Khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt đã tôn vinh vua Hùng là Thủy tổ khai sinh dân tộc, đất nước. Ý thức tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã thấm vào máu thịt của cộng đồng người Việt, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình tượng vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt. Vua Hùng gắn với người Việt không chỉ bởi ánh hào quang của lịch sử, mà đó chính là sự phản chiếu hình ảnh của ông vua mở nước, gắn kết lòng người bằng huyết tộc - đồng bào.

Nghi thức thờ cúng vua Hùng
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng thể hiện tâm thức và triết lý “con người có tổ có tông” của con người Việt Nam. Đây là tín ngưỡng có từ xa xưa và đã trở thành một trong những thành tố tạo nên bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn trường tồn và luôn chiếm giữ một vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần dân tộc.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hình thức phát triển cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của con người Việt Nam và được định danh là thờ cúng Quốc tổ. Trên thế giới, nhiều dân tộc có thờ cúng tổ tiên, nhưng “chưa có quốc gia nào thờ Tổ như ở Việt Nam”- đó là cả một quốc gia, một dân tộc tự coi mình có chung nguồn gốc và tôn vinh vị “Cha chung” là Quốc Tổ Hùng Vương. Hàng năm, đã thành truyền thống, cứ đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người Việt Nam khắp mọi miền đất nước và khắp năm châu lại tìm về với Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh ở tỉnh Phú Thọ để thắp hương tưởng nhớ, tri ân Quốc Tổ Hùng Vương.

Dâng hương giỗ tổ
Lịch sử cho thấy, mỗi khi xâm lược nước ta, các thế lực ngoại bang đều tìm cách đốt phá cơ sở thờ cúng Hùng Vương, nhưng rồi nhân dân lại trùng tu, hoặc xây dựng lại. Sự hiện diện của Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, anh dũng, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam cũng như sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam.
Cùng với việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo và bảo vệ Đền Hùng, việc lưu giữ, thực hành nghi lễ thờ cúng và trao truyền cho các thế hệ sau các giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng được cha ông ta coi trọng, với sự tham gia của hàng triệu người với lòng thành kính. Cùng với thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tích hợp nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc để rồi lại lan tỏa, bồi đắp, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo cho tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc quan tâm đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng (năm 1952 và năm 1964) và để lại những tình cảm tri ân sâu sắc với những người có công dựng nước, cũng như nhân lên niềm tự hào về truyền thống dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đất Việt đối với Tổ quốc Việt Nam. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ngày 18/2/1946 quy định về những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết và ngày lễ tôn giáo, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào 10/3 âm lịch hàng năm.
Trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc xếp hạng di tích, đầu tư, quy hoạch, xây dựng cơ sở thờ tự, tổ chức lễ hội Đền Hùng, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa của Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương . Nhà nước ta đã quyết định công nhận Đền Hùng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ngay trong đợt xếp hạng di tích lần đầu tiên vào năm 1962. Đền Hùng cũng là một trong 10 di tích được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp Quốc gia” đợt đầu tiên vào năm 2009.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương được bảo tồn cả về cơ sở thờ tự, nghi thức thờ cúng, lễ hội và không gian văn hóa. Tại vùng đất Tổ, các đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh được tu bổ, tôn tạo khang trang cả về kiến trúc và nội thất; Cột đá thề được trùng tu lại phù hợp với ý nghĩa và truyền thống lịch sử. Đền thờ Đức tổ Lạc Long Quân được xây dựng trên Đồi Sim, khánh thành vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2009; Đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn, khánh thành vào năm 2005, cùng với các đền, chùa, tháp… trên núi Nghĩa Lĩnh tạo thành một quần thể các công trình tín ngưỡng quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh, tôn vinh và tưởng nhớ công ơn của các bậc Thủy tổ đã có công dựng nước.
Việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng vương được Nhà nước, chính quyền địa phương tổ chức trang trọng, trong đó nghi lễ quan trọng nhất là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng, thể hiện rõ sự tôn vinh công ơn các bậc tiền nhân có công dựng nước, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian, như: trò chơi dân gian, rước kiệu truyền thống, thi nấu cơm, thi giã bánh giày, gói bánh chưng; tổ chức đánh trống đồng; tổ chức hát Xoan, hát Ghẹo, Hội trại văn hóa, thi bắn nỏ, thi đấu cờ tướng… được tổ chức từ khu vực Đền Hùng đến thành phố Việt Trì và các vùng phụ cận, tạo nên không gian văn hóa linh thiêng và sinh động.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi nhận là: “Nhiều biện pháp bảo tồn bao gồm nghiên cứu, giáo dục, phát huy và nâng cao nhận thức được đưa ra và được nhà nước cùng lãnh đạo địa phương hỗ trợ về tài chính, đảm bảo khả năng tổ chức thực hành; các biện pháp bảo tồn này cũng tôn trọng tính linh thiêng của nghi lễ và những tục hèm, kiêng kị trong việc tiếp cận ở một số khía cạnh”. Bên cạnh đó, UNESCO cũng đánh giá cao hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” về mặt thực hành nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng.
Ban Nghiên cứu xã hội