Chòi canh nằm lút giữa màu xanh mênh mông của bãi bồi. Dưới ánh mặt trời, từng luống ngô non đang thì con gái, tươi mởn, ánh lên sắc ngọc, từng khóm lá bầu xanh thẫm, láng bóng đầy sức sống. Tinh mắt nhìn kỹ mới thấy những của bầu tròn mũm mĩm, im lìm trong cát, trong lá, như chơi trò trốn tìm. Tôi lom khom nhặt hoa đực vào cái giỏ xách đeo bên hông. Những bông hoa màu vàng ánh làm hoa cả mắt.
Một trăm, một trăm lẻ một, một trăm lẻ hai...
Hương ơi, chăm chỉ thế !
Tôi hơi giật mình, ngước lên, bắt gặp một đôi mắt nâu nâu, trong sáng, tinh nghịch của anh. Anh mặc chiếc áo xanh, màu xanh của lá bãi, đôi thùng tưới trĩu nặng trên vai lực điền của anh, nước sóng sánh rỏ giọt hai bên con đường cát...
- Hoa ra nhiều quá, hái mãi không hết anh ạ !
- Để anh hái giùm cho !
- Ồ ! Không được ! Em muốn tự mình, giọng tôi lãng nhách.
- Sao thế ?
- Em muốn tự tay vặt hết những bông hoa đực vô tích sự này...
- Em cho rằng, tất cả những bông hoa đực đều vô tích sự, đều đáng bị vặt bỏ đi cả sao ?
- Đúng thế ! Anh không thấy à ? Một cái hoa đực xuất hiện, nghĩa là đồng thời một quả bầu sẽ không xuất hiện – Tôi trả lời anh nhưng mắt vẫn chăm chú tìm kiếm những bông hoa đực.
- Này ! Em bướng bỉnh lắm ! Nếu không có những bông hoa đực thì cũng sẽ không có những quả bầu.
Tôi mỉm cười khoái chí, lấy làm dương dương tự đắc. Bao giờ tôi chẳng thắng cuộc. Kẻ đuối lý bao giờ cũng là kẻ thắng cuộc… Đó là câu chọc ngôn … cửa miệng của tôi.
Chợt đằng sau nổi lên tiếng cười khanh khách. Hai đứa con gái mắt lúng liếng chui ra từ lều cỏ. Trên đầu mỗi đứa đeo một vòng hoa vàng trông cứ y như vương miện công chúa.
- Hồng lúc lắc mái tóc làm duyên ;
- Đẹp không ?
- Tôi nghiêng ngó cười tinh quái:
- Ngộ nghĩnh... một cách ngỗ ngược.
Hồng hấp háy mắt :
- Biết hết rồi mà ! Chuyện chi mà cứ tranh luận hoài vậy ta... !?
Cái Loan hét vào tai tôi :
- Lẻ mãi rồi ! Tao khuyên mày nên chẵn đi ! Người ta thì cứ chờ đợi, cứ hy vọng hoài, mà mày thì cứ lẻ rồi lại lẻ, chán chết đi được.
Chợt Hồng nháy mắt làm hiệu cho Loan. Tôi chưa kịp đoán ra ý định của chúng, đã bị bọn chúng đẩy ngã sầm vào người anh. Cái giỏ hoa lăn mấy vòng liền trên cát. Hai thùng nước trên vai anh văng ra, bắn tung tóe. Hồng kéo Loan chạy thục mạng. Hai sắc áo màu tím hoa cà và màu vàng hoa cải tươi tắn, trẻ trung, thanh thoát, tung bay giữa nền xanh của lá trên bãi bồi ven sông. Hồng còn quay lại trêu chọc tôi:
- Ê...quả bầu tròn, sao không lăn theo đi ?
Tôi dậm chân xuống bãi cát hậm hực.
- Đồ ..quỷ ! Đùa thế ai chịu được.
Hai cái bóng xinh xinh, nhỏ bé đã trốn thoát sau rặng ngô non. Gió còn đưa lại những tiếng cười khúc khích, xen lẫn tiếng lá ngô xào xạc.
Tôi quay lại, thấy anh đang ngồi trên bó cây vừng khô, mái tóc bồng hất tung trong gió. Đôi thùng lăn lóc, nước tưới đẫm một khoảnh cát trắng. Tôi bắt gặp cái nhìn của anh đăm đắm, đượm buồn. Tôi vội cúi xuống lượm những đài hoa vàng vương vãi, bầm dập. Tôi tránh nhìn vào đôi mắt ấy.
- Hương à, thế là em đã quyết ?
Tôi gật đầu thay cho câu trả lời. Hết mùa hoa bầu nở. Anh thở dài hướng cái nhìn xa xăm ra nơi bến sông, nơi con đò ngang nằm im lìm dưới gốc đa râm mát. Bến Đầm mùa này nước không trong, bởi những cơn mưa đầu mùa.
- Anh sẽ cố gánh cạn nước sông để con đò không đưa em đi được nữa...
Anh nói, giọng đượm buồn. Người tôi nhói lên vì xúc động. Tôi cố ghìm nén nỗi lòng, giả vờ như không biết cái ý tứ xa xôi trong lời anh nói.
Tôi lấy giọng tinh nghịch chọc nghẹo anh.
- Tính lại đi, hỡi chàng hoàng tử ngủ trong rừng ! "Chuyện cổ tích vẫn chỉ là chuyện cổ tích". Dẫu anh có gánh hàng tỷ năm, kiếp này sang kiếp khác, thì nước bến Đầm vẫn đầy, đò bến Đầm vẫn qua... lãng mạn vừa thôi.
Hoa Bầu đã vơi dần. Nắng bỏng rát làm cháy nám từng khoảng lá rộng. Những sợi dây bầu trơ trọi trên nền cát, ngoằn ngoèo như rắn lượn. Một lượt bầu thui xuất hiện, những quả bầu còi cọc, xấu xí, chỉ nhỉnh hơn nắm tay. Tôi không nhặt hoa nữa, anh cũng không còn gánh nước tưới cây. Vẽ nốt những vòng vôi trắng quanh cuống những quả bầu già, treo cái giỏ đựng hoa bầu vàng lên cây cột bếp, tôi bước vào mùa thi....Rồi một ngày trở về, khi cánh đồng bãi bồi ven sông đã hoang vu, từng đám thân ngô bạc phếch nắng hạn. Người dân làng tôi vẫn còn chờ những cơn mưa lớn đầu mùa đổ xuống, mới làm đất gieo ngô, tỉa bầu vụ mới. Những đôi thùng gánh nước lại theo mùa rau gối vụ.
Ruộng rau muống già tung hàng vạn cánh hoa trăng trắng, tim tím rập rờn. Gió bãi bồi thổi lao xao mát rượi. Nắm bó dây buộc rau giắt bên hông đã vợi, tôi nhoài người lên cho đỡ mỏi lưng, bỗng từ trên đê cao, hai cái bóng màu tím hoa cà và màu vàng hoa cải nhảy loi choi như hề rạp xiếc, Loan và Hồng gọi tên tôi ầm ĩ. Hai đứa quỷ quái này lại sắp bày trò gì đây ! Mặc kệ chúng nó gọi, tôi lững thững lội qua rạch nước, ném bó dây lên bờ giậu, đứng khỏa chân trên tảng đá gần bờ. Anh cũng dừng tay xả nước ô roa luống cải.
Lúc ấy Loan kéo Hồng chạy lon ton trên cái bờ trơn nhẫy dẫn xuống ruộng rau. Tôi lè lưỡi trêu :
- Ê ! Đồ quỷ !
- Đồ quỷ này ! Hồng xô ùm tôi xuống vũng nước đục ngầu, rồi trượt chân ngã lao theo. Cả hai đứa ướt như chuột lột. Chưa kịp leo lên bờ để "dần" cho cái đồ quỷ sứ kia một trận nên thân, tôi bỗng bàng hoàng khi Loan vừa nhảy cẫng lên như trẻ nít, vừa hét toáng lên !
- Hương ơi, khao đi !Mày đậu đại học rồi !
Tôi không dám tin vào tai mình nữa, cứ đứng sững như trời trồng dưới nước. Cho đến khi Hồng kéo tôi lên bờ, còn loan thì dí sát vào mặt tôi tờ giấy báo, rồi ôm tôi quay mấy vòng, lúc đó tôi mới biết mình không mơ ngủ. Quên cả gánh rau muống chưa kịp sắp, ba đứa tíu tít kéo nhau về. Anh đứng lại, thẫn thờ, đánh rơi thùng tưới trên luống cải...
Dụi nốt mấy cây củi ngô vào đám tro bếp, Loan hấp tấp thò tay bắc cái nồi bỏng giãy ra ngoài.
- Ái chà ! Nóng quá mẹ ơi !
Thả vội cái nồi xuống nền đất, Loan hét toáng lên, hai tay tóm chặt lấy vành tai, xuýt xoa vì nóng. Đợi cho vết bỏng dịu dần, Loan mới khệ nệ bê nồi, còn Hồng thì lanh chanh xách cái mâm đồng, hai đứa vừa bước vừa làm điệu bộ theo tiếng mâm gõ bình boong. Tôi đang ôm chồng chén bát cũng phải lăn ra cười ngặt nghẽo, lại càng cười đến thắt ruột khi anh phát hiện 2 tai Loan còn nguyên dấu tích của mấy ngón tay nhọ nồi. Loan cười gượng gạo, 2 tai đỏ lựng như phải bỏng. Dứt trận cười, Hồng dọn chén bát ra mâm, khéo léo múc ra từng muỗng chè óng ánh sánh đặc. Bầu chín già, xắt từng miếng đỏ au, nếm thấy ngọt như đu đủ chín, nấu lẫn đậu xanh, đánh nhuyễn với đường cát trắng tinh, ăn mát lịm. Hồng trao tận tay tôi một bát chè màu vàng óng, thơm phức.
Hương à, dù mày có đi đâu thật xa, thì cũng đừng quên hương vị bát chè đặc sản của làng mình, đừng quên bãi đất bồi ven sông, cây đa bến nước, đừng quên tao nhé !
Gió thổi ngập tràn, xôn xao cánh bãi. Loan và Hồng ríu rít với những viễn cảnh tương lai: Nào là sau này tôi sẽ học xong đại học, sẽ là cử nhân đầu tiên của làng Bầu, sẽ làm "Bà lớn" đi xe hơi về làng, bấm còi bin bin từ đầu ngõ, và cả một lũ con nít tíu tít chạy theo sau...
Biết đâu, trong cái đám con nít đó, lại có một vài đứa là con của Loan và Hồng ?...Tôi phì cười. Anh ngồi lặng lẽ, buồn bã, xâu từng vòng hoa rau muống chẳng để làm gì. Gió bãi vẫn thổi mênh mông đến vô tình. Đột nhiên, lòng hồ hởi của tôi lắng xuống, một nỗi buồn len lỏi trong tâm hồn...
Ngày nhập trường, tôi đi, có Loan, Hồng và anh đưa tiễn. Nước bến Đầm rất lặng, mà lòng tôi cứ rộn lên một nỗi niềm khó tả. Niềm vui sướng được ra đi, chen lẫn với nỗi nhớ nhung cồn cào, da diết. Đôi mắt nâu đau đáu của anh...Tôi vội lảng tránh cái nhìn thăm thẳm đến nhói lòng. Loan và Hồng sụt sịt. Nước bến Đầm không mưa mà nhòa trắng...
Nhà đò đã bắc ván. Anh nắm tay tôi vội vàng, nghẹn giọng :
- Em nói đúng, anh không đủ sức mạnh thần kỳ để gánh cạn nước sông... Thôi, em đi thượng lộ bình an, gặt hái nhiều thành công và tìm được hạnh phúc đích thực của đời mình...
Anh ...Anh trai của em... Tôi chỉ kịp nói thế.
Người chèo đò đổi bến. Sóng khua lọc bọc đẩy nhanh con đò ra giữa dòng. Ba màu áo thân thương xa dần, màu tím hoa cà của Loan, màu vàng hoa cải của Hồng và màu áo xanh sẫm đồng sắc với màu lá bãi của anh quyện vào nhau, xa dần, xa dần....Ba sắc áo in sâu vào tâm trí tôi, vạch vào tim tôi ba vết xước kỷ niệm.
Lần về Tết đầu tiên, tôi không gặp anh. Anh đã đi làm ăn xa. Đêm nằm bên tôi, cái Loan thầm thì: "Thương anh ấy lắm, buồn đến mấy tháng, rồi đi, đi như là trốn chạy". Hồng trách tôi: "Mày ác lắm Hương ơi ! Để người ta đau khổ quá nhiều".
- Tao không có lỗi, ai bảo người ta thương ! – Tôi thở dài, úp mặt vào gối, lòng rối bời... Một vết xước trong tim tôi đau nhói.
Lần ấy, tôi theo Loan và Hồng trong những ngày hội làng. Hai đứa càng ngày càng xinh đẹp ra. Bây giờ, chúng nó có thêm nhiều màu áo mới. Nhiều cặp trai làng đắm đuối nhìn theo... Ngày xuân bến Đầm nhộn nhịp khách sang đò, con trai con gái đưa nhau dập dìu qua bến. Loan và Hồng ngượng ngùng đỏ mặt với đám trai làng, với cả khách bên sông. Còn tôi thấy buồn.
Bến Đầm giờ đã không còn như xưa nữa. Bậc lên xuống bị đào bới, xẻ ngang, xẻ dọc, ngổn ngang những vật liệu của những công trình xây dựng. Bác lái đò than vãn: "Tôi sắp thất nghiệp rồi cô ạ !"
Lâu lắm, tôi không về quê. Cho đến một hôm, tôi run run bóc lá thư nhà... Ba chiếc thiệp Hồng xinh xắn : Loan, Hồng và anh !...tôi bàng hoàng sửng sốt, rồi khóc vì bất ngờ, xúc động. Ngay chiều hôm ấy, tôi ra ga tàu, về làng Bầu quen thuộc. Tôi cần phải có mặt để têm trầu cưới cho Loan, cho Hồng và cho anh. Trầu cánh phượng, mẹ tôi dạy tôi têm trầu khéo hơn tất cả con gái làng. Loan theo người bên kia bến Đầm, Hồng thì "Trâu ta ăn cỏ đồng ta" làm bạn với một trai làng. Còn anh, số phận dẫn dắt cho một người con gái miền xa, nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng, không xinh đẹp nhưng có duyên ngầm. Bàn tay người con gái ấy không quen hái hoa bầu vàng, nhưng lại vô cùng khéo léo trên máy may. Mẹ tôi ăn ba miếng trầu cưới, gật gù khen màu trầu tươi đỏ, khen con gái mình khéo tay têm trầu. Tôi say trầu cánh phượng mặt đỏ hồng hào, người lâng lâng như đi trên mây...
Mấy ngày lấn bấn, bận rộn với ba lễ tơ hồng, đã đến lúc tôi phải chia tay những cặp uyên ương, trở về trường đại học để tiếp tục sự nghiệp “dùi mài kinh sử” của mình. Lần này tôi đi, Bến Đầm vẫn còn tên gọi, nhưng con đò xưa đâu còn nữa. Một chiếc cầu hùng vĩ vươn mình soi bóng xuống dòng sông xanh - Có cầu mới, người làng Bầu hôm nay, không chỉ gánh bầu lên bán ở phố chợ, mà đã từng đoàn kĩu kịt vượt cầu sang chợ thôn Đông, thôn Đoài, bán được giá hơn. Tiễn tôi đi, giờ không chỉ là ba, mà là sáu. Họ lần lượt nắm lấy tay tôi, hẹn tới mùa ngô phun râu nâu đỏ thì nhớ về ăn ngô luộc và sẽ bồng cả "những thằng cu tý" nữa. Bước chân lên cầu, tôi bỡ ngỡ gặp Bác chèo đò năm xưa, đeo băng đỏ trên cánh tay, nay Bác đã là bảo vệ cầu mới. Bác cười vui vẻ: "Tôi bán đò cho hàng chài đánh cá rồi cô ạ !"
Vĩnh biệt con đò ! Tôi mạnh dạn bước chân trên những nhịp cầu mới xây, lòng tràn ngập niềm vui. Tôi đã không còn phải nhức nhối bởi một vết xước kỷ niệm trong tim mình. Đứng giữa cầu lộng gió, tôi nhìn rất rõ sáu người bạn của tôi. Nhìn rất rõ chiếc khăn quàng hồng tươi của chị phấp phới tung bay trong nắng vàng rực rỡ – Người con gái của một miền quê lạ đã về làm dâu làng tôi. Tôi thầm cảm ơn chị, người phụ nữ vừa kịp đến sau tôi. Đây là sự tiếp nối ngẫu nhiên hay là định mệnh ?! Tôi tự ngắm lại mình và nhìn về bãi đất bồi ven sông.... Những bông hoa vàng tươi rói, lung linh và vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi như mới hôm nào...
Mai Hương