banner 728x90

Tín ngưỡng thờ các vị thần thời Hùng Vương mang tên Việt Nam Lạc Thị

16/04/2024 Lượt xem: 2425

Tỉnh Bắc Ninh ven dòng sông sông Đuống, thuộc huyện Thuận Thành và huyện Gia Bình, tín ngưỡng thờ các vị thần thời Hùng Vương được mang tên Việt Nam Lạc Thị.

Thần tích về các vị Lạc Thị ở Bắc Ninh theo thần phả làng Nghi Khúc, xã An Bình, Thuận Thành, như sau:

“Xưa Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai, dáng vẻ xinh đẹp, trí dũng kiêm toàn, người người đều nể phục. Năm mươi người con theo cha về biển, chia trị các xứ bờ biển. Năm mươi người con theo mẹ về núi chia trị núi rừng đất đai các xứ. Tôn con trưởng danh hiệu Hùng làm vua. Thứ làm Lang. Truyền 18 đời gọi là Hùng Vương. Tên nước là Văn Lang.
Tổ thờ ở Á Lữ. Tổ đi chu du thiên hạ, kiến xem hình thế. Một lần qua làng, thấy trước có 3 chẽ sông quanh co. Sau có 3 ngọn núi nhấp nhô đẹp đẽ. Sơn thủy hữu tình. Nhân đó dựng hành cung ở bờ sông, đặt tên là Nghi Giang cung. Chợt thấy 3 con rồng, mình dài vài trượng, lưng to mấy vòng. Trên đỉnh đầu có ấn vàng. Trong ấn nổi lên 2 chữ LẠC VƯƠNG. Lối lên ở ngã ba sông. Cá, tôm, rùa, ba ba đi theo. Sóng to gió dữ không thể kể xiết. Sau đó một đi chơi vùng Đại Đoan (nay là Đại Bái – Đoan Bái sông), một đi chơi sông Nghi Tuyền (nay là Nghi An sông), một đi chơi sông Bình An (nay là Bình Ngô – Yên Ngô sông).
Khoảnh chốc trở lại chỗ rồng nổi lên, vua thấy khác lạ, bèn ghi mật chúc rằng: “Đây là nơi rồng ẩn”. Về sau đời đời xa cách, vật đổi sao dời. Chỗ đó chỉ còn nền cung, tre lá, cây cỏ mọc lên thành bụi, rất lấy làm lạ. Sau hơn một trăm năm ở nơi sông này có một ngày mưa gió rất lớn, nghe như biển động chừng 1 canh giờ. Mây mưa chợt tạnh. Nhân dân nhìn thấy nền cung cũ gần nửa biến thành một đầm nước lớn, sâu bao nhiêu chẳng biết mà đo. Tục gọi là “Vực Thiêng”.
Dân bèn dựng miếu thờ. Gặp năm tai hạn, dân đốt hương khẩn cầu: Hoạn này hãy qua, yên tạnh như có nắng hạn được mưa, mùa màng tươi tốt. Nhân dân địa phương cảm kích vui mừng, nhân đó dựng đền thờ ở nơi cũ. Thờ cúng hàng năm.
Thủy thần ba vị tên chữ gọi là:
– Việt Nam Lạc Thị Đệ nhất Đại vương
– Việt Nam Lạc Thị Đệ nhị Đại vương
– Việt Nam Lạc Thị Đệ tam Đại vương.
Trải qua các triều đại vua ban tặng. Hàng năm cứ đến tháng Hai ngày mùng 4, làng vào đám nhập tịch. Già trẻ nghi lễ khênh rước đến đền thờ, mật xin thần hiệu, múc một bình nước rước về đình (tên đình là đình Phúc Lộc), làm lễ cầu phúc. Năm nào bình nước thơm mát thì được mùa – bình yên tươi tốt. Nước chua thiu – gặp tai. Nước nhạt đục – ấy hạn. Rất có linh ứng. Thường ngày tùy theo dân đến cầu mong điềm lành, điều tốt.
Đến năm Cảnh Hưng dân địa phương có nạn binh lửa. Vật quý cũ sắc tặng phong các đạo bị thất lạc. Sau này lại được khâm mông làm:
– Tôn thần Việt Nam Lạc Thị Linh ứng Khai sơ Sáng thủy Khải minh Thùy hiến Uông nhuận Dực bảo Trung hưng Đại Vương.
– Hương Mát Hùng tài Đại lược Anh nghị Quả đoán Linh thông Hiển ứng Anh uy Hùng lược Đặc đạt Đại Vương.
– Quý Lang Diên hựu Đốc hỗ Tích chỉ Phong công Khải thánh Tập cái Từ tường Đoan chính Tập phúc Chiêu tường Đại Vương
.

Đây là khu vực duy nhất có tư liệu nói về Lạc Vương (3 con rồng trên đầu có ấn có chữ Lạc Vương). Tên “triển khai” đầy đủ của Lạc Vương ở đây là Việt Nam Lạc Thị Đại vương. Việt là chỉ tộc Việt, đất Việt. Nam là đất phương Nam, khởi dựng từ Kinh Dương Vương thụ mệnh vua cha làm vua phương Nam. Lạc Thị là họ Lạc, ở đây là Lạc chứ không phải họ Hùng. Lạc Thị là một giai đoạn của thời đại Hùng Vương.

Có 3 vị Lạc Thị là 3 vị thủy tổ của Việt – Nam mang họ Lạc. Các đền đình thờ Lạc Thị ở Bắc Ninh nay thường chuyển thành thờ các vị thủy tổ người Việt, mà cụ thể một số nơi theo tư liệu sắc phong và thần tích cho biết trước đây thờ thần Việt Nam Lạc Thị thì:

  • Đền Á Lữ, Thuận Thành nổi tiếng được biết đến vì là nơi có lăng Kinh Dương Vương. Ngoài Kinh Dương Vương ở Á Lữ còn thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ và vua Hùng Quốc Vương.
  • Đình làng Đại Bái (Bưởi Nồi), Gia Bình nay được ghi là thờ Lạc Long Quân.
  • Đền làng Bình Ngô, Thuận Thành nổi tiếng với cuốn Hùng Vương ngọc phả, tức là thờ chính là Hùng Vương.
  • Đình làng Đoan Bái (Bưởi Đoan), cùng cụm di tích 4 làng Bưởi với làng Đại Bái, nay trở thành một nơi thờ đủ các vị thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Quốc Vương.
  • Đình làng Ngọc Xuyên (Bưởi Xuyên) thờ thần Bách Noãn.

Như vậy tục thờ Việt Nam Lạc Thị là thờ các vị vua khai sáng “Việt Nam” và Bách Việt (Bách Noãn), lần lượt có thể xác định là:

  • Việt Nam Lạc Thị Đệ nhấtKinh Dương Vương như ở đền Á Lữ.
  • Việt Nam Lạc Thị Đệ nhịLạc Long Quân như ở đình Đại Bái.
  • Việt Nam Lạc Thị Đệ tamHùng Vương như ở đền Bình Ngô.

Đây cũng là 3 thời kỳ mà đã được phân chép trong Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ.

3 vị khai sáng tổ của dòng Lạc theo cha xuống biển đã hiển hóa thành 3 con rồng với dấu ấn Lạc Vương tại vùng ven sông Thiên Đức, lưu truyền thành tín ngưỡng thờ Lạc Thị. Sự tích này cũng cho phép giải thích vì sao chữ Lạc 貉 lại viết dùng bộ Trãi. Bộ Trãi 豸 biểu thị loài bò sát không chân, rất có thể gắn với hình tượng những con rồng Lạc trên dòng sông Đuống này.

“Vực Thiêng” ở làng Nghi Khúc (Bưởi Cuốc) vốn là hành cung Nghi Giang thời Lạc Thị, là chốn cực kỳ linh thiêng của nước ta, giống như khu vực “Giếng Việt” của thời sau vậy. Khu vực ven sông Đuống có lẽ chính là nơi xuất phát của truyền thuyết sinh trăm trứng (Bách Noãn) trong huyền sử Hùng Vương.

Sau thời kỳ Sơn triều với Tam vị Hùng Vương Thánh Tổ ở vùng núi Phong Châu, giai đoạn Lạc triều từ Kinh Dương Vương truyền qua Lạc Long Quân rồi các đời Hùng Vương được truyền thuyết hóa bằng con số 18 đời ở vùng đồng bằng ven sông biển.

Câu đối ở đình làng Đại Mão, Gia Bình, nơi thờ Tam vị Lạc Thị:

Thiên đãng thánh thần khai Bách Việt
Địa xưng văn hiến ngưỡng tam linh.

Tượng đồng Lạc Long Quân và Âu Cơ ở đình làng Đoan Bái, Gia Bình, Bắc Ninh.

Sắc phong cho Kinh Dương Vương miếu ở Á Lữ, Thuận Thành: Khai sơ Sáng thủy Khởi minh Thùy hiến Việt Nam Lạc Thị Linh ứng Trung đẳng thần.

Sắc phong năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) của làng Bình Ngô, Thuận Thành: Sắc Khai sơ Sáng thủy Khải minh Việt Nam Lạc Thị Linh ứng Trung đẳng thần.

Ba cỗ kiệu thờ Tam bậc thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương ở đền Bình Ngô, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Ngai vị ba vị Việt Nam Lạc Thị ở đình làng Nghi Khúc, xã An Bình, Thuận Thành, Bắc Ninh.

(Tác giả Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu, Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử)

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top