Bệnh viện. Lúc 11 giờ 30 trưa.
- Người phụ nữ vừa đi tên là gì vậy? Cô cho tôi xem giấy xét nghiệm của bà ấy.
Những thông tin trên tờ giấy làm bác sĩ Thành sửng sốt. Thảo nào! Anh ngoái đầu nhìn lại, nhưng không thấy dáng người trùm khăn đâu cả.
Trở lại khoa, bác sĩ Thành gặp bác sĩ Khánh trong phòng trực bước ra. Anh kéo Khánh vào lại trong phòng.
- Khánh! Chúng ta gặp lại cô rồi! Gặp lại ân nhân rồi!
- Cô nào? Ai ân nhân?... Cậu nói gì vậy? - Khánh hỏi lại.
- Cô Đậu! Cô hiệu trưởng ở ngoài quê. Người đã giúp chúng ta có gạo ăn hồi học phổ thông. Cậu quên rồi sao?
- Cô hiệu trưởng nào ngoài quê? Giúp ai có gạo ăn?... À! Tôi nhớ ra rồi. Người mà miệng nói thì cao đạo nhưng lòng dạ lại lạnh băng trước nỗi đau của người khác ấy à! Mà tôi có nhận gạo gì đâu?!
Thành nhìn bạn từ đầu xuống chân, giọng cố nén trong cơn giận vừa bùng lên:
- Cậu dám nói về cô giáo của mình như thế hả?!...Đồ ăn cháo đá bát!...Ai đã đề nghị cấp học bổng cho cậu hồi học cấp hai? Ai đã tự mình đi xin trường cấp ba miễn học phí cho cậu? Cậu tưởng chỉ mình cậu là học sinh giỏi nên được ưu tiên thế hả? Ai đã đi mòn lốp xe để xin phòng thương binh xã hội bán hỗ trợ cho cậu mười lăm ký gạo mỗi tháng để ăn học. Chính là cô hiệu trưởng của chúng ta! Cô Đậu! Người đã dành cả đời mình cho học sinh, bây giờ đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, đang ở trong bệnh viện này, và chắc sẽ khổ sở vì sự vô ơn của một đứa học trò bạc nghĩa là cậu.
Khánh quá đỗi ngỡ ngàng vì lời bạn nói, ngỡ ngàng vì sự giận dữ của bạn. Anh đặt tay lên vai bạn, lay gọi:
- Thành! Có thật vậy không?...Trời ơi! Vậy mà tôi có biết gì đâu. Bấy lâu nay, thay vì biết ơn, tôi đã đem lòng oán cô… Tại sao cậu biết được những điều đó mà tôi không biết tí gì?
Thành nhìn Khánh đăm đăm rồi đáp:
- Thôi, bây giờ mình phải giúp cô. Mình về trước đây. Cậu đáng bị mắng như thế lắm.
Bạn đi rồi, Khánh thấy lòng chông chênh. Anh nhắm mắt lại, những năm tháng xa xưa làm lòng anh xốn xang…
Ngôi nhà nhỏ lợp tôn gỉ sét nằm giữa gò đất quanh năm trồng khoai mì. Cậu bé Khánh ngồi xem bà nội nấu cơm. Khánh vòng tay ôm ngang lưng bà, nói: “Nội ơi! Cháu vừa thi đậu học sinh giỏi huyện. Nội thưởng cho cháu đi”. “Cháu muốn thưởng gì nào? Củ mì gòn hay khoai lang khô hầm đường với đậu đen?”. “Không! Cháu muốn ăn thịt. Lâu quá rồi cháu chưa được ăn thịt”. “Ăn thịt…ừ…ăn thịt”. Miệng bà lẩm bẩm, tay bà sờ qua nồi cơm độn khoai lang vừa cạn. Rồi bà ôm đầu Khánh ép sát vào ngực, tay vỗ vỗ, xoa xoa vai Khánh, nói nghèn nghẹn: “Ăn thịt…Lâu quá nội chưa mua thịt cho cháu ăn”.
Khánh hít lấy mùi quen thuộc của bà. Cái mùi thơm nồng của cổ trầu và mồ hôi. Cái mùi Khánh đã quen từ khi chập chững những bước đi đầu tiên đến giờ. Trong ký ức tuổi thơ của mình, Khánh chỉ biết một mình bà nội hôm sớm trong nhà. Khi hiểu được nghĩa của hai tiếng cha mẹ, Khánh biết chỉ trong một năm mình phải gánh chịu hai cái tang lớn. Cha thoát ly kháng chiến, hy sinh ở núi Hòn Hèo. Mẹ nhớ thương cha ngã bệnh qua đời khi Khánh chưa tròn năm tuổi. Bà nội trở thành cha mẹ, thành bảo mẫu cho đứa cháu mồ côi. Lưng bà thêm còng, tóc bà thêm bạc theo đà lớn lên của Khánh…
Khánh băng ngang qua đồng ruộng về nhà trong tâm trạng buồn bực. Bà nội bệnh, đã uống nhiều loại thuốc mà chưa bớt. Vậy mà chiều nay, khi lên văn phòng xin thuốc đau bụng, Khánh tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của cô giáo chủ nhiệm và cô hiệu trưởng: “Khánh là học sinh giỏi toàn diện từ lớp một đến lớp tám. Năm ngoái Khánh là một trong hai học sinh giỏi cấp huyện của trường ta. Trong kỳ thi học kỳ I này, Khánh chỉ đạt điểm bảy môn toán. Ngoài một câu hỏi để trống còn một lời giải sai một cách bất thường. Em đã tìm hiểu và biết được do bà nội bệnh nên đã ảnh hưởng đến việc thi của Khánh. Em mong cô xét lại kẻo tội nghiệp cho Khánh sẽ không đạt được danh hiệu học sinh giỏi cuối năm”. “Cô Liên có lòng thương học sinh, tôi rất mừng. Nhưng điều cô xin thì không thể được. Bây giờ chúng ta điều chỉnh, dù là đặc cách cho thi lại cũng làm em Khánh nhìn nhận không hay về thầy cô. Vả lại, việc thi cử phải công bằng với tất cả học sinh. Các em phải tự nỗ lực vươn lên dù bất cứ hoàn cảnh nào. Gia cảnh em Khánh, tôi đã biết rõ. Để động viên Khánh học tập tốt, tôi đã có kế hoạch giúp đỡ nhưng không phải bằng cách như cô vừa trình bày”…
Rồi một niềm vui bất ngờ đến với Khánh khi được nhà nước bán hỗ trợ mỗi tháng 15 ký gạo cho đến hết năm mười tám tuổi. Cuối cùng là Khánh được xét tuyển thẳng vào cấp ba không qua thi chuyển cấp bởi thành tích học tập các năm qua.
Niềm vui quá lớn với một học sinh nhưng sao Khánh vẫn thấy thiếu vắng. Và Khánh hiểu đó chính là bà nội. Niềm vui hay nỗi buồn của Khánh đã không còn bà để san sẻ. Bà nội đã mất!...Bà ra đi để lại đứa cháu côi cút phải tự lo toan mọi thứ cho sự sống và việc học. Chỉ có tình bạn khỏa lấp đi phần nào nỗi trống vắng cô đơn. Thành, người bạn thân thiết cùng đến học với Khánh đêm đêm suốt ba năm cấp ba…
* * *
Bác sĩ Khánh ngồi bật dậy với một quyết định dứt khoát. Anh phải làm một điều gì đó cho cô hiệu trưởng…Bữa cơm trưa nay, bác sĩ Khánh ăn lâu hơn thường lệ. Hình ảnh cô hiệu trưởng ngày xưa cứ chờn vờn trong đầu anh với nỗi day dứt, ân hận. Chén cơm trưa nay gợi nhớ những hạt gạo ân tình gần ba mươi năm về trước…
Phúc Nguyên