banner 728x90

Tín ngưỡng thờ Po Cei Khai Mâh Bingu của người Chăm

16/05/2024 Lượt xem: 2411

Cộng đồng người Chăm thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ cúng cho Po Cei Khai Mâh Bingu trên núi theo định kỳ từ 3 - 5 năm/lần. Việc thờ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu nhằm mục đích cầu mong thần phù hộ cho cuộc sống dân làng ấm no và hạnh phúc. Vị trí di tích đền thờ Po Cei Khai Mâh Bingu nằm trong khu rừng (Kalong) thuộc địa phận huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Po Cei Khai Mâh Bingu là con trai của Po Haniim Par.

Các bước chuẩn bị cúng lễ Po Cei Mâh Bingu

Khu thờ Po Cei Khai Mâh Bingu là một ngôi mộ được đắp bằng cát. Xung quanh ngôi mộ là hệ thống vòng thành được làm bằng những viên đá xếp chồng lên nhau cao khoảng 50cm. Hệ thống vòng thành bằng đá gồm có 2 lớp, bên trong được phân chia ra thành khu vực như khu vực nhà bếp (ở phía Tây Nam): Dùng làm nơi bảo quản lương thực thực phẩm và chế biến thức ăn để dâng lễ vật cúng cho thần linh. Khu vực thờ thần sấm sét (ở phía Đông), đền thờ thần sấm sét được xây bằng những viên đá xếp chồng lên nhau. Khu vực thờ thần sấm sét do các chức việc (Halau Balang) phụ trách việc cúng kính.

Khu vực dành cho bộ phận chức việc (ở phía Đông Nam), các Halau Balang ngồi tập trung tại một khu vực riêng gần lối ra vào đối diện với khu vực nhà bếp. Họ có nhiệm vụ bảo vệ, kiểm soát các lễ vật người dân mang đến cúng lễ và khu vực trung tâm, là nơi có ngôi đắp bằng cát và lễ vật dâng cho thần linh. Ở vị trí trung tâm chỉ dành các chức sắc Acar, Maduen, Ka-ing, Kadhar, Pajau, người múa lễ và ban nhạc lễ. Người dân chỉ bước vào khu vực trung tâm khi dâng lễ và khấn vái. Ngoài hệ thống vòng thành đá làm không gian thờ chính, cách đó khoảng 1km còn có dấu tích thành lũy được xây dựng bằng những tảng đá xếp chồng lên nhau cao 1-2m có chiều dài khoảng 5 km.

Theo người chủ trì nghi lễ, có thể phân chia nghi lễ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu gồm có 3 nghi lễ chính: Nghi lễ Pa-mruai do chức sắc Po Acar làm chủ trì, nghi lễ Rija Harei do chức sắc Ka-ing và Maduen thực hiện và nghi lễ cúng Abu Rieng do chức sắc Kadhar và Pajau đảm nhận. Lần lượt các nghi lễ trên được tiến hành liên tục và kéo dài từ chiều tối cho đến sáng sớm ngày hôm sau.

Các chức sắc Acar ngồi ở hướng Nam đối diện với ngôi mộ được đắp bằng cát, vị chức sắc có hàng giáo phẩm cao nhất là ông Imâm. Trước mặt của ông Imâm đặt một chén lửa than để đốt trầm. Khi ông Imâm bắt đầu đọc kinh bằng tiếng Ả Rập thì các chức sắc Acar cùng đồng thanh xướng kinh. Công việc của chức sắc Acar chỉ đọc kinh hành lễ không có dâng lễ vật. Trong lúc, các Acar đọc kinh người dân chấp tay khấn vái, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống, cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình bình an và hạnh phúc. Nhiệm vụ của chức sắc Acar chỉ thực hiện nghi lễ Pa-mruai. Họ có một bàn tổ riêng trong khu vực thờ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu. Tại bàn tổ của chức sắc Acar có đặt 1 nải chuối, khay trầu cau, trái cây, bánh ngọt và ấm nước trà.

Không gian tổ chức nghi lễ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu

Tại lễ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu chức sắc Maduen thỉnh mời thần linh, vừa vỗ trống Baranâng vừa hát về truyền thuyết các vị thần. Chức sắc Ka-ing rót rượu mời thần và múa lễ chính. Ban nhạc lễ gồm có trống Ginăng, kèn Saranai và chiêng hòa tấu với nhau để cho ông Ka-ing múa. Ngoài ra, còn có một ban nhạc lễ của người Churu tham gia gồm một cái trống (dùng để vỗ giữ nhịp bằng tay không dùng cây dùi gõ như trống Ginăng của người Chăm), lục lạc (grong) và kèn Kabot (kèn bầu).

Ngay sau khi các chức sắc Ka-ing và Maduen dâng lễ xong, các chức sắc ông Kadhar và Pajau tiếp tục sắp xếp lễ vật để dâng cúng. Lễ vật dâng cúng chính là 1 cặp gà thịt gà luộc, có 1 con gà trống và 1 con mái. Ngoài ra, còn có khay trầu cau, 2 quả trứng, 1 chén cơm (lisei hop), 10 chén canh, 4 chén cơm và 1 xị rượu.

Sau phần cúng của làng, các gia đình sắp xếp lễ vật để dâng lên thần nhằm mục đích trả nợ theo lời hứa hoặc để khấn cầu thần phù hộ. Lễ vật cúng Abu Rieng gồm có 2 con cá nướng (thường là cá lóc), cháo và chè ngọt. Con cá nướng được đặt trên vỉ tre có lót lá chuối, cháo đựng trong chén đặt trên 2 mâm lễ. Mỗi mâm đặt 4 chén cháo và 1 đĩa xôi. Một lượt cúng khoảng 8 - 12 gia đình, các chức sắc Kadhar và Pajau phụ giúp người dân sắp xếp lễ vật. Gia đình nào cúng gà và làm cơm hộp (lisei hop) thì lễ vật có thêm 1 trái dừa khô. Ngày hôm sau, gia đình nào có con cái khó nuôi thường xuyên bệnh tật họ xin phép được tổ chức nghi lễ đeo vòng tay, vòng chân cho đứa trẻ, các chức sắc phân công nhau thực hành nghi lễ theo nguyện vọng của người dân.

Như vậy, tín ngưỡng thờ Po Cei Khai Mâh Bingu ở trên núi đã có từ lâu. Nhưng, do địa hình núi non hiểm trở đi lại khó khăn nên người dân khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh đã thỉnh thần về làng lập đền thờ để thuận tiện cho việc dâng lễ và cúng kính. Mặc dù, đã lập nơi thờ phụng mới trong làng nhưng người dân vẫn tưởng niệm thần tại nơi thờ phụng cũ. Do đó, cứ chu kỳ khoảng 3-5 năm người dân lại tổ chức dâng lễ ở trên núi. Tín ngưỡng thờ Po Cei Khai Mâh Bingu là sự tổng hợp của nhiều nghi lễ, có sự tham gia của các chức sắc Po Acar, Ka-ing, Kadhar và Pajau. Đặc biệt có cả tộc người Churu, Kaho, Chăm trên địa bàn huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc cùng thực hành chung nghi lễ. Qua đó, cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng các tộc người thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Ban Nghiên cứu Văn hóa


 

Tags:

Bài viết khác

Chùa Hang – Nơi Phật giáo đầu tiên du nhập vào Việt Nam

Chùa Hang nằm ở khu 1 thuộc phường Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo các tài liệu nghiên cứu thì chùa được một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc (có tài liệu ghi là người Ấn Độ) đã đến cư trú tại hang và mở chùa này vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.

Nguồn gốc và ý nghĩa lá cờ Phật giáo

Từ quốc gia cho đến các tổ chức trong xã hội, đều phải có một biểu tượng, cờ chính là một trong những biểu tượng. Phật Giáo không nằm ngoài quy ước đó. Cờ Phật giáo là một lá cờ được thiết kế vào cuối thế kỉ XIX nhằm tượng trưng và đại diện một cách thống nhất cho Phật giáo và được tất cả Phật tử trên khắp thế giới sử dụng.

Ảnh hưởng của đạo Công giáo đến nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc và văn học

Đạo Công giáo đã có một ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ kiến trúc nhà thờ tráng lệ, hội họa tôn giáo, âm nhạc cổ điển đến những tác phẩm văn học kinh điển.

Tứ đại thiên vương trong đạo Phật

Tứ đại thiên vương được xem là những người canh giữ thượng giới, bảo vệ nhân gian, chống lại tà ma ác quỷ, tứ đại thiên vương đều là những vị thần có pháp lực vô cùng cao cường.

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Tây Ninh

Trong các kinh sách Phật giáo thường nhắc đến Thiện Trụ Long Vương, Nan Đà, Bạt Nan Đà Long Vương, A Nậu Đạt Long Vương… đều là những Long Vương theo Phật pháp Đại thừa, tinh tấn tu hành.

Nét độc đáo trong lễ Kỳ yên ở đình làng Trảng Bàng

Quá trình hình thành và phát triển, Trảng Bàng là nơi hội tụ của nhiều tộc người, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo tại địa phương.

Các nghi lễ trong lễ hội

Do sự phong phú, đa dạng của đời sống văn hóa, nhất là về tín ngưỡng, tôn giáo đưa đến và quy định nên người Việt có rất nhiều lễ hội, diễn ra quanh năm ngày tháng, ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi lễ hội mang một sự độc đáo riêng có. Tuy nhiên, về nghi lễ, các lễ hội đều thực hiện nhiều nghi thức mang tính bắt buộc. Các nghi thức này được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khi chuẩn bị lễ hội cho đến khi hết hội.

Ngày giỗ của người Thiên chúa giáo

Ngày giỗ là ngày kỷ niệm người chết qua đời, để tỏ lòng thương nhớ người đã khuất, đó là cách tốt nhất để con cháu tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Bởi vậy, dù là lương hay giáo thì tất cả đều làm giỗ, trong từng chi tiết có phần khác nhau, nhưng tựu trung lại đều tỏ lòng hiếu nghĩa mà không trái với đạo giáo.
Top