banner 728x90

Tín ngưỡng thờ Thiên Ya Na ở Trung Bộ

18/07/2024 Lượt xem: 2500

Ở trung và nam Trung Bộ, Thiên Ya Na được thờ phụng như một Mẫu thần. Dưới cái tên Pô Inư Nưgar, Bà vốn là một Mẫu Thần, Thánh Mẫu, Thần Mẹ của người Chăm, trước kia thờ chính ở tháp bà Nha Trang, nay được thờ ở nhiều nơi trên đất Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng đất người Chăm đang sinh sống hiện nay. Từ khi người Việt Nam tiến vào miền Trung, họ đã Việt hóa vị thần Mẹ Chăm Pô Inư Nưgar để trở thành Mẫu thần Việt và gọi với các tên Thiên Ya Na Thánh Mẫu, Bà Chúa Ngọc…

Nơi điểm cực bắc của tục thờ Thiên Ya Na là Huế, trong đó điển hình là điện Hòn Chén, ở đây, Bà Thiên Ya Na đã nhập vào hệ thống Tứ phủ, Tam phủ của hệ thống Đạo Mẫu Bắc Bộ. Tháp Bà Nha Trang, nơi thờ chính Pô Inư Nưgar xưa, nay là nơi thờ Thiên Ya Na của người Việt. Oái oăm thay, tuy chỉ là một vị thần thôi nhưng lại của cả hai dân tộc và mang hai danh xưng khác nhau: Pô Inư Nưgar của người Chăm và Thiên Ya Na của người Việt.

Đền thờ nữ thần Thiên Ya Na

Ngoài các nơi thờ phụng chính kể trên, suốt dọc Trung Bộ từ đèo Hải Vân tới cực nam Trung Bộ, đâu dâu cũng có miếu, điện thờ Thiên Ya Na với các danh thần khác nhau: Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Lồi, Bà Thu Bồn, Bà Bô Bô, Bà Phường Chào, Bà Thân Xứ, Bà Chúa Tiên, Bà Trường, Bà Mẹ Đất…

Nghi thức thờ Mẫu ở Trung Bộ (trừ Huế là Mẫu Tam phủ) đều không có hệ thống lên đồng, mà theo hồi cố xưa kia, chỉ có dạng múa bóng theo kiểu người Chăm, nay vẫn còn ở một số địa phương. Các miếu, điện thờ thường là phối thờ nhiều vị nữ thần, trong đó có Thiên Ya Na thường là thần chủ.

Từ các nữ thần Ngũ Hành nương nương, Tứ vị Thánh nương đến các Mẫu thần đầy quyền uy: Pô Inư Nưgar, Thiên Ya Na, Thiên Hậu, Phật Bà Quan Âm,…đều là các vị thần biển hay gắn bó với biển. Họ đều là các phúc thần, là lực lượng che chở, đùm bọc, cứu khổ cứu nạn cho con người, nhất là các ngư dân trước biển cả vừa hiền hòa, vừa giàu có, lại vừa hung dữ, đầy thách thức, đe dọa. Tính hai mặt của biển cả cũng phần nào được phản ánh trong tính cách và sự chuyển hóa tính cách của các vị nữ thần, từ một ác thần chuyên phá phách, gây họa trở thành một phúc thần hay sự hiện diện của hai tính cách đối lập nhau ấy, mà vấn đề còn lại là ở sự ứng xử của con người.

Quá trình hình thành và tồn tại hệ thống thờ Mẫu ở Trung Bộ thể hiện tính hỗn dung và văn hóa bản địa khá cao. Trung Bộ, nhất là trung và nam Trung Bộ, vốn xưa là quê hương của người Chăm và là cái nôi sản sinh văn hóa Chăm pa rực rỡ. Từ sau thế kỉ XI, cùng với việc mở rộng cương vực quốc gia Đại Việt, tại đây đã diễn ra quá trình hỗn dung, giao lưu Việt – Chăm trên các phương diện chủng tộc và văn hóa. Nhiều cộng đồng địa phương người Chăm đã hỗn huyết với người Việt mới tới, dần trở thành người Việt. Nhiều thành tựu văn hóa đã được chuyển giao theo hai chiều, người Việt tiếp nhận văn hóa Chăm và ngược lại, người Chăm tiếp nhận văn hóa Việt, quá trình hỗn dung và tiếp biến này sâu sắc tới mức ngày này ta khó phân biệt đâu là Việt đâu là Chăm.

Lễ hội ở Đền thờ nữ thần Thiên Ya Na 

Trên bình diện tín ngưỡng tôn giáo nói chung và thờ Mẫu nói riêng, quá trình hỗn dung và tiếp biến này thể hiện rất rõ. Dưới hình thức thờ các vị thần của người tiền khai khẩn, nhiều làng người Kinh nhờ các vị thần gốc Chăm. Tuy nhiên, điển hình hơn cả vẫn là việc người Kinh, Việt hóa bà mẹ Chăm vĩ đại Pô Inư Nưgar thành thiên Ya Na – Bà Chúa Ngọc và được các cộng đồng người Việt khắp nơi thờ phụng, được nhà nước quân chủ Đại Việt phong thần. Kèm theo đó, không ít các sinh hoạt nghi lễ và phong tục được người Kinh tiếp nhận và Việt hóa, góp phần làm phong phú đời sống tín ngưỡng và văn hóa của những cộng đồng cư dân mới tới.

Tín ngưỡng tôn giáo nói chung và tín ngưỡng thờ nữ thần nói riêng ở Trung Bộ thể hiển rõ nét hơn tính dân gian và tính cung đình. Nếu không kể tới việc các vương triều Chăm pa tôn sùng Pô Inư Nưgar là vị thần nữ tối thượng của Vương quốc và xây đền, tạc tượng vàng, tượng ngọc để phụng thờ. Điều này không có gì khó hiểu đối với một số xã hội mẫu hệ như xã hội người Chăm. Còn với các vương triều Đại Việt lấy phụ quyền làm nền tảng thì ít nhất cũng có hai sự kiện lịch sử mà qua các vị thần linh ở Trung Bộ, trong đó tiêu biểu là các nữ thần được phong thần và thờ phụng dưới dạng cung đình hóa. Đó là việc các vua quan thời Lý, Trần trong quá trình Bình Chiêm và mở rộng bờ cõi về phía nam, tương truyền đều được các nữ thần Tứ Vị Thánh Nương, Thiên Ya Na phù trợ nên sau chiến thắng, để trả ơn, triều đình đều phong thần và xây cất đền miếu thờ phụng. Điển hình hơn cả là các vị vua triều Nguyễn, một triều đại định đô tại Trung Bộ. Đó là trường hợp vua Gia Long, thời còn chiến tranh với anh em nhà Tây Sơn, đã từng được Cá Ông và Linh Sơn Thánh Mẫu linh ứng cứu giúp nên thoát nạn. Gần đây hơn là trường hợp vua Đồng Khánh, tương truyền được Thánh Mẫu ở điện Hòn Chén báo mộng và phò giúp nên đã lên ngôi Hoàng Đế, sau đó vị vua này đã trở thành tín đồ của Đạo Mẫu, bỏ tiền tu bổ đền điện, sửa sang lễ nghi mang tính cung đình. Đây cũng là cách kết hợp giữa vương quyền và thần quyền, làm chó nhiều tín ngưỡng dân gian được lên khuôn theo hướng lịch sử hóa, cung đình hóa.

Ban Nghiên cứu Tôn giáo

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top