Người xưa đã biết vạn vật sinh ra, tồn tại và phát triển trong môi trường tự nhiên đều phải dựa vào 5 yếu tố cơ bản là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là Ngũ Hành. Trong cội nguồn văn hóa người Việt từ nguyên thủy đã biết và coi Ngũ Hành là sự cụ thể hóa quy luật vận động chuyển hóa của mọi sự vật, hiện tượng và được ứng dụng hiệu quả trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống lẫn tín ngưỡng. Tục thờ cúng Ngũ Hành gắn liền với các thế hệ đầu di dân, ngay từ buổi đầu mở đất, từ đó đồng hành cùng quá trình phát triển của xã hội và hiện nay đã trở thành hình thức tín ngưỡng sinh động và khá phổ biến.

Nghi thức cúng Miếu bà ngũ hành
Trong thuyết Ngũ Hành, các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ luôn tương sinh và tương khắc, theo quy luật không độc lập với nhau. Trong tương khắc luôn có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc. Nhờ đó vạn vật luôn luôn tồn tại và phát triển. Tiếp nhận thuyết Ngũ Hành rồi hòa quyện vào tín ngưỡng dân gian bản địa, cùng các yếu tố tự nhiên gắn liền với cuộc sống như Ðất, Nước, Lửa, Cây, Kim loại, người Việt cổ đã thần hóa các yếu tố này và thờ phụng qua hình tượng năm vị nữ thần với những nhận định thực tiễn, giản dị. Chẳng hạn như ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hỏa hoạn, thì hành Hỏa được lập miếu thờ; vùng duyên hải, sông rạch thì thờ Thủy thần; vùng rừng núi thì thờ Bà Chúa Thượng Ngàn; vùng trồng lúa, làm vườn, làm rẫy thì thờ Thổ thần...
Theo đúng tục lệ thì lễ vía Bà Ngũ Hành vào ngày 19 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhưng có vài nơi cúng muộn hơn, vào ngày 23 tháng 3. Cũng theo tục lệ thì vào kỳ lễ vía, các miếu Bà phải mời bóng rỗi đến hát, tế, múa dâng bông... Trước đó, bà con thường cùng nhau đắp y cho Bà, là nghi thức lau chùi, sơn sửa, thay áo, mũ mới cho các pho tượng Bà. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, người ta vẫn có lệ riêng là hễ lúc nào có ai phát tâm cúng Bà thì cứ nhờ người trông miếu tổ chức mâm lễ, chứ không cần chờ đến kỳ lễ vía tháng 3 âm lịch.
Nhìn một cách tổng quát thì các cư dân trong các làng, xã đều có nguồn gốc xuất thân từ nông nghiệp và một phần ngư nghiệp. Khi định cư ở vùng đất mới lạ, luôn phải sống dựa vào tự nhiên nên trong mắt lớp lớp người di cư, thiên nhiên luôn kỳ vĩ, đe dọa cuộc sống. Nên họ đã thần thánh hóa những hình dạng, hiện tượng của tự nhiên và phụng thờ cầu mong tránh khỏi những tai ương, cũng như tìm sự phù hộ độ trì. Cho nên, các vị thần có nguồn gốc từ tự nhiên như: đất, núi, nước, lửa, cây… được hình thành lâu đời qua tín ngưỡng dân gian, trong đó tín ngưỡng Ngũ Hành có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng làng, xã và truyền lưu qua nhiều thế hệ mãi cho đến ngày nay như một thứ di sản của tổ tiên.

Miếu ngũ hành
Trong văn hóa dân gian với quan niệm năm hành chất cấu tạo nên vũ trụ là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là năm vị thần lớn với quyền năng khác nhau đối với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim loại, nước, cây gỗ. Dân gian gọi là Bà Ngũ Hành (năm Mẹ) và được xây miếu thờ riêng mà không thờ chung với các vị thần khác ở đình làng hay cơ sở tín ngưỡng khác. Bởi Ngũ Hành có thể sinh ra tất cả nên cũng có một thế giới riêng và cũng phải được thờ cúng riêng.
Khảo sát và nghiên cứu tín ngưỡng dân gian về phương cách thờ cúng các vị thần trong đình làng, đền, miếu, vạn… ở khắp các địa phương trong tỉnh, cho thấy trước đây vài thế kỷ, hầu hết các di tích hoặc các công trình tín ngưỡng đều thờ Ngũ Hành nhưng ở những dạng thức khác nhau; tùy theo nhận thức và vị trí đất đai, đối tượng thờ phụng và cả sự tôn sùng của từng làng, xã, khu vực.
Trên thực tế thì Ngũ Hành nương nương vốn là tín ngưỡng dân gian nên tọa lạc riêng biệt so với đình làng, đền, miếu, vạn… nhưng theo tiến trình lịch sử sau đó, do nhu cầu cúng lễ hàng năm rất nhiều lần, và mỗi lần cúng vị thần chính thì cũng phải cúng các vị thần dân gian khác xung quanh. Thấy bất tiện về thời gian và lễ vật, nên dần dần người ta di dời miếu Ngũ Hành về trong các khuôn viên đình, đền, miếu, vạn… để tiện việc cúng kiếng và kiện toàn thiết chế tín ngưỡng của thôn làng. Có nơi, người xưa lại thu nhỏ miếu Ngũ Hành gọn lại để đưa vào nơi thờ các vị thần chính; có nơi lại đưa Ngũ Hành vào thờ xung quanh vị thần chính.
Theo quan niệm của nhân dân thì Bà Ngũ Hành thường có vai trò phù trợ với các nghề có liên quan đến các yếu tố như nghề nông thì liên quan đến các yếu tố như Bà Thổ, Bà Thủy; nghề đánh bắt thủy sản thì liên quan tới Bà Thủy, Bà Mộc…
Ban Nghiên cứu văn hóa