Người Xê Đăng có khái niệm gọi thần là Yàng, là bốc, là dạ. Nhưng cách gọi phổ biến, rộng rãi nhất là Kia hoặc Kiếc dùng để chỉ các vị thần. Trong nghi lễ thờ cúng, người Xê Đăng coi trọng nhất là ông trời, thần sấm sét (Chư drai) hay thần lúa (Xri). Tâm thức của họ luôn mong chờ một sự che chở linh thiêng vô hình và tìm đến sự nương tựa để chống đỡ những mối đe dọa đến đời sống của họ.
Thần Yàng trong tín ngưỡng người Ba Na
Người Ba Na, Yàng được gọi một cách tôn kính là ông bốc (Bok), bà dạ (Yã). Trong đó Bốc Kơi Đơi, Dạ Cung Ké được coi là hai vị thần quan trọng nhất, là những vị thần sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài. Bên cạnh những vị thần quan trọng, người Ba Na còn thờ kính các vị thần như Bốc Roih (thần voi), Bốc Kla (thần cọp), Dạ Nôn (bà thiện), Dạ Cầu (bà ác), Yàng Đăk (thần nước), Yàng Kông (thần núi)...
Ở người Gia Rai cũng có rất nhiều thần linh được đồng bào coi trọng như thần nhà (Yàng Seng), thần làng (Yàng Alabôn), thần nước (Yàng Pênla)... Đồng bào quan niệm đó là những vị thần gần gũi với người dân, giúp người dân có nhà ở, bảo vệ mùa màng, làng mạc... Ngoài ra, người Gia Rai còn thờ cúng các vị thần khác vào những ngày lễ như thần đất, thần sét...
Một nghi thức trong lễ cúng thần rừng
Trong tín ngưỡng thờ thần, người Giẻ Triêng chưa có sự đồng nhất giữa các cách gọi để phân biệt giữa đâu là thần, thánh và ma quỷ. Nhìn chung, tín ngưỡng đang còn nằm ở dạng đa thần. Tuỳ vào từng nơi, bản làng mà người dân gọi Yàng hoặc Năm để chỉ đến lực lượng siêu nhiên nào đó liên quan đến đời sống của họ.
Ở người Brâu, dù là một dân tộc có số lượng ít nhất so với các dân tộc khác ở Kon Tum nhưng tín ngưỡng thờ thần thì rất phong phú và đa dạng như thần mặt trời (Yàng mắt ngay), thần rừng (Yàng Bri), thần nước (Yàng đúc),...
Có thể nói, thế giới tâm linh của các cư dân bản địa Kon Tum rất phong phú, đa dạng. Thế giới đó đã tác động mạnh mẽ đến đới sống của đồng bào nơi đây. Chính những yếu tố đó đã chi phối đến cách ứng xử của họ đối với cộng đồng.
Ban Nghiên cứu Văn hóa