banner 728x90

Truyện ngắn: Chuyện tình thời chiến tranh

28/06/2024 Lượt xem: 2426

Bên kia sông Cái là một xóm chài nhỏ với những chiếc thuyền gỗ nằm sát vào nhau; phía sau đó không xa, nơi có con dốc thoai thoải dẫn lên là những khu vườn rậm rạp, xanh thẳm. Còn bên này, phía bờ Bắc là bãi bồi, vào tháng hai, những nương bắp vào thì con gái nối nhau, trải dài, tít tắp một màu xanh non. Quê Hằng ở đó, bên bờ Bắc. Chị sống bằng nghề đưa đò tại bến sông này từ lâu lắm rồi, sau khi chiến tranh kết thúc vài năm, khi mà chú của chị - ông Tư Quới, người lái đò ở bến này qua đời, để con thuyền chở khách lại cho chị.

Ngày nối ngày, mỗi khi có người sang sông, chị đẩy thuyền ra, chèo đi. Tiếng mái chèo chạm vào cạnh thuyền, tạo nên âm thanh lạch cạch, lạch cạch, đơn điệu, tiếng mạnh, tiếng nhẹ, nối tiếp nhau, đã theo chị hết xuân sang hè, hết thu sang đông, lúc mưa, lúc nắng. Khi vắng khách, chị thường gác chèo ở đầu thuyền rồi bước lên, ngồi đợi ở cái lán nhỏ che tạm bằng mấy tấm tranh nằm giữa bãi cát.

- Đò ơ...ơ...ơi!

Thường những lúc ngồi đợi như thế Hằng lại nghĩ về Cường - người chồng chưa cưới của chị đã biền biệt tin tức. Và rồi, mỗi lần ở bờ bên kia có tiếng gọi đò, chị lại chèo thuyền sang với niềm hy vọng có thể Cường đã về. Nhưng niềm hy vọng vừa được nhen nhóm bỗng vụt tắt để rồi hôm sau chị lại nhen nhóm một niềm hy vọng mới. Cường còn sống hay đã chết? Hay anh là người bội bạc không hề nhớ đến chị và đứa con trai của họ? Chị đã từng đặt những câu hỏi như thế không biết bao nhiêu lần, nhưng chị biết hỏi để mà hỏi vì không có ai chung quanh có thể giúp chị câu trả lời. Đôi khi quá mệt mỏi, chị tự khuyên mình, hãy quên đi. Nhưng làm sao chị có thể quên được. Ngay trên bãi cát này đây ngày xưa Cường và chị đã hẹn hò. Hằng còn nhớ rất rõ, dạo đó, chị mới bước vào tuổi mười chín và sau cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm Mậu Thân 1968, đơn vị của Cường đã về đứng chân ngay trong thôn của chị. Cường khá đẹp trai, tính tình rất hiền lành, chính vì thế, sau một thời gian quen biết, anh đã ngỏ lời yêu đương, và Hằng đã nhận lời mà không gợn chút nghi ngờ. Tối tối, họ bí mật gặp nhau ở bãi cát bên bờ sông, nơi gần đó có cây đa khá to, xòe tán lá rậm rạp. Tình yêu của một đôi trai gái còn quá trẻ ở họ đã bùng cháy và cả hai do không có kinh nghiệm, lại không kìm chế được để rồi chị đã mang thai.

Ngày đó, chiến tranh diễn ra ác liệt, chuyện yêu đương dẫn đến có thai đối với một chiến sĩ trẻ, đặc biệt là chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở một đơn vị an ninh như Cường là điều không nên. Biết rõ điều đó nên Cường rất lo, Hằng cũng lo không kém. Cuối cùng cả hai bàn bạc với nhau giấu kín chuyện này, không cho đơn vị Cường biết, và họ quyết định để thêm một thời gian nữa cả hai sẽ tìm cách giải quyết cho ổn thỏa. Nhưng rồi đơn vị của Cường có quyết định chuyển gấp xuống vùng sâu, một địa phương nằm ven thành phố. Đêm trước ngày chia tay, Hằng đã khóc rất nhiều. Cường ôm chặt lấy chị và an ủi, dỗ dành. Anh bảo chị, sau chuyến công tác xuống vùng sâu, anh sẽ quay lại.

 Nhưng cũng từ đó, chiến tranh ngày một ác liệt thêm. Quê Hằng đã trở thành vùng trắng. Ngày bom, đêm pháo. Những bờ tre, vườn chuối bị xe tăng Mỹ cày nát. Hằng, mẹ Hằng và tất cả bà con, dân chúng trong xã bị địch bắt vào sống tại các trại tập trung ở các khu dồn dân. Làm thế nào bây giờ? Tại khu dồn, đêm đêm Hằng đã khóc thầm. Điều khổ tâm nhất đối với chị là chuyện gì sẽ xảy ra khi mẹ mình biết mọi chuyện. Ba Hằng mất từ khi chị lên mười, mẹ chị một mình nuôi con, vậy mà bây giờ... Đắn đo mãi và rồi không thể khác, một ngày kia Hằng đành nói thật với mẹ khi cái bụng đã to không thể giấu ai được nữa. Đau khổ, giận con nhưng mẹ chị đã cắn răng chịu đựng và hàng ngày bà tìm cách làm thuê, để dành, lo cho chị sinh nở. Hằng đã sinh được một đứa con trai, đặt tên là Phước. Tuy đói khổ nhưng thằng bé lớn nhanh và ngày càng tỏ ra rất lanh lợi.

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, nhà nhà mừng vui. Trở về quê cũ, chị và đứa con trai đã chờ, nhưng Cường vẫn biệt tăm...

- Nói thật mẹ nghe, có phải thằng Phước là con của chú Cường đóng quân ở xóm ta ngày trước không, hay là con của ai?

Hằng biết mẹ mình nghi ngờ. Chị gật đầu nhưng nước mắt rưng rưng...   

***

- Đò ơ...ơ...ơi!

Những câu hỏi thắt lòng luôn hiện lên cùng nhịp chèo của chị. Câu hỏi không có câu trả lời.

Chị đã bao lần dò hỏi và được biết, khi chiến tranh kết thúc, cơ quan an ninh cấp khu đã giải thể; ở cấp tỉnh, cơ quan an ninh được đổi tên thành công an. Thêm một manh mối để chị hy vọng. Từ đó, thấy bất cứ người chiến sĩ nào mặc đồ công an hay đồ bộ đội đi đò, chị cũng làm quen và hỏi về anh. Nhưng thật đáng tiếc, chị không thể tìm ra manh mối nào. Cách đây vài năm có một người thương binh tên Quân, cụt một tay, đi nhờ đò để qua sông thăm bà con, khi nghe chuyện của chị, anh rất vồn vã. Anh lấy bút ghi tên Cường và ghi địa chỉ của chị, hứa khi về thành phố sẽ tìm người mà chị mong nhớ.

- Biết đâu chừng…?

Nghe anh thương binh nói, lòng chị lại rộn lên niềm hy vọng.

***

- Đò ơ...ơ...ơi!

Lại những chuyến đò ngang với tiếng chèo khua lạch cạch.

Tóc chị dần dà đã bạc, song không hề có tin của Cường và cũng không hề có tin của người thương binh có lần hứa sẽ giúp chị.

Chán nản, chị tự bảo mình, thôi, không chờ, không đợi nữa. Thế mà khi gác mái chèo, lòng chị lại nặng trĩu.

Chiều nay, đang ngồi trong cái lán nhỏ giữa bãi cát với tâm trạng ấy, bất chợt có tiếng gọi đò và chị liền cho thuyền sang bên kia sông. Có người đàn ông trên bến, khi thấy chị, vội vàng chạy xuống. Đó chính là Quân - anh thương binh mà chị đã đưa sang sông ngày nào. Chưa kịp tay bắt mặt mừng, khi mới nghe Quân thông báo đã tìm được tin tức của Cường, bỗng dưng chị thấy người chao đảo. Có thật vậy không...?

 Tim đập mạnh và mắt chị bất chợt tối lại...

...Thì ra, sau khi chia tay Hằng xuống công tác ở vùng sâu một thời gian, đến năm 1970, Cường đã được An ninh Khu 5 điều về tăng cường cho Ty an ninh của một tỉnh miền Trung. Trong lúc làm nhiệm vụ, Cường và mấy anh em của đơn vị đã bị phục kích. Anh bị thương nặng và khi được đồng đội đưa về căn cứ thì sức anh đã quá yếu. Trước lúc hy sinh, Cường trăn trối, nhờ một đồng đội, sau này nếu còn sống, gặp lại cha mẹ mình, hãy nói cho họ biết, anh đã có vợ cùng một đứa con. Rất tiếc, khi chưa kịp cho biết rõ địa chỉ của người vợ và đứa con thì Cường đã trút hơi thở cuối cùng.

Hàng ngày, đi qua bến sông này, người ta lại nghe những câu gọi đò: “Đò ơ...ơ...ơi!”, bởi nơi ấy vẫn còn một con đò và những tiếng chèo đò khua lạch cạch.  

Thu Hương

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Áp thấp tan, ngày mai trời lại nắng

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Truyện ngắn: Chuyện đàn bà

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng thì Tư Lý đã có mặt ở chợ huyện. Tư Lý làm nghề bán chuối hơn ba năm nay và anh bán hàng rất có duyên. Khách hàng hễ đã mua chuối của anh một lần là lần sau lại muốn mua tiếp. Lý do đơn giản là giá rất rẻ. Anh thường mua tận gốc và bán tận chợ. Thường thì lúc các nhánh chuối được xếp ngay ngắn cũng là lúc bà con tụ lại. Ở đây, người dân đi chợ rất sớm, họ mua bán xong còn về làm nương rẫy.

Truyện ngắn: Trở về nơi ấy đảo xa

Hành trang chỉ là chiếc ba lô trên vai, ngày đầu tiên đến đảo trông chị như một nữ thanh niên xung phong rắn rỏi, hoạt bát hơn là một cô giáo thùy mị, dịu dàng.

Truyện ngắn: Sự tích hoa xuyến chi

Đầu hạ, quả đồi lại được tô điểm thêm bằng những bông hoa xuyến chi bé nhỏ, tươi tắn. Những đêm trăng, trai, gái làng tôi lại ra đó hò hẹn. Anh Hòa cũng lấy hết can đảm để nói thật lòng mình với chị, rồi chị nhận lời yêu anh cũng trên quả đồi ngập đầy hoa xuyến chi.

Truyện ngắn: Đuổi nhau

Tôi đến tìm Vũ vào cuối chiều. Ông bảo vệ già nheo mắt nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói tên anh. Ông bảo vệ khoát tay: “Về lâu rồi! Đón con!”. Tôi thở dài. Vậy mà sáng nay, anh nhắn tin hẹn sẽ cùng tôi ra ngoại ô ăn tối.

Truyện ngắn: Cam chịu

Đêm nay trăng tròn. Bầu trời có nhiều đám mây, vầng trăng cứ lúc ẩn lúc hiện khiến cho đêm thêm huyền ảo. Tôi ngồi ở lan can nhà nhìn vầng trăng đang trôi trong mây. Bỗng dưng tôi nghĩ rằng Hường cũng đang ngồi đâu đó ngắm ánh trăng. Có thể Hường ngắm ánh trăng để nghĩ về quá khứ và sắp đặt cho tương lai cuộc sống của mình. Ngắm để hy vọng ngày về ánh trăng sẽ chiếu vọng vào căn nhà trên tầng cao chung cư của mình hay có thể là mãi mãi Hường sẽ không trở lại?

Truyện ngắn: Mai con sẽ về với mẹ

Tiếng mẹ thều thào, nặng trĩu, rời rạc như muốn nói với tôi điều gì nhưng tôi không thể nào nghe rõ. Nắng chiều chiếu qua khung cửa kính bệnh viện hắt lên khuôn mặt mẹ thứ ánh sáng vàng vọt hằn rõ vết nhăn thời gian trên đôi má gầy gò khiến lòng tôi như có triệu mũi kim châm.

Truyện ngắn: Rau muống biển

Nơi tôi ở là một làng chài ven biển. Tôi sinh ra đã thấy biển trên đời, ấu thơ nơi tôi lớn là những ngày tôi chạy dọc hoài theo những triền cát nghe sóng vỗ vào lòng...
Top