Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn
Lễ hội nhảy lửa hay tục nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Hà Giang là một hoạt động văn hoá mang tính tâm linh, với mục đích là thể hiện sức mạnh cùng ý chí phi thường, dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi được tà ma và bệnh tật. Lễ hội này thường diễn ra vào cuối năm, khi mà mùa đông đang ở giai đoạn khắc nghiệt nhất.
Bắt đầu cho lễ hội nhảy lửa này là phần lễ. Thầy mo sẽ ngồi trên một cái ghế dài để cúng thần linh, gõ vào hai vật bằng sắt, tạo ra những âm thanh gấp gáp, liên tục. Việc cúng thần này nhằm tạo nên sức mạnh phi thường cho những con người Pà Thẻn, để họ có thể nhảy vào lửa. Thông thường, phần cúng lễ sẽ được bắt đầu trước phần hội ít nhất là 4 tiếng đồng hồ. Đống lửa mang lại sự ấm áp cho mọi người, đồng thời cũng là biểu trưng cho buổi ăn mừng một mùa vụ hoa màu vừa kết thúc, thần linh phù hộ nhân dân sống an khang thịnh vượng, xua đuổi tà ma, bệnh tật.
Khi đến phần hội, các thanh niên Pà Thẻn bắt đầu tụ tập xung quanh thầy mo, tiếng gõ của thầy mo ngày một gấp gáp hơn. Trong phút chốc, họ run bầng bậc và bắt đầu nhảy lên nhảy xuống. Trong khi đó, có một người thanh niên khác chạy vòng vòng quanh sân, thỉnh thoảng lại nhặt một cục than còn đỏ lên và cho vào miệng ăn. Đến một lúc nhất định, người này mới bước vào vòng lửa.
Họ dùng tay trần bốc lửa, nhảy trên những cục than còn đò rực bằng chân trần, có những người còn nằm hẳn trên đống lửa rồi mới nhảy ra ngoài. Những người khác đứng ở ngoài chiêm ngưỡng, cổ vũ bằng những tiếng reo hò, tán dương.
Ban Nghiên cứu Văn hóa