banner 728x90

Truyện ngắn: Giữa dòng sông sớm

30/06/2024 Lượt xem: 2436

Hạnh không ngờ rồi có một đêm mình lại thức trắng như thế này. Mới hơn tám giờ tối đã lên giường, lấy cớ mình bị mệt, chị bắt đứa con gái mới  tám tuổi cùng đi ngủ sớm nhưng đến khi con bé đã say giấc, chị vẫn chưa tài nào chợp mắt được. Hết trở người về phía bên này lại sang phía bên kia nhưng vô ích, người chị cứ vừa được tắm nước nóng xong, tỉnh táo đến kỳ lạ. Nhiều lần Hạnh tự nhủ “ngủ thôi” song khi chị nhắm mắt thì khuôn mặt Khánh bỗng hiện ra, kéo theo sự bực bội. Hạnh biết rõ là do đâu mình lại rơi vào tình trạng này. Không phải đợi đến bây giờ mà từ chiều lòng chị đã nặng trĩu khi bé Trà từ bãi cát ngoài sông chạy về với vẻ mặt hăm hở, khoe:

- Mẹ ơi! Bác Khánh sắp cưới vợ rồi! Có một cô đẹp lắm đang ở lại trong nhà bác ấy và mấy đứa chúng nó bảo đó là vợ sắp cưới của bác Khánh.

Đang lui hui cắt rau sau vườn để nấu cho heo, thoạt đầu, Hạnh không chú ý đến điều con gái vừa nói là mấy nhưng sau đó bỗng dưng chị thấy có cái gì đó hụt hẫng. Hạnh làm mọi việc một cách vội vàng và rồi một lát sau, không kìm được tò mò chị liền bưng rổ đi về phía bờ sông. Chị cố tình đi thật chậm trên con đường nhỏ bên cạnh nhà Khánh. Ngôi nhà này đã quá quen thuộc với chị, từ cái hàng rào bằng những cây keo lưa thưa đến những tấm phên tre được trát bằng phân trâu lâu ngày đã bạt màu, trắng mốc. Có ngày nào ra sông mà Hạnh không đi ngang qua đây nhưng lần này… Đúng như bọn nhỏ nói rồi! Lòng chị bỗng nhói đau, vì trên cái dây phơi bắt từ hiên nhà qua cây đào lộn hột già cỗi, có một bộ quần áo phụ nữa đang phơi… Xưa nay, chưa bao giờ Hạnh thấy có một bộ đồ phụ nữ như thế phơi trong sân nhà Khánh. Chưa hết, chạng vạng, Hạnh lại giả vờ ra bên sông lần nữa. Lúc này, khách qua đò đã hết, con thuyền nhỏ đang neo bên bờ cát, còn trong sân nhà mình, Khánh đang ngồi trên chiếc ghế gỗ cùng với một phụ nữ tóc xõa ngang lưng.

Như vậy là bọn nhỏ không nói sai! Bữa cơm tối với Hạnh trở nên nhạt nhẽo. Từ lúc ấy, chuyện Khánh sắp lấy vợ cứ bám riết trong tâm trí Hạnh

Khuya. Trăng ngoài kia lên cao, qua khung cửa sổ, Hạnh nhìn thấy những ánh vàng chảy tràn trên những tàu lá chuối ở đầu sân. Đêm vắng lạ lùng, chỉ có tiếng dế gáy ri ri đâu đó và thỉnh thoảng có tiếng của một chú vạc ăn đêm, thả xuống những tiếng kêu đơn điệu, thưa thớt. Chưa bao giờ Hạnh cảm thấy ngôi nhà nhỏ bé của mình lại trống vắng như lúc này. Cái tin Khánh sẽ cưới vợ đến với Hạnh quá đột ngột. Họ vốn là người cùng làng, từ nhỏ đã quen biết nhau, cùng học chung một trường ở xã. Khánh lớn hơn Hạnh hai tuổi, là bạn và cũng là người học cùng lớp với Thiên – chồng Hạnh.

Quê nghèo, nên khi học xong cấp hai, như nhiều bạn gái, Hạnh phải ở nhà làm lụng, giúp đỡ gia đình, chỉ có Thiên, Khánh và nhiều đứa con trai khác thì được cha mẹ chu cấp lên trường huyện học tiếp. Tốt nghiệp cấp ba, cả hai không đỗ đại học, Khánh vào trung cấp rồi làm việc trong ngành kiểm lâm, còn Thiên trở về quê. Tình yêu nãy nở và mấy năm sau thì Thiên và Hạnh cưới nhau.

Một nong tằm là năm nong kén... Vừa tham gia công tác ở xã, Thiên vừa cùng vợ chăm chút làm ăn với nghề trồng dâu nuôi tằm. Một ngôi nhà nhỏ mái tôn vách ván được dựng lên để đôi vợ chồng trẻ ra riêng, và mấy năm sau thì bé Trà chào đời. Nhưng thật oái oăm , khi bé Trà lên ba thì vì một cơn bệnh hiểm nghèo, Thiên đã ra đi để lại mẹ con Hạnh trong cảnh buồn đau. Hạnh gạt nước mắt, quạnh quẽ nuôi con. Rất nhiều lần, Hạnh nghĩ mình sẽ  không đi bước nữa. Chị không muốn san sẻ tình cảm của mình cho ai ngoài đứa con gái mà chị rất mức yêu thương. Song thời gian trôi đi, khi Hạnh vừa mãn tang chồng thì Khánh trở về quê. Trong một trận đánh nhau với bọn lâm tặc, chẳng may Khánh  bị thương, dập hết một chân, phải cưa gần đến gối. Lúc này, cha mẹ Khánh cũng đã già yếu, qua đời. Không thể sống chung cùng anh em, Khánh mua lại một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông, ngay trên con dốc dẫn xuống bến đò và anh được xã tạo điều kiện, phân cho việc đưa đò để sinh sống, thay chỗ cho ông cụ Toản đã già.

Vốn là bạn của Thiên, lại chưa có gia đình nên Khánh rất thương bé Trà. Nhiều lúc, khi đò không có khách sang sông, con bé hay ra bãi cát để chơi với Khánh. Có khi hai bác cháu chèo đò qua bến bên kia rồi cùng quay lại…

Trong làng có người bạn gái trạc tuổi Hạnh bảo chị : “ Hình như anh chàng Khánh thương mày” . “ Nói bậy” – Hạnh đáp rồi lắc đầu nguây nguẩy, lơ đi, coi như mình không chú ý. Thực ra, từ lâu, Hạnh đã nhận ra những tình cảm khác thường của Khánh đối với chị. Chỉ với ánh mắt của Khánh trong những lần chị đi đò qua sông đã mách bảo với chị tất cả. Tuy nhiên, Hạnh luôn luôn như một kẻ vô tình, không biết chuyện gì diễn ra, dù rằng đôi lần Khánh  đã nói bóng gió khi trên chuyến đò chỉ có  mình chị là khách . Thế rồi cách đây năm tháng, vào một buổi tối, khi bé Trà sang chơi ở nhà hàng xóm thì Khánh đến. Họ ngồi đối diện bên chiếc bàn gỗ, nói đủ thứ chuyện trong làng, ngoài xóm, cuối cùng trong trạng thái bối rối đến ngượng nghịu, Khánh đã nắm tay Hạnh và ngõ lời muốn cưới chị làm vợ, muốn cùng chị chăm sóc bé Trà. “ Chúng mình chỉ là anh em thôi” – Vì bất ngờ và không tránh được lúng túng, Hạnh rút vội tay mình trả lời rồi giục anh về.

Không phải Hạnh không quí Khánh. Anh là người hiền lành , chất phác. Tình cảm anh dành cho chị rất chân thành. Hạnh cũng quý anh, nhưng đi bước nữa là chuyện chị chưa hề chuẩn bị. Vào mùa nuôi tằm hầu như lúc nào chị cũng bận rộn. Vả lại, chị muốn chờ cho bé Trà lớn khôn thêm. Sau lần ngõ lời không thành công, mỗi khi gặp nhau, Hạnh thấy Khánh buồn hẳn. Vốn là người ít nói, giờ anh chàng càng ít nói hơn. Hạnh động lòng, và đêm đêm chị bắt đầu nghĩ về anh. Tại sao lại không ? Chị tự hỏi và bắt đầu nhóm lên niềm hy vọng … Nhưng bây giờ, niềm hy vọng chỉ mình chị biết ấy đã vỡ vụn rồi.

Càng nghĩ mông lung, Hạnh càng thấy mệt mỏi. Hạnh cố nghĩ lan sang những chuyện khác nhưng chỉ phút chốc tất cả những gì có liên quan đến Khánh cứ liên tục trải ra trước mắt chị.

Ngoài kia trăng vẫn sáng. Càng về sáng ánh trăng dường như càng vàng hơn. Không chịu nỗi sự dày vò của tâm trí, Hạnh mở cửa bước ra hàng hiên, thở dài nhưng sau đó lại quay vào nằm thừ người, bất lực.

Có tiếng gà gáy thưa thớt từ xa vọng tới rồi chẳng mấy chốc cả làng trên, xóm dưới tiếng gà liên tiếp trỗi lên rộn rã. Trời sáng dần. Ở đầu sân có tiếng chim chèo bẻo kêu, sau đó có tiếng chim chìa vôi ríu rít ở cuối vườn. Bực bội. Mệt mỏi. Nhưng nằm thêm một lát trên giường, khi trời sắp sáng hẳn, Hạnh liền ngồi bật dậy bởi một quyết định táo tợn vừa xuất hiện. Chị muốn sớm được xem Khánh, người mà chỉ mấy tháng trước đã nỉ non ngỏ lời yêu chị giờ đây ra sao. Để không làm thức giấc đứa con gái, Hạnh nhẹ nhàng ra sân rửa mặt rồi vội vã lấy chiếc nón lá và cầm chiếc rỗ không, bươn bả ra đường.

Lần theo con đường đất quen thuộc còn mờ mờ bóng đêm và đẫm hơi sương, Hạnh tiến về phía bờ sông. Đến gần nhà Khánh, Hạnh dừng lại, do dự một lát nhưng cuối cùng chị đã gọi cửa.

- Anh Khánh ơi! Làm ơn cho tôi qua sông một chút!

- Ai đó? Có tiếng hỏi và khi mở cửa, nhận ra Hạnh, Khánh hỏi với vẻ đầy ngạc nhiên - Hạnh hả? Qua sông làm gì sớm thế?

- Nhà có việc – Chị đáp gọn lỏn - Anh có thể đưa tôi sang sông được không?

- Được chứ, được chứ… Vồn vả trả lời và rồi với vẻ còn ngái ngủ, Khánh bước theo Hạnh ra bến. Đến mép nước, anh cúi xuống, vục nước vào hai lòng bàn tay để rửa mặt, sau đó đẩy thuyền ra khỏi bờ.

Mặt con sông Cái vào lúc tinh mơ phủ đầy những lớp hơi mờ mờ, xám đục trông rất huyền ảo.

- Em có việc gì mà qua sông sớm vậy ?- Khánh cất tiếng hỏi khi con đò nhỏ đã ra giữa giòng.

- Có việc thì mới đi! - Ngồi ở đầu thuyền, Hạnh cố tình đáp với giọng khó chịu. Nhưng không thấy Khánh hỏi gì thêm, chỉ có tiếng mái chèo khua lạch cạch bên mạng thuyền, điều đó càng làm cho Hạnh khó chịu thêm. Chị nói tiếp với giọng dịu dàng nhưng đầy xoi mói – Có việc cần nên nhờ anh hơi sớm. Thật bất tiện khi làm anh phải bỏ chị ấy nằm một mình trong nhà.

Mái chèo trên tay Khánh như chùng lại:

- Ồ, Hạnh nói gì thế? Bỏ chị ấy nào?

- Thôi, có gì mà phải giấu – Hạnh nói – Chẳng phải anh sắp cưới vợ và người đàn bà ấy đang ngủ lại trong nhà anh đó sao?

- A! Khánh ra vẻ ngạc nhiên sau đó cười – Đó là chị Hiền, chị họ của anh, mới ở thành phố về thăm. Tối hôm qua chơi ở nhà anh, sau đó chị đã vào Xóm Gò thăm bà dì.

- Thế à ! Bây giờ thì Hạnh bối rối hẳn. Người Hạnh bỗng chốc nhẹ nhõm và trong cơn xúc động không kìm chế được, chị bất ngờ đưa hai tay bưng mặt khóc òa, rồi chị bảo Khánh với giọng không còn chút bĩnh tĩnh – Thôi… anh quay thuyền lại… cho tôi về…

Khánh chẳng hiểu vì sao Hạnh lại xúc động đến vậy.

- Em làm sao thế? - Anh hỏi mấy lần nhưng Hạnh vẫn ôm mặt khóc. Lúng túng vì không rõ chuyện gì đã xảy ra, Khánh liền vứt cây dằm vào lòng thuyền, bước đến với Hạnh. Anh đặt tay lên vai Hạnh, vừa lắc vừa hỏi  - Nào, chuyện gì đã xảy ra? Thôi, đừng khóc nữa, nào…

Hạnh vẫn không trả lời. Chị khóc to hơn và bất ngờ ôm chặt lấy Khánh, gục đầu vào ngực anh, thổn thức.

- Nào? Có chuyện gì?

Khánh lại hỏi nhưng Hạnh lắc đầu. Những giọt nước mắt nóng ấm của Hạnh thấm vào ngực áo Khánh làm anh thêm bối rối, không hỏi nữa. Một lát sau, anh khẽ khàng đưa tay ôm chặt lấy chị. Anh không dám thở mạnh trước mùi hương tóc dìu dịu, mênh mang.

Chiếc thuyền nhỏ chẳng có người lái hơi tròng trành, sau đó, cứ thế lửng lờ giữa dòng sông sớm. Trên cao, một đám mây nhỏ bay ngang qua, tạo nên cơn mưa nhỏ, lất phất, và bên kia sông, hình như có người đi chợ sớm, cất tiếng gọi: Đò ơi!

Tiếng gọi lan dài trên mặt sông.

Thu Hương

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top