Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Thần thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu mang hình ảnh của người mẹ, người phụ nữ đôn hậu với quyền năng sinh sôi, sáng tạo, che chở và ban phúc cho con người. Đỉnh cao của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là hệ thống thờ Tam phủ - Tứ phủ cùng với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tín ngưỡng thờ hình tượng người phụ nữ (làm nền tảng đầu tiên cho tín ngưỡng thờ Mẫu) xuất hiện từ thời kỳ nguyên thủy sơ khai, khi con người có ý niệm về linh hồn người chết. Đã có nhiều lời giải cho sự ra đời, nguồn gốc hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu. Có ý kiến cho rằng: “nguyên nhân khởi phát tín ngưỡng thờ Mẫu là từ chế độ mẫu hệ. Trong thời kỳ nguyên thủy khi mà người phụ nữ đóng vai trò là chủ gia đình, là người có quyền quyết định mọi vấn đề to lớn trong gia đình, bộ tộc thì họ cũng góp phần quyết định vào sự tồn tại của xã hội.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là sản phẩm của xã hội nông nghiệp, ở đó còn những tàn dư của xã hội mẫu hệ, và vai trò của người phụ nữ được đề cao. Tín ngưỡng thờ Mẫu tôn vinh các nhân vật như: Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu… Tín ngưỡng thờ Mẫu còn được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn, đó là tín ngưỡng Mẫu Tam phủ- Tứ phủ.
Thờ Mẫu (Ảnh: Internet)
Trong đời sống của người Việt, thờ Mẫu là một tín ngưỡng nội sinh, xuất hiện từ rất sớm. Theo tín ngưỡng đó, các thần linh (như trời, đất, sông nước, rừng núi…) có khả năng siêu phàm điều khiển được thiên nhiên. Trong quá trình mưu sinh dựa vào đặc tính của vùng nông nghiệp canh tác lúa nước, người Việt luôn dựa vào thiên nhiên; họ tôn thờ các hiện tượng tự nhiên, coi tự nhiên là Nữ thần và Mẫu thần để cầu mong được bảo trợ và cứu giúp khỏi mọi khổ đau. Cho tới nay, người ta chưa biết chính xác tín ngưỡng thờ Mẫu có từ khi nào, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III hoặc thứ II trước công nguyên. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc ở miền Bắc từ lúc người Việt khai thác đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian của nhiều dân tộc, trong kho tàng đó có nhiều truyện kể về nguồn gốc ra đời của các tộc người. Ví dụ, có truyện kể rằng, “quả bầu mẹ” sinh ra các tộc người; có truyện kể về “đôi chim thần” đẻ trứng trăm, trứng nghìn, nở ra người Việt, người Mường, người Xá, người Thái, người Lư; có truyện kể về “bọc trăm trứng” nở trăm trai. Trên cơ sở đó, họ cho rằng, huyền thoại noãn sinh chính là cội rễ của mọi tục thờ “Thần Nữ”, “Thần Mẫu”, “Thánh Mẫu”, “Mẹ Trời”, “Mẹ Đất”, “Mẹ Nước”, “Mẹ Lúa”, “Mẹ Rừng”, “Mẹ Núi”.
Có thể cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng dân gian được hình thành trên nền chung là thờ Nữ thần, là tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp, được tích hợp từ tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ là loại hình thờ Mẫu đặc sắc, độc đáo và khá phổ biến đối với người Việt, được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đánh dấu bước phát triển cao và hoàn thiện hơn trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam
Thờ Mẫu thần là lớp thờ thứ hai trong tín ngưỡng thờ Mẫu, xuất hiện muộn hơn lớp thờ Nữ thần, phát triển từ thờ Nữ thần, mang biểu tượng cho sự sinh sôi sáng tạo, bảo trợ và che chở cho con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự bày tỏ lòng kính trọng, tôn vinh đối với người phụ nữ, nói lên khát vọng của con người luôn muốn vươn tới những điều tốt lành trong cuộc sống. Thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ là bước phát triển cao so với tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần.
Xuất phát từ một dân tộc có truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước, người Việt luôn ước vọng có cơm no áo ấm, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, nhưng ước vọng ấy không phải lúc nào cũng được toại nguyện do ảnh hưởng của thiên tai. Vì thế, người Việt đã theo đuổi và đặt lòng tin của mình vào lực lượng siêu nhiên đầy quyền năng; họ tôn thờ các vị thần linh thiên nhiên (trong đó có hình tượng các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp), các nữ thần này đại diện cho các hiện tượng tự nhiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Thần thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu mang hình ảnh của người mẹ, người phụ nữ đôn hậu với quyền năng sinh sôi, sáng tạo, bao bọc, ban phúc và che chở cho con người. Cùng với sự biến đổi của xã hội, xã hội phụ quyền thay thế xã hội mẫu quyền, nhưng vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội vẫn không thay thế được. Những người phụ nữ tài giỏi, có công đánh giặc giữ nước hay dạy nghề cho dân làng khi mất được nhân dân tôn thờ thành các thánh Mẫu. Lớp thờ Mẫu thứ hai sau lớp thờ Nữ thần chính là thờ Mẫu thần.
Trải qua lịch sử, trong quá trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu không những tiếp nhận sự ảnh hưởng tích cực của các tôn giáo (như Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo), mà còn tích hợp văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhờ đó tín ngưỡng thờ Mẫu có vị trí trong đời sống tâm linh của người Việt và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa (Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia), di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thưc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam