Ngày ấy, ba mẹ mình lo kiếm thật nhiều tiền để mua nhà ở trung tâm thành phố nên mình vừa đủ bốn tháng là ba mẹ gửi về quê, nhờ bà nội nuôi giúp.
Những ngày đầu không có mẹ, mình khóc và không chịu bú sữa bình. Nội thức cả đêm chăm sóc, dỗ dành nhưng mình vẫn khóc. Không ngờ, nhờ bầu vú nheo nhúm của nội, mình lại hết khóc và ngủ im thin thít. Cứ thế mình lớn lên bằng tình yêu và những giọt sinh lực cuối cùng mà nội nhọc nhằn vắt ra từ thân thể già nua, ốm yếu... Ngày đón mình lên thành phố, mẹ nỡ lòng nói những câu chua xót trước mặt nội: “Nhìn con giống đồ nhà quê quá! Người gì mà đen đúa, nhếch nhác, quê mùa... Trước khi đưa con lên thành phố, mẹ phải gột rửa hết sự quê mùa cho con”!
Mới hai năm sống ở thành phố nhưng mình cũng có thể so sánh được một đứa trẻ nhà quê và một đứa trẻ thành phố khác nhau như thế nào. Mình không phủ nhận những ưu điểm nổi bật về mặt vật chất mà một đứa trẻ thành phố nhận được nhưng so với những đứa nhà quê, nó chịu không ít thiệt thòi... Mình càng tự hào vì những bài văn miêu tả phong cảnh làng quê, cánh đồng, con vật…luôn được điểm chín, điểm mười và những lời khen ngợi của cô thì mình lại càng biết ơn những tháng ngày mình là đứa trẻ nhà quê trong tình yêu của nội!
Những ngày theo nội ra đồng cắt lúa, trồng rau, hái bắp, những buổi cùng bạn bơi sông, lội ruộng mò cua, bắt cá, những tối trốn nhà đi hái ổi bị chó rượt bí đường phải nhảy ùm xuống ao... cho mình những hiểu biết phong phú về thiên nhiên. Những lần theo nội đi đám cưới, đám giỗ cho mình lòng tự tin và sự lễ phép, ngoan hiền mỗi khi gặp người lớn. Những đêm được nội đưa đi nghe hát dân ca, chơi bài chòi giúp mình trở nên hồn nhiên, vui vẻ biết bao! Tất cả, giúp mình thấy yêu đời, yêu cuộc sống và yêu tha thiết những con người hiền lành, chất phác đang sống quanh mình... Mình thực sự không biết phải nói gì với nội. Mình chỉ ước có thể quay ngược thời gian để ngăn mẹ đừng nói mấy lời vô tình kia.
Mẹ mình bảo: “Con không phải mang theo bất cứ thứ gì. Mẹ đã mua đầy đủ và để sẵn ở nhà”. Dẫu mẹ có nói thế nào, mình vẫn nhất quyết mang theo mấy bộ quần áo nội mua, đặc biệt là mười hai con cào cào lá nội đã tự tay kết cho mình làm quà sinh nhật. Nó là tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng, mái lá và con sông quê hương của mình. Nó là những kỷ vật cuối cùng còn sót lại của tất cả những gì đã nuôi lớn mình thành đứa trẻ nhà quê mười hai tuổi...
Bây giờ, nội đã vĩnh viễn hòa mình vào từng nắm đất nơi nội được sinh ra, lớn lên và tạo ra những “con người thành phố giàu có, sang trọng” trong gia đình mình. Nhưng những ký ức về nội và về quê hương, về những thứ mẹ mình cho là quê mùa sẽ không bao giờ phai nhạt.
Cào cào lá! Cào cào lá ơi! Mỗi khi nhìn thấy cào cào lá là bao ký ức về quê, về nội lại ùa về, sống động như mới hôm qua. Cào cào lá! Cào cào lá ơi! Mình khát khao được quay trở lại ngày xưa để được làm đứa bé nhà quê nép vào lòng nội dù chỉ một phút thôi!
Thu Hương