banner 728x90

Tín ngưỡng thờ ông Tà ở Cần Thơ

24/04/2024 Lượt xem: 2424

Trong quá trình giao tiếp, cư dân người Việt tiếp nhận vị thần Đất của người Khmer bằng cảm quan cho phù hợp với tâm tính của dân tộc mình. Từ đó, có tính ngưỡng thờ ông Tà (NeakTa) với chức năng của một vị thần Đất ra đời. NeakTa là vị thần đất của người Khmer, có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ đá ở Nam Á cổ xưa. Thờ đá là một tín ngưỡng nguyên thủy rất phổ biến trên thế giới. Với quan niệm những tảng đá, viên đá là nơi trú ngụ lý tưởng của các thần linh có thần lực cực mạnh (như sức mạnh rắn chắc của đá), người xưa coi đá là một trong những vật vô cùng linh thiêng. Theo dòng chảy của thời gian, tín ngưỡng thờ đá có ở nhiều nơi trên thế giới và có nhiều hình thức thể hiện khác nhau.

Cần Thơ đã là vùng đất quần cư của nhiều tộc người. Trong đó, người Việt, người Khmer, người Hoa có mặt ở vùng đất này từ rất sớm. Họ cùng chung tay chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt của buổi đầu khẩn hoang. Khi đất đai đã được thuần, các dân tộc này lại cùng đoàn kết để cày cấy, đánh bắt, nuôi trồng… chung sống hòa bình trên vùng đất mới. Vì lẽ đó, văn hóa của các dân tộc tuy có nét riêng nhưng cũng có những điểm chung và chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Việc người Kinh và người Hoa lập miễu thờ thần NeakTa của người Khmer là điều hết sức bình thường. Ngược lại, người Khmer, người Hoa có niềm tin với Bà Chúa Xứ, Bà Cố Hỉ của người Chăm và Bà Thiên Hậu của người Hoa cũng không có gì lạ. Đó là kết quả tất yếu của giao tiếp văn hóa dân tộc, thể hiện mối quan hệ nhiều chiều trong nội bộ hoặc giữa các cộng đồng dân tộc, chủ yếu bao gồm các quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa. Trong các loại hình đó, giao tiếp trong tín ngưỡng thờ ông Tà là một đặc điểm nổi bật.

Nghi lễ cúng Neak ta của đồng bào Khmer

Ở khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, tín ngưỡng này vẫn tồn tại dưới hình thức thờ cúng rất nguyên sơ. Cư dân của nhiều cộng đồng dân tộc trong vùng Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar…) coi đá như là vật bảo mệnh của cả cộng đồng. Người ta xếp đá thành từng đống lớn trước cửa làng, đặt đá dưới cây cột hiến tế cạnh ngôi nhà chung của làng, hoặc đặt trên bàn thờ cạnh các tượng Phật để thờ cúng. Thậm chí, ở một số dân tộc, đá còn được xếp ở các kho thóc để canh giữ, bảo vệ sự an toàn cho các thần lúa, hồn lúa… Không chỉ có vậy, cư dân trong vùng còn thường xuyên mang theo mình một vài viên đá với hy vọng, thần lực của thần linh trong những viên đá lấn át mọi thần lực gây hại, bảo vệ họ khi họ bị thần lực gây hại tấn công.

NeakTa là vị thần trông coi sức khỏe và sự thịnh vượng ở những nơi mà ông gìn giữ. Ông chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở đó, nên mỗi khi có dịch bệnh, mất an ninh trong phum sóc, mùa màng thất bát, nhất là khi hạn hán xảy ra, người ta đều làm lễ cúng NeakTa. Vì vậy, NeakTa là vị thần của dân gian, đồng thời cũng là vị thần có quyền uy tối thượng khiến những kẻ làm ác phải kiêng dè. Nơi thờ cúng NeakTa thường là những ngôi miễu nhỏ, đơn sơ được làm bằng cây lá dựng ở khúc quanh con đường, ở ngã ba sông hay dưới gốc cây to trong mỗi ấp; cũng có khi miễu thờ được xây to hơn bằng gạch được đặt trong khuôn viên chùa, hay ở một vị trí trung tâm nào đó trong phum, sóc. Trên bệ thờ mỗi miễu thường là những viên đá cuội bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân của NeakTa.

Miễu Ông Tà ở Đình Thới Bình, TP. Cần Thơ

Trên bước đường khai hoang mở cõi, những lưu dân người Việt từ miền ngoài vào không khỏi lo lắng trước một thực tế thiên nhiên còn hoang sơ, những nỗi lo về dịch bệnh, thú dữ… luôn thường trực trong cuộc sống. Họ có tín ngưỡng thờ ông Thổ thần, Thổ địa, nhưng cũng kính trọng quyền năng của các vị NeakTa. Để yên tâm trong công cuộc phá rừng, đào mương, cày cuốc… họ cũng dần tiếp nhận niềm tin vào vị thần Đất của người Khmer đang ngự trị trên khu vực đất đang khai phá với ước mong được yên ổn làm ăn, cầu xin thần phù hộ tai qua nạn khỏi… Trong quá trình giao tiếp, lưu dân người Việt lần hồi tiếp nhận vị thần này bằng cảm quan cho phù hợp với tâm tính của dân tộc mình. Từ đó, có tính ngưỡng thờ ông Tà với chức năng của một vị thần Đất ra đời.

Tập quán thờ NeakTa với tư cách là thần sông, thần cây đa, thần giếng nước của người Khmer được người Việt tiếp tục thực hiện nhưng có ít nhiều cải biên cho phù hợp với tín ngưỡng của địa phương. Miễu ông Tà của người Việt cũng được dựng lên đơn sơ như miễu NeakTa của người Khmer bản địa, cũng với vài hòn đá có hình trái dưa gang, được dựng ở ven sông, ven đường, gò đất cao nơi hoang vắng… Miễu là cái am nhỏ khoảng một mét vuông, thường là theo kiểu nhà sàn, bên trong bài trí đơn sơ với vài viên đá hình tròn hoặc bầu dục, một lọ cắm nhang, vài chung nước.

So với thần NeakTa của người Khmer thì quyền năng của ông Tà người Việt ít hơn nhiều. Trong khi nội dung thờ NeakTa của người Khmer là cả một hệ thống niềm tin tín ngưỡng rất phong phú, bao gồm nhiều chức năng vừa là thần của một vùng núi rừng, ruộng rẫy, làng xóm… vừa là tôn thờ nhân vật có công với làng nước, vừa là ông tổ của một dòng họ… thì ông Tà của người Việt chỉ có chức năng cai quản khu vực đất ruộng rẫy, không nằm trong khuôn viên đất thổ cư.

Ban Nghiên cứu văn hóa

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top