Trong chuyên luận của mình, tác giả Toan Ánh coi “thờ phụng tổ tiên không phải là một thứ tôn giáo… mà là lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với người đã khuất”, có nghĩa đây chỉ là một phong tục có tính đạo lý. Cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi phân vân “nó gần như một thứ tôn giáo” còn giáo sư Đặng Nghiêm Vạn khẳng định đó là “tôn giáo chính thống của người Việt Nam”, dù rằng theo ông, nó “không có tổ chức chặt chẽ, nhưng dường như toàn bộ cộng đồng quan niệm tiến hành các lề thức giống nhau và là tâm linh chủ yếu của cả cộng đồng, là lực hút các yếu tố ngoại sinh hay là những yếu tố gia nhập vào các tôn giáo khác. Ở miền Nam nước ta, thờ cúng tổ tiên được nhân dân gọi là đạo ông bà. Quan niệm là tín ngưỡng, tôn giáo hay phong tục, thực chất đều xuất phát từ khái niệm “tôn giáo”.
Theo tiêu chí truyền thống về “tôn giáo”, các yếu tố giáo lý, giáo chủ, tín đồ… được xem xét rất chặt chẽ. Theo lý thuyết này, chỉ có thể kể tới các tôn giáo có tính chất quốc tế như Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, những tôn giáo khu vực như Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Bàlamôn giáo, và có thể cả những tôn giáo địa phương như Cao Đài, Hòa Hảo… Còn hầu hết các hình thức thờ phụng, tế lễ khác được coi là “tín ngưỡng”. Quan niệm rộng rãi hơn có người coi tất cả là tôn giáo, hoặc tôn giáo chính thống, hoặc tôn giáo sơ khai. Nếu xem xét tôn giáo chỉ ở “tính cộng đồng, tính xã hội, tính quyết định tâm linh liên kết các thành viên của một xã hội ở các cấp độ khác nhau” thì thờ cúng tổ tiên được coi là tôn giáo, “mặc dầu không có một tổ chức thống nhất quản lý, nhưng cũng được quy định khá chặt chẽ qua truyền thống và tập quán”. Cũng có thể coi đó là một phong tục đã được tôn giáo hóa, hoặc từ những hành vi có tính chất tôn giáo đến chỗ thế tục hóa để trở thành phong tục. Về mặt lý luận, vấn đề này còn cần được thảo luận thêm. Tuy nhiên, hiện nay, có một cách dùng, một thuật ngữ mang tính chất “trung hòa”, đó là Đạo (nghĩa là con đường, là cách thức…) – Đạo thờ Tổ tiên. Còn theo quan niệm truyền thống phổ biến, thờ cúng tổ tiên vẫn được coi như một tín ngưỡng.
Như đã nêu ở phần trên, nội dung tín ngưỡng của tục thờ cúng tổ tiên là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống) bằng con đường: hồn về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ. Trong tín ngưỡng này, đạo lý là nội dung nổi trội.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo