Tục thờ các vị thần sông nước ở các đền Lảnh, Cửa Sông, Lê Chân, Vũ Điện, đình Đá Tiên Phong....
Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, thờ thủy thần là một tục thờ có sớm và phổ biến ở các vùng có địa bàn sông nước. Nghiên cứu truyền thuyết về các vị thần được thờ trong các đình, đền của Hà Nam, lễ hội, tục thờ các vị thần này thì thấy dấu vết về tục thờ thủy thần khá đậm nét.
Điểm đầu tiên phải kể đến là đền Cửa Sông (còn gọi là đền Tam Giang, đền Cô Bơ, đền Mẫu Thoải) ở thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. Đền này được dựng ngay trên một gò đất nổi ở ngã ba sông Hồng với sông Lảnh Giang. Lảnh Giang thực ra là một nhánh của sông Hồng, do quá trình phân dòng mà tạo ra một gò nổi ở giữa và một nhánh sông chảy vòng qua gò nổi đó. Chính vì thế mà đền còn có tên là đền Tam Giang. Ngày nay dòng Lảnh Giang đã cạn dần, chỉ còn dấu vết là một con lạch nhỏ, sông chảy hiền hoà nhưng xưa kia chắc chắn nơi đây nước sông chảy xiết, và ở ngã ba sông này có những vòng xoáy nước đe doạ thường xuyên đến mạng sống của người dân. Vì thế mà ngôi đền trên gò nổi trước đây trở nên linh thiêng, ngày thường có đông người đến lễ. Sau này, do sông đổi dòng, bãi nổi lở dần, đền bị sạt lở, phải chuyển vào trong.
Nay đền được xây bên cạnh dòng sông Hồng và dấu tích của dòng Lảnh Giang đang dần cạn. Ngày hội đền trước đây có tục đua thuyền, rước nước là những tục liên quan mật thiết đến việc thờ cúng thủy thần. Vị thần mà ngôi đền này thờ là Mẫu Thoải, vị thần đảm trách miền sông nước trong tín ngưỡng Tứ Phủ.
Liên quan mật thiết đến đền Cửa Sông là đền Lảnh Giang, còn được gọi là đền Chính, đền Quan Lớn Đệ Tam. Đó là đền thờ một trong ba vị đại vương vốn là ba con rắn được sinh ra từ một cái bọc. Tương truyền, vị đại vương này rất có công trong việc chống Thục nên được vua Hùng phong là Nhạc Phủ Ngư thượng đẳng thần, sau được gia phong là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng thái thượng đẳng thần. Từ xuất xứ của thần sinh ra từ sự hoài thai của thủy thần trong hình hài của một con rắn, biểu hiện của nước, đến tên hiệu của vị thần này cũng thấy rất rõ bản chất của thần là một vị thần sông nước. Đó là lớp nghĩa cổ nhất của vị thần này mà truyền thuyết về một vị tướng của Hùng Vương được thêu dệt sau này cũng không làm mờ lớp nghĩa ban đầu.
Đền được xây sát phía ngoài chân đê, là nơi mà dân sông nước qua lại có thể dễ dàng vào cầu nguyện. Hình ảnh của vị thần, một con rắn thần, là hình ảnh phổ biến về các vị thủy thần ở nhiều vùng sông nước. Lễ hội đền Lảnh Giang, cũng như đền Cửa Sông, có lễ rước nước, hội đua thuyền, bơi chải. Đó là những nghi lễ phổ biến của tín ngưỡng thờ thủy thần. Nằm trong vùng một cụm di tích, cách nhau chỉ 100m mà có tới hai ngôi đền thờ thủy thần, đền Lảnh Giang và đền Cửa Ông đã thể hiện rất rõ tín ngưỡng thờ thủy thần của người dân địa phương.
Có thể thấy dấu vết của tục thờ thủy thần qua biểu tượng rồng được chạm khắc xung quanh và trên trán bia Sùng Thiện Diên Linh, trên vách tháp cũng chạm khắc nhiều mảng rồng ổ. Rồng biểu tượng cho tín ngướng của các cư dân canh tác lúa nước, ẩn dụ sự cầu mong mưa thuận gió hòa để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên trán bia chạm hai con rồng đối xứng, chầu vào hàng chữ Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (tháp bia Sùng Thiện Diên Linh – nước Đại Việt triều vua Lý thứ tư). Rồng còn làm vật trang trí trên gạch đất nung: thân hình tròn trịa với nhiều khúc uốn lượn, chân dài và nhỏ dần về phía đuôi, vừa có dáng dấp của một con rắn, vừa có hình thù của cá sấu. Hình rồng còn thô sơ như vậy là do biểu hiện tín ngưỡng của cư dân Việt viễn cổ ở đồng bằng sông nước với tục thờ rắn và cá sấu, lấy các loài thủy tộc này làm vật tổ. Huyền thoại họ Hồng Bàng (giải thích nguồn gốc các tộc người Việt cổ) kể rằng, ông Lạc Long Quân (vị tổ của người Việt đồng bằng) là một loài rắn hoá thân mà thành. Rắn và cá sấu theo tín ngưỡng của dân gian được trừu tượng hóa dần, trở thành hình tượng rồng. Và rồng cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm biểu tượng của vương quyền, càng về sau vẻ mạo của nó càng thể hiện uy quyền phong kiến.
Truyền thuyết về vị thần đình làng Văn Xá (thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân) cũng cho thấy rõ dấu vết của tục thờ thủy thần. Vị thần thành hoàng của làng thoát thai từ một con rắn, khi con đê vỡ, đã trở lại hình hài rắn, nằm chắn ngang đoạn đê vỡ, căng mình ra để ngăn nước lũ, bảo vệ xóm làng.
Vị thần thành hoàng của đình Đá Tiên Phong (thôn An Mông, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên), một nữ tướng của Hai Bà Trưng lúc hóa cũng có rồng mang thuyền vàng đến đón. Đó là những trầm tích văn hoá sâu xa của tín ngưỡng dân gian nhiều khi đã bị chìm đi dưới lớp nổi là các truyện kể về lịch sử được chồng chất sau này. Nhìn vào tục thờ, lễ hội, có thể thấy rõ những biểu hiện của tín ngưỡng này, tục rước nước, tục đua thuyền… phổ biến trong các lễ hội cổ truyền ở Hà Nam.
Theo hanam.gov