngon. Trái chuối chát già thì để ngâm rượu, trị bệnh đau nhức xương khớp cho người già. Chuối non thì nấu canh, làm rau ăn sống. Riêng món dưa chuối chát thì khỏi phải nói, được ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Bò kho ăn với bánh mì

Bánh mì bò kho là món ngon có lịch sử truyền thống lâu đời. Bánh mì nóng giòn chấm với nước dùng bò kho nóng hổi trong thố đất làm ấm lòng thực khách những ngày trời đổ cơn mưa. Đây là món ăn được rất nhiều thực khách yêu thích.

Mèn mén – đặc sản vùng cao Bắc Hà

Nếu có dịp du lịch vùng cao Tây Bắc, bạn hãy thử một lần thưởng thức mèn mén - một món ăn được chế biến từ những hạt ngô nếp vùng cao.

Vịt nấu chao – món ngon miền Tây

Đến miền Tây, bạn có thể thưởng thức vịt nấu chao tại các quán ăn dân dã hoặc các nhà hàng đặc sản nổi tiếng. Mỗi địa phương sẽ có cách nấu chao khác nhau, tạo ra sự đa dạng và phong phú về hương vị. Một số địa điểm phổ biến như Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, hay Vĩnh Long, đều có những quán ăn gia truyền với bí quyết riêng để nấu món vịt nấu chao thơm ngon.

Thắng cố Bắc Hà – món ăn đặc sản vùng Tây Bắc

Đến với cao nguyên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), du khách không chỉ được khám phá những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc H’Mông mà còn được thưởng thức những đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Một trong những món ăn để lại ấn tượng cho du khách khi đến mảnh đất này phải kể đến đặc sản thắng cố ngựa Bắc Hà.

Nem chua Lai Vung, Đồng Tháp

Nem Lai Vung, Đồng Tháp từ lâu đã là món ngon nổi tiếng, được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong top 10 đặc sản nem chả nổi tiếng Việt Nam. Điều khiến cho món nem Lai Vung trở nên thu hút thực khách chính là vị ngon và thơm đến từ món nem. Khi ăn nem bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm. Vị nem chua chua, ngọt ngọt, thanh thanh hòa quyện với vị cay cay mặn mặn của ớt, dai dai của thịt, giòn giòn sần sật của bì. Mùi thơm đặc biệt chỉ có ở nem chua Lai Vung nhờ vào lá gói và cả ớt xanh, tỏi.

Món don đặc sản Quảng Ngãi

Nhắc đến Quảng Ngãi phần lớn du khách sẽ nghĩ ngay đến những món ngon đặc sản như đường phèn, mì Quảng... Tuy nhiên không phải ai cũng biết và thưởng thức don - đặc sản của vùng đất này.

Chả cá thác lác, món ngon miền Đông Nam Bộ

Cá thác lác sinh sống ở hầu khắp các vùng nước tự nhiên trên thế giới. Phần lớn cá thác lác tập trung ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cá thác lác sinh sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Đồng Nai, khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với cá thác lác, người ta có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như nấu canh, hấp, kho, xào, nấu lẩu, chiên… đều rất ngon. Chả cá thác lác được sử dụng trong các món lẩu, canh, hay vo thành viên để chiên đều thơm ngon.
Top