banner 728x90

Truyện ngắn: Con sẽ mãi mãi không quên

02/09/2024 Lượt xem: 2355

Người ta học chính quy, còn anh thì đi học bổ túc. Hồi ấy, ngôi trường mà anh học là mượn tạm một trường phổ thông, rất đẹp, cổ kính, trang nghiêm, bóng cây phượng che mát cả sân. Người ta đi học vào buổi sáng, còn anh đi học 6, 7 giờ tối...

Anh đi học bổ túc, không có bạn bè cùng lứa như lớp chính quy. Già có, trẻ có, đủ thành phần: từ anh sửa xe, chú đạp xích lô, đến cậu ấm con nhà giàu. Lớp học bề bộn, không hòa đồng vui vẻ, mạnh ai nấy học, kẻ đi sớm người đi muộn. Phần đông học sinh trong lớp không biết tên thầy cô giáo, ngược lại, thầy cô giáo cũng không ân cần với học sinh. Chính vì vậy, nhà trường tìm nhiều biện pháp để học sinh học tốt hơn, trong đó có việc ngăn chặn việc đi học trễ. Người thực thi quyết định của nhà trường là bác bảo vệ, người kéo cổng trường kiêm luôn “chức vụ” giữ xe, đánh trống... Năm đó, bác bảo vệ khoảng gần sáu mươi tuổi, nước da ngăm đen, dáng người hao gầy. Bác lanh lẹ, luôn hoạt bát trong công việc của mình, song rất khó tính, hễ đứa nào đi học trễ là không cho vào lớp. Mấy đứa học trò ham chơi, hút thuốc lá, tụm năm tụm ba, đàn đúm quậy phá rất ghét bác. Có nhiều đứa chơi xấu, sau khi tan học, lấy đá ném vào bác bảo vệ đang kéo cổng trường.

Tuổi thơ của anh không may mắn như người khác. Từ nhỏ anh đã mồ côi cha mẹ, phải sống với ông bà ngoại. Năm đó, anh rời xa ngoại, lên thị xã làm thuê. Ngày làm, tối anh tranh thủ đi học thêm. Công việc không ổn định, lúc anh về sớm, lúc về muộn. Một lần anh đi học trễ, bác bảo vệ không cho vào lớp học. Anh năn nỉ, tâm sự hoàn cảnh: “Tại con làm nghề thợ hồ, chiều về trễ, cơm nước tắm rửa nữa nên không kịp!...”. Bác nhìn anh từ đầu đến chân dò xét, rồi thương tình cho vào. Sau lần đó, chẳng hiểu sao, riêng anh mỗi lần đi học trễ đều được bác bảo vệ kéo cửa cho vào để kịp học.

Ngày qua ngày, anh và bác bảo vệ trở nên thân thiết với nhau. Một lần đi học sớm, anh ngồi chơi với bác và tâm sự: “Con đi làm như thế này, không có tiền, chắc con nghỉ học quá!...”. Bác chân tình động viên: “Ráng, ráng nghen con!...”. Mấy ngày sau đó, vào hôm chủ nhật trời mưa tầm tã, anh không đi làm phụ hồ, bỗng dưng thấy bác bảo vệ mặc áo mưa mỏng manh, mình mẩy ướt át, ngồi trên chiếc xe cánh én cũ kỹ, đứng trước cửa phòng trọ ọp ẹp của anh gọi: “Cháu ơi, ra đây lấy gạo và thức ăn. Nhanh lên!...”. Anh ngạc nhiên vô cùng, vội chạy ra cửa, xúc động hỏi: “Ôi, sao bác biết phòng trọ của con mà đến?”. Bác bảo: “Hôm bữa con đi học về, bác đi theo sau nên biết...”. Nói xong, bác đưa bịch gạo cho anh rồi vội vã chạy xe đi trong mưa, anh đứng nhìn theo không biết nói gì hơn.     

Còn mấy tháng nữa đến ngày thi tốt nghiệp. Lúc đó 9 giờ tối, lớp vừa tan học, bỗng dưng bác bảo vệ kêu anh ở lại. Đợi học sinh về hết, bác vào trong phòng lấy một cái bọc đưa cho anh. Thì ra đó là sách ôn thi tốt nghiệp. Anh mừng rỡ: “Làm sao bác có?”. Bác bảo:“ Hôm trước bác tìm kiếm người quen, xin!…”. Nhận được số sách, anh mừng rỡ đến rơi nước mắt, vội vã cảm ơn bác rối rít rồi chạy về phòng trọ.  

Mười mấy năm trôi qua, giờ đây anh đã có vợ có con, có việc làm ổn định ở thành phố lớn. Nhân chuyến công tác, anh đi ngang qua và nhìn vào ngôi trường cũ của mình: Vẫn cổ kính, trang nghiêm, vẫn bóng cây phượng che mát cả sân trường. Chợt nhớ đến bác bảo vệ năm nào, anh xuống xe hỏi thăm. Người bảo vệ cho biết bác đã mất.

- Hồi nào vậy anh?

- Cách đây một năm.

- Anh có biết nhà bác ở đâu không?

- Chỉ biết ông ấy chết, tôi đến thay, cũng không biết nhà ở đâu...

Anh nhớ lại ngày xưa, tốt nghiệp xong, anh một phần lo làm cật lực để kiếm miếng ăn, rồi ôn thi đại học, đi học xa, hẹn mãi, không đến thăm bác và nói lời chia tay. Giờ đây anh cũng không biết tên, nhà để đến thắp cho bác nén nhang. Anh hối hận vô cùng, giận mình sao quá vô tâm...

Anh lầm rầm nói nhỏ như nói với chính mình: Bác ơi, thế là bác đã đi rồi. Hình ảnh và lòng nhân hậu của bác con sẽ mãi mãi không quên./.

Hương Lan

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Áp thấp tan, ngày mai trời lại nắng

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Truyện ngắn: Chuyện đàn bà

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng thì Tư Lý đã có mặt ở chợ huyện. Tư Lý làm nghề bán chuối hơn ba năm nay và anh bán hàng rất có duyên. Khách hàng hễ đã mua chuối của anh một lần là lần sau lại muốn mua tiếp. Lý do đơn giản là giá rất rẻ. Anh thường mua tận gốc và bán tận chợ. Thường thì lúc các nhánh chuối được xếp ngay ngắn cũng là lúc bà con tụ lại. Ở đây, người dân đi chợ rất sớm, họ mua bán xong còn về làm nương rẫy.

Truyện ngắn: Trở về nơi ấy đảo xa

Hành trang chỉ là chiếc ba lô trên vai, ngày đầu tiên đến đảo trông chị như một nữ thanh niên xung phong rắn rỏi, hoạt bát hơn là một cô giáo thùy mị, dịu dàng.

Truyện ngắn: Sự tích hoa xuyến chi

Đầu hạ, quả đồi lại được tô điểm thêm bằng những bông hoa xuyến chi bé nhỏ, tươi tắn. Những đêm trăng, trai, gái làng tôi lại ra đó hò hẹn. Anh Hòa cũng lấy hết can đảm để nói thật lòng mình với chị, rồi chị nhận lời yêu anh cũng trên quả đồi ngập đầy hoa xuyến chi.

Truyện ngắn: Đuổi nhau

Tôi đến tìm Vũ vào cuối chiều. Ông bảo vệ già nheo mắt nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói tên anh. Ông bảo vệ khoát tay: “Về lâu rồi! Đón con!”. Tôi thở dài. Vậy mà sáng nay, anh nhắn tin hẹn sẽ cùng tôi ra ngoại ô ăn tối.

Truyện ngắn: Cam chịu

Đêm nay trăng tròn. Bầu trời có nhiều đám mây, vầng trăng cứ lúc ẩn lúc hiện khiến cho đêm thêm huyền ảo. Tôi ngồi ở lan can nhà nhìn vầng trăng đang trôi trong mây. Bỗng dưng tôi nghĩ rằng Hường cũng đang ngồi đâu đó ngắm ánh trăng. Có thể Hường ngắm ánh trăng để nghĩ về quá khứ và sắp đặt cho tương lai cuộc sống của mình. Ngắm để hy vọng ngày về ánh trăng sẽ chiếu vọng vào căn nhà trên tầng cao chung cư của mình hay có thể là mãi mãi Hường sẽ không trở lại?

Truyện ngắn: Mai con sẽ về với mẹ

Tiếng mẹ thều thào, nặng trĩu, rời rạc như muốn nói với tôi điều gì nhưng tôi không thể nào nghe rõ. Nắng chiều chiếu qua khung cửa kính bệnh viện hắt lên khuôn mặt mẹ thứ ánh sáng vàng vọt hằn rõ vết nhăn thời gian trên đôi má gầy gò khiến lòng tôi như có triệu mũi kim châm.

Truyện ngắn: Rau muống biển

Nơi tôi ở là một làng chài ven biển. Tôi sinh ra đã thấy biển trên đời, ấu thơ nơi tôi lớn là những ngày tôi chạy dọc hoài theo những triền cát nghe sóng vỗ vào lòng...
Top