Ngôi nhà của mẹ nằm ở một xóm nhỏ, trước sân có cây mận sum suê lá. Nay tuổi đã trên tám mươi nhưng trông mẹ còn nhanh nhẹn và khá tỉnh táo. Mỗi lần chúng tôi đến thăm nhà, mẹ mừng lắm và kéo chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế gỗ, sai đứa cháu lấy nước rồi trò chuyện. Có điều, lần nào cũng giống lần nào, sau khi hỏi han tôi chuyện này, chuyện nọ, y như rằng mẹ lại xoay qua nói về anh. Khuôn mặt già nhăn nheo, đầy vết đồi mồi, mẹ vừa nhai trầu vừa nói: Hồi xưa…
Đúng vậy, bao giờ nói về anh, khuôn mặt mẹ cũng trầm ngâm rồi bảo, hồi xưa…
- Mấy con biết không, hồi xưa, hồi thằng Toàn lên chín, lên mười, ai cũng bảo nó giống cha như đúc! Mẹ chỉ tay lên bàn thờ: Kìa, ảnh ông Tư, ba nó đó! Con thấy giống không? Tội nghiệp thằng nhỏ, đi chơi ngoài đường, nghe người ta nói, chạy về hỏi mẹ. Mẹ trả lời: Ừ, rất giống! Nó cười và nó đợi. Nó bảo, nhất định khi về ba sẽ thương con lắm. Nhưng ông Tư không về. Ông ấy hy sinh trong một trận chiến đúng vào năm nó lên 10 tuổi. Tội nghiệp, nó khóc, nó buồn. Cũng may sau này, có người bạn học cũ cho một tấm ảnh của ông Tư. Tấm ảnh nhỏ xíu, mang đi họa lại để thờ. Nhìn hình, nó bảo: Uớc gì ba còn sống trở về!
- Con biết không, hồi xưa, khi chưa lên đường đi bộ đội, nó ăn nhiều lắm. Có bữa, trời mưa lụt, đi thả lờ ngoài đồng về, mẹ nấu hai lon gạo, thêm sắn, vậy mà nó ăn một hơi gần hết nồi cơm…
- Con biết không, nhà dột, tự nó đi cắt tranh về đánh thành tấm, rồi nhờ hàng xóm cùng lợp giúp. Nó siêng năng mà lại khéo tay, đan nong, đan nia cũng được. Trong xóm ai nhờ điều gì nó cũng giúp…
- Con biết không, hồi nó lớn lên, mẹ bảo, con lấy vợ đi cho mẹ nhờ. Nhà còn có mình con, con đi đâu mẹ còn có con dâu. Nó cười. Con chưa gặp người nào hiền lành, kiếm vội biết đâu chỉ làm mẹ khổ…
- Con biết không, có lần mẹ ốm nặng, lại đang lúc làm mùa, một mình nó vừa lo chuyện cày cuốc rồi thuê người cấy hộ, vậy mà nhiều đêm ngồi thức canh chừng, sợ mẹ có bề nào…
Mỗi lần chúng tôi đến, mẹ lại kể thêm một số chi tiết về cuộc đời anh. Tôi với Toàn cùng chung một đơn vị chủ lực của tỉnh. Ngày quen nhau, chúng tôi chưa tròn hai mươi tuổi. Thiếu ăn, thiếu mặc, gian khổ của bộ đội thời chống Mỹ làm sao kể hết. Hai đứa hứa với nhau, ngày hòa bình đứa nào còn sống sẽ đến thăm mẹ đứa kia. Anh mất cha và tôi cũng vậy. Hứa thì hứa vậy thôi, chứ đứa nào cũng nghĩ mình sẽ sống. Sau những trận đánh nhau ở đồng bằng, rút lên rừng, tôi với anh thường treo võng nằm bên nhau, thôi thì tía lia đủ chuyện. Anh kể về quê mình, mẹ mình, thỉnh thoảng lại thở dài với câu hỏi: Không biết bây giờ bà cụ ở quê ra sao? Nhiều lúc ruột gan tôi cũng cồn cào như anh, nhưng đành an ủi nhau, không sao đâu, hòa bình đến nơi rồi.
Rồi anh ra đi. Ra đi trong một trận mà đơn vị chúng tôi đánh nhau với một đại đội của địch đi càn, lấn chiếm vùng giải phóng sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Máu anh đổ ướt cả áo tôi bên cái hầm công sự còn màu đất mới. “Nhớ nói với mẹ tôi rằng tôi thương mẹ lắm…”. Anh tắt thở khi lời dặn dò chưa kết thúc.
Ngày hòa bình, chúng tôi đã đưa anh về nghĩa trang quê nhà và may mắn tôi sống ở thị trấn không cách xa nơi mẹ anh sống là bao. Kỷ vật của anh, tôi mang về cho mẹ là chiếc võng ni lông đã ố màu. Chồng hy sinh. Đứa con duy nhất của mẹ là anh cũng không còn nên mẹ sống chung với gia đình đứa cháu. Mỗi lần chúng tôi rủ nhau đến thăm là một lần mẹ lại kể về anh.
- Con biết không, hồi sắp đi thoát ly, thằng Toàn cứ đi quanh nhà rồi nhìn mẹ nói: “Cái hiên nhà mình mưa xuống rất dễ trợt. Đêm hôm mẹ đi phải cẩn thận”.
Những câu chuyện mẹ kể về anh cứ đầy dần qua những lần chúng tôi đến thăm. Thời gian trôi đi, nay mẹ đã già nhiều, lưng đã còng, mắt đã mờ. Có những lần chúng tôi đến, mẹ khó nhọc mới ngồi dậy được, giọng mẹ cũng không còn rành rọt như ngày nào, nhưng vẫn như trước, nói lòng vòng vài câu, mẹ lại nhắc đến anh.
Vừa rồi, chúng tôi rủ nhau mua chút quà và ghé thăm mẹ. Biết chúng tôi đến, mẹ mừng lắm. Bàn tay gầy guộc của mẹ nắm chặt lấy tay tôi. Một lát, mẹ hỏi:
- Nói thiệt mẹ nghe, trước khi chết, thằng Toàn có được ăn no không con?
- Dạ, có! Tôi nói dối để mẹ yên lòng. Nhưng thực ra, hôm ấy chúng tôi đánh nhau từ sáng tới chiều, trận chiến diễn ra quá ác liệt, nước còn không có uống nói chi đến chuyện ăn no…
Phúc Nguyên