Trong khía cạnh kinh tế này có một điểm quan trọng đã tạo nên nét khác biệt trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và Trung Hoa. Do đặc trưng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa nên Việt Nam sản xuất lúa nước theo truyền thống tiểu canh kết hợp với nuôi gia súc.
Vì vậy, ở nước ta, sản xuất không đòi hỏi tập trung nhân công theo quy mô lớn như ở nơi sản xuất lúa mỳ khô, công cụ sản xuất cũng nhỏ gọn nhẹ, mọi thành viên trong gia đình kể cả phụ nữ và trẻ em đều sử dụng dễ dàng. Kết hợp tất yếu của quy trình sản xuất này khiến người Việt gắn bó với gia đình (thường là gia đình hạt nhân) chặt hơn với dòng họ. Hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên (dù thờ chính hay thờ vọng) nhưng không phải dòng họ nào cũng có từ đường. Ở Trung Hoa tình hình có khác: dòng họ thường tập trung và bao giờ cũng có từ đường, song bàn thờ tổ tiên lại không bắt buộc lập trong mỗi gia đình. Mặt khác, điều kiện sản xuất cho phép mọi thành viên tham gia cũng có vai trò tương đối bình đẳng trong gia đình, kể cả trong sinh hoạt tín ngưỡng.
Hình thức tổ chức xã hội cũng là một yếu tố quan trọng cho việc hình thành tín ngưỡng. Cũng theo Tôkarép, việc thờ cúng vật linh có thể xuất hiện ở thời kỳ mẫu hệ, nhưng thờ cúng tổ tiên phải gắn bó với thời kỳ phụ hệ. Ở giai đoạn thị tộc phụ quyền, người đàn ông bắt đầu nắm giữ quyền hành quản lý gia đình do họ đã có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế. Vợ và con cái họ tuyệt đối phục tùng và tôn trọng cái uy quyền đã được xác lập ấy, không chỉ khi họ còn sống mà cả khi họ qua đời. Những đứa con mang họ cha đã kế tiếp ý thức về uy quyền, và phải chăng, các nghi thức ma chay, cúng tế tổ tiên cũng chính là “hình thức phản ánh hoang đường quyền hành gia trưởng trong một gia đình”./.
Ban Tôn giáo phía Nam