Mới cưới xong chưa được một tuần, vợ chồng chưa bén hơi, giờ phút chia tay bịn rịn không nói nên lời. Người vợ trẻ hai mắt đỏ hoe, muốn kéo anh vào lòng nhưng mắc cỡ, chị chỉ thì thầm vào tai anh: “Em chờ anh”.
* * *
Khoa Đăng tập kết ra Bắc. Sau một thời gian nghỉ dưỡng, học tập chính trị, đơn vị anh được điều lên một vùng trung du khai hoang mở đất, xây dựng nông trường mới. Cuộc sống của anh từ đó ngày Bắc, đêm Nam. Ban ngày, anh ra hiện trường quản lý một trung đội, lấy công việc làm vui, tối về anh trằn trọc không ngủ trọn giấc, hết nằm lại ngồi, rồi đi ra cửa đứng hóng gió. Trước sân, cây hoàng lan anh trồng mới trổ bông lứa đầu thơm dịu như mùi tóc chị thoảng vào, anh hít căng lồng ngực cho tỉnh táo rồi quay vào bàn đun nước pha trà, uống một mình. Nhìn cái bóng mình chập chờn trên vách nứa, anh cố hình dung lại bóng dáng chị ngày nào còn ở bên nhau. Nhớ cái giọng Huế nhẹ nhàng chậm rãi như thủ thỉ của chị, nhớ xao xuyến mùi da thịt trắng ngần, mềm mại, mỗi khi anh ôm ấp là run rẩy.
Cây hoàng lan ngày một lớn, bông nở trắng như mái tóc bạc của anh. Nhìn mãi cây hoàng lan, nhớ mãi bóng hình chị trong vô vọng thành quen, thế rồi đôi lúc anh lại lẫn sang bóng hình cô gái khác. Những lúc xao lòng ấy, anh nghĩ đàn bà có thì, chắc gì chị chờ anh...
Sau ngày thống nhất đất nước, anh chộn rộn muốn về thăm quê nhưng nghe tin ba má đã mất, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ anh lại mới sinh đứa con trai đầu lòng, anh ngập ngừng sợ về quê gặp lại vợ cũ, người mà anh chôn sâu kỷ niệm tận trong tim, không kể cho người vợ đang chung chăn gối với mình hiện nay biết. Anh thở dài, thôi chờ dịp khác. Nhưng rồi, vợ anh lại chủ động gói ghém đồ đạc, mua quà Bắc, chuẩn bị tiền bạc. Chị nói: anh cứ yên tâm, mẹ con em ngoài này có mấy dì lo, anh phải về thăm quê kẻo họ hàng trách, thắp hương cho mồ mả ông bà, ba má để tạ ơn, báo cho họ biết con trai một của họ đã có người nối dõi. Chị cười rạng rỡ mãn nguyện.
Ở quê, nghe bà con kể khi anh đi, người vợ trước của anh vò võ chờ đợi ngày hiệp thương thống nhất đất nước, mấy năm sau có chiến tranh loạn lạc chị mới theo người nhà vào Huế làm ăn, vẫn ở vậy chờ anh. Anh cay cay sống mũi, không nói nên lời, thế là mình có lỗi với cả hai người phụ nữ.
Gần ngày giáp Tết, cách chuyến về quê lần đó khoảng bảy năm, một hôm vợ anh nói hai bố con vào Huế tìm bà cả đi. “Sao em biết?”, anh giật mình hỏi. Chị trầm ngâm một lúc rồi nhẹ nhàng nói, sau chuyến đi trong ấy về, thấy tâm tính của anh thay đổi, linh tính của người phụ nữ đã mách bảo chị.
Anh và đứa con trai bảy tuổi đi xe đò vào Huế mất gần hai ngày. Sáng hôm sau, hai bố con thuê xe thồ lên tận nghĩa trang dưới chân núi Thiên Thai viếng mộ vợ cũ. Hôm đó có mưa phùn, vắng người đi thắp nhang, đường vào lầy lội, đứa con cứ nép vào anh kêu rét, bất chợt anh cũng run lên khi thấy cơn gió lạnh ùa qua nghĩa trang tuốt hết lá vàng của mấy cây hoàng lan xuống đất ào ào. Nhìn lên, thấy vài kẽ lá đã có mầm con mới nhú xanh non giữa nền trời xám, bất giác anh thở dài, ôm chặt con vào lòng.
Chị để lại cho anh một lá thư, một cuốn sổ tiết kiệm mang tên con trai anh và một va li bằng da, kỷ vật của anh để lại chị còn cất giữ. Trong thư, chị nói biết anh lành lặn trở về và đã lập gia đình, chị mừng thật lòng, nhiều lần muốn ra Bắc tìm thăm vợ chồng anh nhưng căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối. Chị hiểu và cảm thông tại sao anh không muốn tìm chị, và nói thêm, thời cuộc đẩy đưa, anh không có lỗi gì cả.
Anh nhẹ nhàng mở chiếc va li da cũ đã sờn mép, ổ khóa sét rỉ như lâu ngày chưa ai mở. Hai vợ chồng bàng hoàng một lúc, rồi vợ anh ôm mặt khóc nức nở, còn anh thì chết lặng không nói nên lời. Trong đó, ngoài mấy cuốn sổ ghi chép, có bộ áo quần bộ đội bạc màu của anh và áo dài gấm thêu hoa của chị mặc trong ngày cưới cách đây hơn ba mươi năm, giờ đã thành một lớp vải mủn theo thời gian.
Phúc Nguyên