banner 728x90

Vai trò của đồng thầy và bản hội đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

16/10/2024 Lượt xem: 2426

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian tôn thờ người mẹ đã hóa thân vào trời đất ở các vùng miền. Cùng với các loại hình tín ngưỡng khác, tín ngưỡng này đã tồn tại lâu dài và chảy trong mạch nguồn đời sống tâm linh của người dân Việt.

Đồng Thầy là khái niệm các tín đồ thường dùng để gọi người đứng đầu một cộng đồng thờ Mẫu. Trong quan niệm của các tín đồ, một người nào đó trở thành đồng thầy trước hết phải là người có căn đồng và phải trải qua những nghi lễ có tính chất bắt buộc: từ cắt tóc làm tôi con ông Thánh - lễ tạ 100 ngày - lễ tạ 3 năm - làm lễ trình đồng mở phủ cho tín đồ và trở thành đồng thầy. Các tín đồ thờ Mẫu thường dùng câu nói “làm lính có công, làm đồng có phép” để thể hiện những phép tắc mà một người cần trải qua để trở thành đồng thầy. Tuy nhiên, những phép tắc này không được lưu giữ trong các cuốn kinh điển, trong giáo lý giáo luật giống các tôn giáo thế giới như Phật giáo, Kitô giáo, Islam giáo… mà được truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Theo đó, mở đầu cho hành trình trở thành đồng thầy là người đó phải có căn đồng, nói như các tín đồ của Mẫu là phải có duyên nghiệp phục vụ nhà Thánh và điểm cuối của hành trình là người đó phải “đẻ đồng” và được tín đồ gọi   là “Thầy” hoặc là “cha”, là “mẹ”. Những tư liệu từ phỏng vấn và quan sát của tác giả trong nhiều năm cho thấy, trở thành đồng thầy xưa kia là cả một quá trình lâu dài với sự tu dưỡng không ngừng của bản thân và sự thử thách của thánh thần.

Đồng thầy Trần Văn Hải Loan giá ngự đồng

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Sự khác nhau cơ bản giữa đồng thầy và những người đồng khác là về khả năng tâm linh của họ, tức là khả năng mở phủ cho người khác, khả năng làm lễ chữa bệnh và nhiều nghi lễ khác”. “Nói cách khác, những người “cao tay”, có một số khả năng đặc biệt về mặt tâm linh như xem bói, chữa bệnh có thể trở thành đồng thầy”. Với những năng lực đặc biệt này, đồng thầy có một thứ ma lực theo quan niệm của Chales Keyes. Và chính ma lực này đã tạo nên một sức hấp dẫn lớn khiến đồng thầy như một thỏi nam châm có khả năng thu hút người khác đến với họ, tập hợp xung quanh và gắn bó với họ. Từ đó bản hội được hình thành.

Bản hội của tín ngưỡng thờ đạo Mẫu được hình thành gắn liền với một đồng thầy được xem là có năng lực đặc biệt và những động tâm linh của họ. Bản hội là một cộng đồng tín đồ thờ Mẫu bao gồm nhiều thành viên dưới sự dẫn dắt của một chủ hội, có cùng một chốn tổ; có sự hiểu biết đồng cảm lẫn nhau và có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần linh trong điện thần thờ Mẫu. Nói cách khác, một bản hội phải có nhiều người tập hợp lại dưới sự dẫn dắt của chủ hội. Bên cạnh chủ hội còn có các đệ tử khác bao gồm thanh đồng, nhang tử, bán tử, hầu dâng, cung văn, chấp tác và những tín chủ có niềm tin vào sự linh ứng của thánh thần. Mặc dù làm các công việc khác nhau, sinh sống ở những nơi khác nhau… nhưng giữa các thành viên bản hội có sự tương đồng về niềm tin, về tâm sinh lý tình cảm, về những vấn đề mà họ gặp phải trong đời sống trần tục và chính sự tương đồng này khiến họ đồng cảm, cộng cảm với nhau. Họ thường tập hợp xung quanh đồng thầy trong không gian một “chốn tổ” (đền, điện, phủ,…) nào đó. Trong thực tế, có nhiều loại hình bản hội nhưng bản hội do đồng thầy làm chủ hội là phổ biến nhất và mang đặc trưng rõ nét nhất của một bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Dù to hay nhỏ, mỗi bản hội đều có tổ chức để vận hành các hoạt động của nó, thường là do đồng thầy đứng đầu, dưới có đồng trưởng (có bản hội gọi là đồng phó) với vai trò tương tự như một “quản gia” của bản hội, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ đồng thầy; cuối cùng là các tín đồ (được chia thành các nhóm: nhóm thanh đồng, nhóm chấp tác, nhóm hầu dâng,…). Là một cộng đồng tâm linh, hoạt động của bản hội hẳn liên quan đến việc phụng thờ thần thánh. Tuy nhiên, so với các cộng đồng tôn giáo khác ở Việt Nam, việc phụng thờ thần thánh của bản hội không chỉ diễn ra tại chốn tổ mà còn ở các đền phủ khác nhau được phân bố trên khắp cả nước thông qua hoạt động đi lễ xa - đi đến những nơi ghi dấu sự sinh hóa hoặc các chiến công của các vị thánh của các tín đồ. Đồng thầy là chủ bản điện và là “tổng đạo diễn” tất   cả các hoạt động của bản hội, vì vậy trọng tâm các hoạt động của bản hội phải là hoạt động của đồng thầy. Bên cạnh việc dẫn dắt tín đồ phụng thờ thần thánh hoặc đi lễ xa, đồng thầy còn có những hoạt động tâm linh riêng dựa vào năng lực đặc biệt của mình. Nhưng năng lực đặc biệt của đồng thầy theo quan niệm của các tín đồ thờ Mẫu rất đa dạng: “trăm ông trăm phép, nghìn bà nghìn quyền”. Và chính những “phép”, “quyền” khác nhau của các đồng thầy đã ảnh hưởng đến đặc thù riêng trong hoạt động của từng bản hội.

Đồng thầy, Thủ nhang Vũ Thị Bắc

Một trong những nét đặc trưng nổi bật của bản hội so với các cộng đồng tôn giáo khác là: sự hình thành và cố kết của nó không chỉ   dựa trên việc giữa các tín đồ có cùng niềm tin vào sự độ trì của  Thánh Mẫu, có cảm giác “thuộc về con nhà Mẫu” mà quan trọng còn  là năng lực đặc biệt và những trải nghiệm về tâm linh, về cuộc sống trần tục của người đồng thầy có nhiều nét tương đồng với các tín đồ khiến họ quy tụ và có cảm giác thuộc về bản hội của đồng thầy. Điều đó giải thích tại sao một cá nhân luôn luôn có sự lựa chọn đồng thầy và bản hội để gắn bó lâu dài. Đồng thầy - “thủ lĩnh tâm linh” của cộng đồng chính là yếu tố vô cùng quan trọng trong sự cố kết những con người khác nhau có cùng niềm tin vào các vị thần thành một bản hội. Vì thế, bản hội có một điều khác biệt là nếu đồng thầy không còn nữa, một người khác lên thay (có thể là đệ tử của đồng thầy chẳng hạn) thì nhiều tín đồ cũ có thể rời bỏ và bản hội tan rã. Đây là điểm khác của cộng đồng bản hội so với một số tôn giáo có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Có thể nói, đồng thầy là người thành lập nên  bản hội, quyết định hoạt động, sự tồn vong của bản hội. Chính điều đó đã đem đến cho đồng thầy một quyền lực mạnh mẽ, thứ quyền  lực mà như các tín đồ nhận xét là: “một người nói trăm người nghe”. Do vậy, đồng thầy thực sự có vai trò to lớn đối với việc thực hành tín  ngưỡng thờ Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là niềm tin của con người vào sức mạnh thiêng liêng, siêu nhiên của các vị thánh Mẫu. Còn “thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu” là những hoạt động của tín đồ nhằm thể hiện niềm tin, sự tôn kính, lòng ngưỡng mộ của họ đối với các vị thánh Mẫu. Những thực hành đó bao gồm những hành động như tu dưỡng đạo đức, cúng bái, quỳ lạy, đi lễ xa, lên đồng, tổ chức các nghi lễ (trình đồng mở phủ, di cung hoán số, trong đó hầu đồng là nghi lễ quan trọng nhất…), hát văn hầu Thánh, tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới ngày sinh hóa và công lao to lớn của các vị thần thánh… Nói chung, những thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu vô cùng phong phú và đa dạng. Các thực hành đó càng phong phú và đa dạng hơn trong xã hội hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu hiện sinh về tài lộc, công danh, sức khỏe của con người.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top