Tiếng mẹ thều thào, nặng trĩu, rời rạc như muốn nói với tôi điều gì nhưng tôi không thể nào nghe rõ. Nắng chiều chiếu qua khung cửa kính bệnh viện hắt lên khuôn mặt mẹ thứ ánh sáng vàng vọt hằn rõ vết nhăn thời gian trên đôi má gầy gò khiến lòng tôi như có triệu mũi kim châm. Tôi khóc. Khóc như chưa bao giờ được khóc bởi tôi biết mẹ sẽ không còn sống với mình nhiều thêm nữa. Mẹ ơi, con là đứa con bất hiếu...
Tôi làm trợ lý cho Tổng Giám đốc công ty gỗ xuất khẩu cao cấp của thành phố, khá tháo vát, năng nổ và có chút nhan sắc, lắm tài nhưng cũng nhiều tật. Tôi sống một mình tại căn hộ dành cho cán bộ cao cấp của công ty, có ô tô riêng - dĩ nhiên là mua trả góp, nhưng chừng ấy thôi cũng đủ làm cho bạn bè trang lứa có cái để không thích gần gũi mình.
Với chức vị và công việc không lấy gì vất vả và thời giờ cũng không quá gò bó nên tôi có nhiều dịp tiếp xúc với nhiều người, nhiều cấp, được tham gia nhiều buổi tiệc chiêu đãi hoành tráng mà ở đó tôi luôn được mọi người ưu ái. Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến bởi ngày trước tôi là đứa con của một làng quê lam lũ, đi khi trời chưa sáng, về khi trời đã tối mà cái ăn, cái mặc vẫn thiếu trước hụt sau.
Với chút tài mọn là viết chữ khá đẹp, hát khá hay, lại giao tiếp giỏi - những thứ đó như tấm giấy thông hành để tôi vào Đoàn sớm hơn các bạn bè chung lớp. Đó cũng là duyên chăng khi tôi gặp anh - giờ là sếp tôi - khi anh đến giao lưu với đoàn viên trường tôi. Hẳn là trong mắt anh có cái nhìn khá ngộ nghĩnh về tôi, chất phác nhưng không kém phần sắc lẻm. Tôi hỏi anh những gì tôi thắc mắc và trả lời anh những gì anh yêu cầu, dĩ nhiên là trong khuôn khổ công tác đoàn hay việc học. Anh có vẻ thích và luôn khen tôi có tinh thần học hỏi và cầu tiến. Tan lớp, anh bảo tôi ghi số điện thoại và địa chỉ của anh, phòng khi tôi cần anh giúp đỡ hay tư vấn điều gì. Tôi vô cùng sung sướng bởi trước giờ có ai khen và động viên mình chu đáo thế đâu, hơn nữa anh còn là cán bộ đoàn cấp trên của tôi.
Mải say sưa chuyện trò nên chúng tôi quên mất là trời đã mưa. Mưa giữa mùa không lớn lắm nhưng dai dẳng lê thê khiến người ta buồn dạ. Còn tôi và anh đang vui chứ chẳng buồn chút nào. Anh ân cần hỏi tôi về chuyện học hành, về gia cảnh cũng như những dự định tương lai của mình...
- Được như anh là em thỏa nguyện lắm rồi - tôi nói.
- Em không thích nghề giáo ư... Đất nước đang cần...
- Đến khi em tốt nghiệp, liệu người ta còn cần không?
- Cần chứ em, tre già măng mọc, phải có người kế thừa chứ.
- Hi hi... Học trò bướng, chắc em “uýnh” quá.
- Ha ha... Em rất cá tính.
* * *
Ra trường, tôi lên thành phố nhận việc. Tuy xa nhà nhưng có anh luôn động viên, săn sóc, hơn nữa thu nhập cũng khá nên tôi nhanh chóng quên đi cái chất nhà quê của mình lúc nào không hay. Thích thì nấu cơm ăn, không thì ra hàng quán, cà phê... mà chẳng xài hết nửa tiền lương. Tôi còn tiệc tùng thường xuyên bởi nghề nghiệp mà, nhưng ít khi say bởi tôi biết cách từ chối lời mời của ai đó mà không làm cho họ khó chịu. Còn khi đã say rồi thì vật vã bên gối chăn lạnh toát, lúc đó tôi thấy mình cô đơn, buồn chán làm sao. Tôi nhớ mẹ, nhớ người thân, thương mình thân gái dặm trường. Tôi khóc. Những lúc như thế, tôi thường xin phép anh về quê thăm mẹ đôi bữa, và anh luôn vui vẻ gật đầu.
Mấy năm xa nhà, quê tôi giờ cũng đã thay đổi. Điện, đường, trường lớp... mới toanh. Vai áo rách cũng hiếm gặp, duy chỉ mẹ và chị tôi vẫn chân lấm tay bùn.
- Mẹ à, cho người làng thuê mảnh ruộng tí tẹo của nhà mình đi, lên ở với con.
- Hử, mi nói chi?
- Lên ở với con.
- Mồ mả, hương khói cha mi ai lo?
- Mẹ ơi, chết là hết, cúng kính cũng chỉ là hình thức thôi, ăn thua là lòng mình...
- Mi nói thế mà nghe được à? Mi lo cho mi còn chưa xong nữa là...
Mẹ nhất quyết không xa làng, không xa kỷ niệm dù kỷ niệm của mẹ có sung sướng gì đâu. Làm dâu trong cảnh chồng đi biền biệt, một tay lo toan việc nhà, việc đồng, lại bụng mang dạ chửa nữa thì vất vả biết nhường nào. Không thuyết phục được mẹ, tôi đành rủ chị ra chợ xã mua sắm cho mẹ và chị vài món trang sức. Rồi tôi mua thêm ti vi, tủ lạnh, điện thoại để khi cần mẹ liên lạc cho thuận tiện. Đó là những thứ mà cách đây không lâu chỉ có trong mơ của người làng quê tôi.
Từ khi có điện thoại, mẹ tôi luôn chủ động gọi cho tôi dù chẳng có việc gì cấp thiết.
- Mai con đi công tác xa nhớ mang theo áo mưa nhé... kẻo cảm lạnh con à.
- Mẹ ơi là mẹ, con ngồi ô tô mà...
Mẹ im lặng nhưng không gác máy, tôi đành gác máy. Mẹ biết công việc của tôi làm hàng ngày bởi tôi thường tâm sự với mẹ.
- A lô, mẹ gọi hả - Tôi cằn nhằn, mới 4 giờ rưỡi sáng.
- Ờ mẹ đây... Dậy sửa soạn, ăn uống rồi đi công tác chứ con.
- Con tự lo được mà.
Tôi cúp máy cái rụp rồi ngủ tiếp. Lại điện thoại réo vang:
- Phương hả, xe đón sắp tới rồi đó, không để đợi lâu nhé.
- Dạ, sếp ạ.
Nghe điện thoại của sếp, tôi tỉnh cả người. Tôi chạy ào vào nhà tắm vệ sinh cá nhân rồi thay quần áo.
Chẳng kịp trang điểm nữa thì có thì giờ đâu mà ăn sáng hay nhâm nhi tách cà phê thơm.
Vừa ngồi lên xe, sếp phán một câu lạnh ngắt:
- Mặt mày em sao nhợt nhạt thế, đêm qua mê mải vào facebook tán gẫu chứ gì?
- Em mất ngủ. Gần sáng đang ngon giấc thì anh gọi.
- Thế ruột rỗng như ruột ô tô mất rồi...
- Không sao ạ.
- Thôi, trang điểm đi, tự nhiên như ruồi cho đường nét sắc sảo...
Tôi cười, thầm cảm ơn anh vui tính.
Nơi chúng tôi đến làm việc khá xa, ngồi xe phải mất vài ba tiếng nhưng rất dễ chịu bởi xe có điều hòa không khí và rất êm ái. Bỗng dưng anh bảo tài xế cho xe dừng gấp lại, anh ngoái đầu ra sau tìm kiếm gì đó:
- Lùi xe lại.
Thì ra là một người phụ nữ gầy gò đứng bên đường nón lá trên tay vẫy vẫy.
- Bà về đâu? - anh tài xế hỏi vọng ra.
- Cho tôi đi nhờ đến trạm cân xe liên tỉnh phía trước được không ạ.
- Lên xe đi bác - Anh ân cần.
Xe lại lao đi. Người phụ nữ như còn áy náy:
- Sáng nay cháu nhận việc tại trạm cân, nó gầy gò lắm, tôi sợ... cái xe to như cái nhà...
Anh bật cười không nín được, nhủ thầm: Tội nghiệp...
- Bác à, máy móc làm chuyện đó chứ con bác chắc chỉ đọc hoặc ghi hay xử lý vi phạm gì đó thôi. Không phải đút cân vào bánh xe như thời xa xưa đâu ạ.
- Tôi lo quá cậu ạ, suốt đêm qua tới giờ.
- Thế giờ bác tính sao?
- Còn tính gì nữa, thôi thì đến thăm nó luôn cậu ạ, với lại con gà tôi mang lên cho cháu tẩm bổ chắc cũng thích nước sôi rồi...
Anh cười thật tươi. Tôi không nghĩ là người phụ nữ này ăn nói hồn nhiên mà lại có duyên đến thế. Tôi nghĩ về tôi, về mẹ mình. Mẹ tôi cũng lo lắng và yêu tôi như thế, ăn nói cũng hồn nhiên như thế mà nào tôi có nhận ra. Đã vậy, không ít lần tôi còn nặng lời với mẹ. Giờ thì tôi mới thấy mình đã lạc mất phương hướng, huyễn hoặc về sự thành đạt của mình trong khi anh là sếp tôi thì hoàn toàn ngược lại. Anh hòa nhã, nhỏ nhẹ, thương yêu mọi người nhất là khi họ neo đơn, cơ nhỡ. Tôi len lén nhìn anh, mặt tôi đỏ bừng xấu hổ. May mà anh không nhận ra tôi là đứa con bất hiếu. Mắt tôi cay xè... Tôi quay mặt ra đường để giấu những giọt nước mắt.
Mẹ ơi... tha lỗi cho con mẹ nhé. Chị ơi, chị cũng tha lỗi cho em. Em ỷ lại là có chị, có tiền mà không làm tròn chữ hiếu. Khi mẹ bệnh đau cũng một tay chị chăm sóc thuốc thang. Chị vất vả, thua thiệt quá mà nào có than thở gì đâu. Chị ơi, em thương chị lắm...
Tôi muốn xin anh cho tôi về với mẹ ngay tức khắc để tôi sà vào lòng mẹ mà khóc cho thỏa thích nhưng tôi không dám. Tôi kính nể anh, tôi thương mẹ nhưng cũng không muốn làm cho anh khó xử bởi công việc. Tôi không thể lợi dụng lòng tốt của anh hoài, bởi tôi biết là tôi tha thiết xin thì anh sẽ gật đầu. Anh rất thương mẹ nên rất quý những ai biết thương cha mẹ, nhất là khi cha mẹ vất vả, tảo tần nhưng phải sống hẩm hiu.
Mẹ ơi... mai con sẽ về với mẹ. Anh khẽ lấy khăn tay ra đưa cho tôi nhưng không nói gì. Thì ra tôi đã khóc tự hồi nào mà chẳng hay.
Hương Lan