banner 728x90

Tín ngưỡng thờ thần mặt trời trong văn hóa óc eo

13/05/2024 Lượt xem: 2391

Chúng ta biết rằng, thần Mặt trời là một trong những vị thần cổ được nhiều dân tộc trên thế giới thờ cúng, nhất là các dân tộc làm nông nghiệp. Trong nông nghiệp, Mặt trời là một trong những yếu tố thiên nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ các di tích và di vật quật khảo cổ ở phát hiện được ở Khu di tích Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp, đã cho thấy sự tồn tại của tín ngưỡng thờ thần Mặt trời trong đời sống tinh thần của cư dân thời văn hóa Óc Eo.

​​​​​Di tích đền thần mặt trời phía Nam Tháp Mười Cổ Tự

Ánh sáng Mặt trời có khả năng chi phối sự sống trên trái đất, sự tồn tại của con người. Những bộ tộc làm nông nghiệp, sau đó là những nhà nước sơ khai xem thần Mặt trời là một trong những vị thần tối thượng. Chẳng hạn như trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại thì thần Ra là vị thần Mặt trời. Trong thần thoại Hy Lạp, Helios chính là vị thần hiện thân của ánh sáng Mặt trời một biểu tượng của tự do và thống nhất. Trong văn hóa Việt, thờ thần Mặt đã có từ thời Hùng Vương, với bằng chứng còn lại là những biểu tượng trống đồng. Đó là những ngôi sao nhiều cánh, thường là 12 cánh, đắp nổi trên mặt trống đồng. Và trong văn hóa Ấn Độ, thần Mặt Trời được gọi là thần Surya hoặc thần Aditya. Thần có những cánh tay và mái tóc vàng rực, cưỡi trên cổ xe bình minh có 7 con ngựa kéo, thần được xem là "nhân chứng của những việc làm tốt", cho nên thần được thờ cúng rất phổ biến ở Ấn Độ. Văn hóa Óc Eo chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ trong các phương diện của đời sống vật chất và tinh thần mà nổi bật nhất là trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, cho nên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ thần Mặt trời.

Tại Khu di tích Gò Tháp trước đây, các nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm thấy được một tượng thần Surya, hiện nay tượng được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Tượng đã bị gãy hai tay đến ngang bắp tay và hai bàn chân, chiều cao còn lại là 62cm. Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học, tiêu biểu cho nghệ thuật tượng tròn của cư dân Phù Nam; là bằng chứng thuyết phục nhất cho sự tồn tại của tín ngưỡng thờ thần Mặt trời trong văn hóa Óc Eo tại Gò Tháp.

Kết quả khai quật khảo cổ học những năm gần đây cho thấy, tín ngưỡng thần Mặt trời trong văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp đã có từ rất sớm được thể hiện rõ nét qua những phát hiện về di tích, di vật. Hiện nay, tại Khu di tích Gò Tháp có hai kiến trúc thờ thần Mặt trời: Một là, đền thờ thờ biểu tượng thần mặt trời phía Nam chùa Tháp Linh được phát hiện và khai quật năm 2010. Toàn bộ nền và móng kiến trúc là khối đặc xây bằng gạch, vật liệu xây cất gồm các loại gạch màu đỏ gạch, nâu đỏ, vàng nhạt, kích thước trung bình 30cm x 15cm x 8cm. Ở trung tâm của đền, ngay dưới độ sâu 0,2m đã tìm thấy đá được xếp thành hình tròn. Đó là dấu hiệu của đền thần Mặt Trời ở một vài nơi trên thế giới. Bên dưới của vòng tròn này cứ thu hẹp dần tạo dạng hình phễu và dưới cùng, ở độ sâu 1,37m tìm được hai mảnh vàng, trong đó có một mảnh có vòng tròn hình mặt trời có 8 tia hoặc là bánh xe có 8 nan của chiếc xe Mặt trời và một mảnh có hình tia mặt trời. Có thể nói, việc tìm được phần xây bằng đá hình tròn bên trên và tìm được hình mặt trời 8 tia/bánh xe có 8 nan bằng vàng bên dưới, chứng tỏ di tích này chính là đền thờ thần Mặt trời. Di tích này có niên đại khoảng thế kỷ I đến thế kỷ III.

​​​Di tích đền thần mặt trời Gò Bà Chúa Xứ

Di tích kiến trúc đền thần Mặt trời thứ hai ở cạnh Miếu Bà Chúa Xứ. Kiến trúc được xây bằng gạch, thuộc loại kiến trúc có cạnh bẻ góc nhiều lần, cân xứng giữa hai phần Bắc Nam. Bề mặt nền kiến trúc được xây thành những ô vuông bàn cờ. Trung tâm nền gạch thờ có một hình hoa thị tám cánh hay hình tia Mặt Trời, xếp bằng tám viên gạch, chỉ theo bốn hướng chính và bốn hướng phụ. Toàn bộ móng kiến trúc là một khối đặc xây bằng gạch, chỗ dày nhất của nền kiến trúc là 1,4m. Căn cứ vào dấu tích nền móng, kích thước và chất liệu gạch khác nhau, thể hiện đền Bà Chúa Xứ đã có ba lần trùng tu, tôn tạo. Điều đó cho thấy rằng tín ngưỡng thần Mặt trời của cư dân Gò Tháp có thời gian khá dài. Di tích này có niên đại khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ XII.

Với hai di tích kiến trúc đền thờ thần Mặt trời, cùng với các di vật liên quan đến tín ngưỡng thờ thần Mặt trời đã chứng minh thần Mặt Trời một trong những vị thần quan trọng văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp và đã được tôn thờ từ rất sớm. Bên cạnh đó, nó chính là những bằng chứng thuyết phục nhất cho các mối quan hệ giao lưu và tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ mà sâu sắc nhất là trong đời sống tín ngưỡng, bổ sung những tư liệu quý về khảo cổ học cho nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Nam bộ nói chung.

Ban Nghiên cứu văn hóa

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top