banner 728x90

Tản văn: MÙA XUÂN TÂY NGUYÊN

06/01/2025 Lượt xem: 2530

Tôi đi trong trưa nắng của ngày cuối năm trên đất Tây Nguyên, lòng bâng khuâng bao nhiêu suy tư, nhung nhớ. Nắng vàng thế! Vàng như mật ong rừng, vàng như hoa cải bến sông nơi cố hương, vàng như đồng quê bịn rịn lúa chín, vàng như ánh chiều vàng hoe trên mái rạ thuở xa xưa... mùa xuân Tây Nguyên đã khiến bao người ngỡ ngàng đến ngơ ngẩn: mùa xuân nơi đây đầy ắp nắng vàng, ngăn ngắt trời xanh, lồng lộng từng cơn gió…

Nắng Tây Nguyên, nắng chói chang mà không gay gắt, cứ nồng nàn, ấm áp làm sao. Cả bầu trời kia nữa, chỗ thì xanh như nước biển, chỗ thì xanh màu lơ. Cuối trời xa, núi nhấp nhô xanh mờ, mây trắng đùn lên cuồn cuộn, bồng bềnh. Nắng ấy, núi ấy, màu trời ấy như thực mà như hư, tựa như khung cảnh trong huyền thoại, chàng Đam San dũng mãnh vượt núi băng rừng, đi tìm bắt Nữ Thần Mặt Trời; chàng Đam B’Ri quả cảm hy sinh thân mình bảo vệ buôn làng để dòng thác Búk So ngàn năm còn ngân mãi khúc ca bi tráng…

Lại thầm nhớ mùa xuân nơi đất Bắc. Lòng người xa quê, mỗi độ xuân về ai chẳng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn! Cỏ ven đê giờ này chắc đã lún phún xanh, những cánh đồng làng đã cấy hết chưa? Bến sông nhộn nhịp tiếng nói cười của các cô thôn nữ đang đãi gạo, rửa lá, chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày Tết.

Nếp trắng thế, lá dong xanh thế! Cây đào vườn xưa, lớp vỏ đen đúa xù xì đã rộp lên, bong tróc ra từng mảng để lộ ra làn da mới mịn màng, và trên những cành gầy guộc, xương xẩu đã bung ra những nụ hồng như hạt cườm hồng tươi sắc đỏ…

Ta lại ước ao, thèm muốn được đi trong mưa bụi như thuở ấy. Ôi những cơn mưa bụi ngày áp Tết. Mưa như sương như khói, mưa mịt mù, tơi tả. Lũy tre làng lờ mờ in trên màn trời đùng đục, khói bếp nhà ai bò trên mái ngói thâm nâu, la đà vấn vít rồi lẫn vào màn mưa mỏng. Ta muốn được đi trong màn mưa dịu dàng ấy, để những hạt mưa li ti phả vào mặt lành lạnh, bám trên mi trên tóc, phủ lấm tấm bờ vai, để được rùng mình xuýt xoa, nghe cái rét ngọt ngào đang thấm vào da thịt, nghe mùa xuân thương nhớ đang về.

Tôi lang thang qua những vườn cà phê đang nở hoa trắng xóa. Hoa ban làm nên mùa xuân Tây Bắc. Hoa mận, hoa đào điểm tô núi rừng Việt Bắc. Tây Nguyên cũng có mai vàng như Nam Bộ nhưng có lẽ hoa cà phê mới là vẻ đẹp riêng của vùng đất đỏ bazan này. Tạo hóa cũng khéo sắp đặt để cà phê nở hoa vào mùa xuân. Những chùm hoa xinh xinh như những quả ngù bông, cánh hoa từa tựa như hoa cúc, ken dày đặc trên cành. Trắng tinh, trắng ngần, trắng xóa.

 Miên man những vườn cà phê, bạt ngàn những đồi cà phê. Tôi không biết rừng Tai-ga của nước Nga xa xôi mùa đông đẹp nhường nào, chỉ biết rừng cà phê Tây Nguyên kỳ hoa nở trông xa như có tuyết phủ trên cành, như có ngàn vạn cánh bướm trắng đậu rợp tán lá. Hương hoa dịu ngọt, phảng phất. Ong mật vo ve tấu bản nhạc réo rắt. Ngỡ như ta đang lạc vào vườn tiên cảnh.

Tết đến, xuân về. Không khí rộn rực của mùa xuân cũng ngập tràn tới tận những buôn nhỏ. Người Ê Đê vốn không có tục ăn Tết Nguyên đán, chỉ có tục ăn Tết Cơm mới, Lễ hội đâm trâu, cầu mùa…, những lễ hội “ăn năm uống tháng”. Nhưng từ nhiều năm nay, bà con cũng hồ hởi đón xuân, cùng vui Tết với các dân tộc anh em khác.

Lúa ngoài đồng đã cấy xong rồi, trải một màu xanh non dịu mát. Cà phê cũng đã tưới xong nước đầu rồi, đang bung hoa trắng xóa. Mọi người tíu tít chuẩn bị mừng năm mới. Đường thôn ngõ xóm được phát dọn sạch quang, quét tước sạch sẽ. Cờ Tổ quốc được treo trước những ngôi nhà dài. Các mẹ, các chị, váy áo thổ cẩm lật phật, vừa đi chợ sắm Tết về, tay xách nách mang: bộ quần áo mới cho trẻ nhỏ, cặp rượu mầu, cân kẹo, hộp mứt, gói chè... đủ cả.

Tôi đã từng được uống rượu vui Tết cùng đồng bào. Chén rượu cần được cột vào cây tre tươi dựng giữa nhà sàn. Người vít cần đầu tiên, hút hơi rượu đầu tiên phải là khách. Phong tục của người Ê Đê là thế, rất quí khách. Cùng nhau uống, cùng nhau vui. Đêm đến, già làng sẽ cho đánh chiêng. Đêm cao nguyên mùa xuân, tiếng chiêng bay cùng gió, khi dập dồn hối hả, lúc chậm rãi khoan thai. Gió đưa tiếng chiêng khi đi xa, lúc lại gần… Bập bùng, mênh mang, vang vọng mà sâu lắng. Tiếng chiêng sẽ khiến người miền núi phía Bắc nhớ tới những đêm mùa xuân thiết tha câu hát lượn, người miền Kinh Bắc nhớ câu Quan họ tình tứ trẩy hội tháng Giêng, người vùng châu thổ sông Hồng nhớ những đêm hát chèo say mê với tới tiếng trống chèo giục giã.

Mùa xuân Tây Nguyên ắp đầy những dấu yêu, nhung nhớ. Và ta càng thêm yêu mảnh đất này.

Đào Hương Lan

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Đà Lạt, những chiều thu năm ấy

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đà Lạt vào một buổi chiều thu ba mươi năm trước. Tôi đi lang thang trên những con đường đất nhỏ bé vòng vèo, với một tâm trạng cô đơn, lãng du, đầy cảm xúc. Tiết trời se lạnh, tôi ngất ngây như lạc vào miền ảo mộng. Đà Lạt chiều thu, đất trời chìm trong sương mù giăng kín khắp mọi nơi, đâu đó tiếng đàn ghi ta bập bùng bản nhạc: "Ai lên xứ hoa đào" của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.

Du lịch Đảo Phú Quốc, Kiên Giang

Phú Quốc, nằm trong Vịnh Thái Lan, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam ở phía Tây Nam, cũng là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo lớn nhỏ khác tại đây. Phú Quốc cùng với các hòn đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Du lịch sinh thái, tâm linh: Chùa Bái Đính – Tràng An, một địa danh đặc sắc của châu Á

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha, bao gồm ba vùng liền kề nhau là Khu Di tích Lịch sử Văn hóa cố đô Hoa Lư, Khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.

Chùa Hương, điểm đến du lịch tâm linh

Không chỉ là một sự kiện tôn giáo, lễ hội chùa Hương còn là một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, phản ánh những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt. Có thể nói, đó là hành trình tìm về cội nguồn, tìm về sự thanh tịnh trong tâm hồn và hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Hành trình về miền đất Phật - chùa Hương không chỉ là một chuyến đi mà còn là một một trải nghiệm văn hóa ý nghĩa.

Du lịch Côn Đảo – Du lịch sinh thái, về nguồn

Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi bờ biển Nam Bộ, cách thành phố Vũng Tàu 185km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 230km và cách cửa sông Hậu 83km. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, với diện tích 76 km2. Trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 57 km2 là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của huyện Côn Đảo.

Du lịch Điện Biên – Du lịch sinh thái, về nguồn

Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích 9.562,9 km2. Địa hình chia cắt, nhiều sông suối, đồi núi, có độ dốc lớn. Là tỉnh có chung đường biên giới với 2 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (dài 360 km) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (dài 40,861 km).

Chùa Yên Tử _ Điểm đến du lịch tâm linh

Chùa Yên Tử nằm trên đỉnh núi Yên Tử, thuộc khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Chùa Yên Tử nằm trên địa phận phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều). Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp được xây dựng rải rác theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội 130 km và cách thành phố Hạ Long 40 km.

Du lịch Fansipan, trải nghiệm mùa tuyết rơi

Đỉnh Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, là dãy núi cao nhất ba nước Đông Dương có độ cao 3.143m so với mặt nước biển, cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam. Fansipan còn gọi là là "Nóc nhà Đông Dương", giáp với tỉnh Lai Châu, có chiều dài khoảng 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang của chân núi Hoàng Liên Sơn rộng nhất là 75km và hẹp nhất khoảng 45km.
Top