Chiếc xe đò lắc lư, mệt mỏi leo lên khỏi con dốc Mò O thì chết máy hẳn. Nắng trưa tháng Tư ở miền sơn cước như trút lửa. Không một chút gió. Người phụ xe kéo vạt áo lên, lau vội những giọt mồ hôi trên trán, rồi chồm người vô sàn xe lấy mớ đồ nghề cũ kỹ, chui xuống gầm cặm cụi sửa. Tuấn thở dài mệt mỏi nhìn xuống chân dốc, buông một câu như trách móc: “Kiểu này biết chừng nào về tới nơi”. Từ đây về phố huyện còn hơn hai chục cây số, đường dốc quanh co, mấy người phụ nữ đi buôn chuyến chỉ về tới đó, còn Tuấn thì phải ngồi xe ôm lóc cóc đường rừng thêm cả chục cây số nữa mới vô đến vùng đệm của khu rừng Krông Hinh. Con cá thu tươi rói mua từ thành phố đã được ướp muối, nhưng Tuấn vẫn lo về tới lán trại của đội khảo sát lâm sinh sẽ bị ươn. Hơn hai tháng rồi, anh cùng bốn đồng nghiệp đều là những kỷ sư trẻ, khoác ba lô mải miết lặn lội trong những cánh rừng già, nghiên cứu một số loài động thực vật đang tồn tại ở đó. Ngoài tư trang cá nhân và một số phương tiện tác nghiệp, cả nhóm chỉ mang theo gạo, mì tôm, cá khô và một ít thuốc men cần thiết. Lần này Tuấn được về phố, mang lên con cá biển cho các đồng nghiệp thưởng thức một bữa tươi ra trò. Tiếc vì cảnh xe cộ ì ạch.
Nhìn người phụ xế và lái xe lưng áo đẫm mồ hôi, tay chân lấm lem dầu mỡ, gương mặt nhăn nhó, Tuấn đoán việc khắc phục sự cố kỹ thuật phải chậm trễ, có khi đến xế chiều mới xong. Ngồi tựa lưng bên gốc cây muồng trâu, Tuấn chờ đợi trong trạng thái mệt mỏi. Lâu lắm mới có tiếng xe máy bò lên dốc, Tuấn chồm dậy hy vọng tìm thấy một tay xe ôm nào đó, hay chí ít một người đi về phố huyện để vẫy tay xin theo, nhưng khi chiếc xe máy ló dạng trên đỉnh dốc, Tuấn mới thấy mình chưng hửng, đường rừng vắng vẻ mấy ai đi một mình.
Tuấn lôi từ trong ba lô ra tờ Văn Nghệ Trẻ do thằng bạn cùng khóa vừa gửi tặng, rồi lật tìm bút ký “Một ngày ở vườn quốc gia Yok Đon”. Anh đọc ngấu nghiến: ...Tổng diện tích Vườn quốc gia Yok Đon đã tăng lên 115.544ha. Đây là khu vực duy nhất ở Việt Nam cùng tồn tại đồng thời nhiều hệ sinh thái rừng khác nhau trên một phạm vi rộng lớn, là nơi phân bố của nhiều loài thú quý hiếm với số lượng lớn và tập trung. Vườn quốc gia Yok Đon được tổ chức UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) chọn để triển khai dự án PARC nhằm bảo vệ các khu rừng khoọp tại Việt Nam. Đây là nơi trú ngụ của một số loài nguy cấp mang tình toàn cầu như bò xám, mang lớn, nai cà tong, bò rừng, voi châu Á, hổ, sói đỏ, voọc vá...
Ấy là chuyện ở Vườn quốc gia Yok Đon đã hình thành bề thế từ lâu, còn Tuấn và các đồng nghiệp đang bám rừng Krông Hinh hoang vu, gai góc, đầy hiểm nguy và có cả lực cản từ phía gia đình, người thân.
* * *
Tuấn là con trai của một gia đình công chức ở thành phố. Bố làm cán bộ, mẹ làm nghề giáo, cô em gái vừa tốt nghiệp Đại học An ninh, được bố trí công tác ở cơ quan an ninh điều tra của tỉnh hẳn hoi. Còn Tuấn, sau khi tốt nghiệp khoa Lâm sinh Trường Đại học Tây Nguyên, anh có đủ điều kiện tìm việc làm nhẹ nhàng ở thành phố nhưng anh lại ôm hồ sơ đến Viện Nghiên cứu lâm sinh, xin về đội khảo sát hệ động thực vật trong những cánh rừng già mênh mông. Ông Viễn - bố anh đi họp từ Hà Nội về, nghe chuyện, vội vã can khuyên. Bà Thủy - mẹ anh - khóc như mưa: “Con điên rồ, lú lẫn rồi Tuấn ơi. Bao nhiêu người né tránh chốn rừng thiêng nước độc, con chui lên đó làm gì? Mẹ xin con. Nhà này đâu đến nỗi để con cái cùng cực như thế!”. Cô em gái gọi điện ngay cho Diễm, người yêu của Tuấn đang học năm cuối Đại học Y khoa Huế. Mấy thằng bạn từ thời phổ thông lôi Tuấn ra quán cà phê vặn vẹo: “Mày hâm rồi hả?”, “Ấm đầu thì đi bác sĩ điều trị, chứ lên rừng làm gì?”. Đứa thì trêu: “Mày đi tìm lộc, hay đi hái thuốc Nam?”, “Phố xá không ở, lại đi tìm đèn dầu mù u”. Mặc. Tuấn chỉ cười, bảo: “Nói như tụi mày thì cánh thanh niên miền núi tìm đường xuống phố hết”.
Không cản được, cũng không nỡ dứt tình, đám bạn tiễn Tuấn ra bến xe, lên Krông Hinh nhận công tác ở Đội khảo sát lâm sinh khu vực Nam Trung bộ. Mấy ngày đầu buồn tẻ, quanh đi quẩn lại năm người lang thang trong những cánh rừng sâu thẳm. Chỉ có tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng con mang tác gọi đàn nghe nẫu ruột. Họ khoanh vùng, thu thập mẫu thực vật, tìm kiếm dấu vết của các loài động vật hoang dã tồn tại trong rừng Krông Hinh để tổng hợp, phân tích và đánh giá. Đêm. Lán trại leo lét đèn dầu. Nhớ phố da diết. Tuấn cầm đàn ghi ta khởi xướng cho cả nhóm hát. Hát mỏi miệng thì ôm radio nghe thời sự. Hết trò, lăn ra ngủ đến sáng, tiếp tục cuộc khảo sát thực tế.
* * *
Tuấn về đến lán trại khi bóng đêm lan tỏa xuống rừng. Mệt lả. Húp vội bát canh rau ngót, anh bước lên tấm nứa ngủ vùi. Một giấc mơ đẹp chợt đến. Tuấn cùng đồng đội vượt suối Pơ Tung khi nắng mai vừa xiên qua kẽ lá. Dường như đêm qua có mưa, thềm rừng ẩm ướt. Đến khu rừng chò có mật độ dày, bất chợt Tuấn nhìn thấy những vết chân thú là lạ hằn trên mặt đất. Vừa rút thước đo, vừa gọi Hải ghi lại những thông số thu thập được vào tập nhật ký khảo sát lâm sinh. Ngẫm nghĩ một lúc, bất chợt Tuấn reo lên: “Đúng là dấu chân bò tót rồi”. Anh đưa ra những thông tin so sánh khác biệt giữa đặc điểm nhận dạng dấu chân bò tót và bò rừng, khiến cho cả nhóm nhảy cẫng lên, ôm nhau sung sướng như nhặt được vàng. “Bò tót. Gặp bò tót rồi”.
Tiếng thét của Tuấn ném trong bóng đêm, chạm vào vách núi, dội lại rền vang. Hải hoảng hốt bật dậy lia đèn pin vào rừng. Chợt hiểu, Hải xoay sang lay Tuấn dậy. Một cảm giác nửa thực, nửa hư ẩn hiện trong đầu Tuấn. Anh bước xuống suối rửa mặt, ngược trở lên đốt đèn, đọc lại tài liệu nói về động vật quý hiếm. Nhớ, có người bảo, đôi khi giấc mơ cũng là điềm mộng báo trước điều lành, chuyện dữ sắp xảy ra.
Nào ngờ năm ngày sau nhóm khảo sát tìm thấy dấu chân bò tót thật. Cuối tháng Năm, cả nhóm khoác ba lô, tạm xuôi về đồng bằng. Chẳng màng tới đám bạn ở phố, Tuấn ngồi nhà sắp xếp tư liệu sống thu được sau chuyến khảo sát để viết báo cáo đề tài khảo sát hệ động thực vật rừng Krông Hinh. Bà Thủy lén nhìn cậu con trai gầy xọp đang cặm cụi, săm soi những bức ảnh chụp vết chân thú, cây rừng và chồng tài liệu, sách báo tiếng Việt, tiếng Anh ngổn ngang trên bàn. Bà lắc đầu, chặc lưỡi buồn bã. Ông Viễn thở dài, nhưng không nỡ trách con. Cô em gái móc méo: “Chẳng bao lâu nữa anh hai kính mến của em sẽ trở thành người rừng!”. Tuấn như người khiếm thính. Lặng lẽ viết một cách cần mẫn từ sáng đến tối. Cần mẫn đến mức nhận thư của Diễm từ sáng, nhưng đến khuya mới bóc ra, đọc lướt. Diễm trách. Tuấn cười một mình, ngẫm nghĩ: “Con gái ấy mà”. Năm, bảy lượt không thấy hồi âm. Mở hộp thư email, trống hoác. Diễm hờn dỗi, gọi điện thoại tới nhà nói lời chia tay. Tuấn không thanh minh, lặng lẽ tự trấn an mình: “Duyên số ấy mà”. Rồi anh lầm lũi trở về rừng tìm thêm tư liệu sống cho báo cáo khảo sát còn đang dang dở. Phố xá với anh bây giờ dần xa lạ. Núi rừng càng trở nên gần gũi thân thương.
Ròng rã bốn năm bám rừng, trông Tuấn như ông cụ non. Bù lại từ những bản báo cáo kết quả khảo sát hệ động thực vật, Tuấn xây dựng và bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên Krông Hinh. Ông trưởng phòng tổ chức cán bộ Viện Nghiên cứu lâm sinh gợi ý Tuấn ra Hà Nội, nhưng anh xin được trở lại Krông Hinh. Ở đó, với anh đâu chỉ có thiên nhiên khoáng đãng, tiếng gió núi, mưa rừng, tiếng chim ca rộn rã, tiếng mang tác gọi đàn trong chiều đông, tiếng suối róc rách đều đều trong mùa khô, ầm ào giận dữ trong mùa lũ... mà còn có cả H’Linh - cô gái dân tộc Ê Đê lủng lẳng vòng kiềng bạc trên cổ, lắc lư chiếc gùi đầy măng le trên lưng. H’Linh là tình nguyện viên giúp Tuấn và đồng đội của anh vượt thác, băng rừng, đi tìm tư liệu sống ở Krông Hinh, chỉ vì cô không muốn đồng bào mình phá rừng, du canh, du cư. Năm năm đầy ắp những kỷ niệm giản dị, nhưng lắm lúc như sợi dây vô hình ràng buộc Tuấn, khiến cho mỗi lần về phố, nỗi nhớ rừng, nhớ H’Linh trỗi dậy trong anh cồn cào, da diết.
* * *
Trăng đêm tháng Tư ở miền rừng đẹp như người thiếu nữ tuổi mười tám. Không gian như mở, như khép. Gió len lén trôi nhẹ qua thềm rừng. Hình như từ lúc ánh ngày vừa nhường chỗ cho bóng đêm, cánh trai làng Len đã mang mấy ché rượu cần bày ra trước sân đất đậm nét hoang sơ. Đêm nay, già làng Ma Vi mời rượu trước khi Tuấn cùng đồng nghiệp rút khỏi Krông Hinh. Bên ánh lửa bập bùng, những bước chân trần tất bật bày thịt heo và muối trên bốn chiếc nong tre. Con gái, con trai và cả làng cùng vui như hội. Rượu cần ngọt thơm, nồng nàn, khiến cho đêm dường như dài ra. Từ phía góc sân, tiếng hát của H’Linh ngân lên: Khi nghĩ về đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người... Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai, cùng thường nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành, phải không em, phải không anh...
H’Linh hát mà ánh mắt cứ đong đưa nhìn Tuấn.
Rồi đêm cũng tàn. Sáng sớm, H’Linh ra tận con suối tiễn Tuấn và các đồng nghiệp của anh. Cô đứng bên gốc cây kơ-nia dõi mắt trông theo cho tới khi bóng Tuấn khuất hẳn sau triền núi.
Bốn tháng sau, bất ngờ Tuấn trở lại làng Len. Lần này, trong hành trang của Tuấn có quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Hinh và bổ nhiệm anh làm giám đốc. Gặp lại Tuấn, già làng Ma Vi thốt lên: “Mày là đứa con của buôn làng rồi đó.”
Xuân Phúc